Tình cảnh thiếu thốn của lực lượng Ukraine trong xung đột với Nga ở Bakhmut
Các lực lượng của Nga đang từng bước bao vây Bakhmut và đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi những vị trí cố thủ cuối cùng ở thành phố này sau nhiều tháng giao tranh.
Đằng sau nỗ lực cố thủ ở Bakhmut
Lính đánh thuê thuộc Quân đoàn quốc tế của Ukraine, những người chỉ vừa rời Bakhmut, nhận định với Military Times rằng, quân đội Ukraine đang thiếu những trang thiết bị cơ bản, từ các phương tiện cơ giới cho tới đạn pháo để duy trì chiến đấu, giữa bối cảnh Nga đang siết chặt vòng vây trong chiến dịch gọng kìm ở phía Bắc và phía Nam thành phố. Kiev vẫn quyết tâm cố thủ ở Bakhmut với tính toán nỗ lực này sẽ làm hao hụt các lực lượng của Nga và cản trở Moscow tiến hành các chiến dịch lớn hơn.
Dù vậy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một think tank có trụ sở tại Washington cho biết, Nga hiện chưa thể tìm cách vượt sông Bakhmut và cũng chưa có đủ khả năng chiến đấu để tiến xa hơn về phía Tây.
"Bakhmut phải trụ vững", Sam - một cựu lính Thủy quân Lục chiến Mỹ từng chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, hiện thuộc Quân đoàn Quốc tế của Ukraine, tán thành với quyết tâm bảo vệ thành phố này của giới lãnh đạo Ukraine. Nhận định với Military Times khi đang ở gần Konstantinovka, bên ngoài Bakhmut, cựu binh này thừa nhận những tổn thất nặng nề trong việc bảo vệ thành phố nhưng khẳng định nơi này "có tầm quan trọng mang tính biểu tượng".
Để tiếp tục bảo vệ Bakhmut, quân đội Ukraine cần nhanh chóng được bổ sung hậu cần và trang thiết bị. Các binh lính phàn nàn họ có quá ít đạn dược nên các đơn vị pháo binh buộc phải lựa chọn những người hỗ trợ dưới hỏa lực. Có ý kiến của một số binh sĩ cho rằng, các lãnh đạo quân sự Ukraine có thể đang tích trữ đạn pháo cho cuộc tấn công lớn hơn sắp tới.
Chasiv Yar, một thị trấn nhỏ cách Bakhmut gần 10km là nơi tập trung số lượng bí mật các hệ thống pháo của Ukraine. Âm thanh của các cuộc pháo kích vang lên khắp các con đường gần như trống trơn gần đó để hỗ trợ quân đội Ukraine cách đó vài km.
Sergey Chaus, người đứng đầu chính quyền quân sự và dân sự của Chasiv Yar đã miêu tả tình hình ở thị trấn này vô cùng tồi tệ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của nó với chiến dịch ở Bakhmut. Thị trấn này có vai trò quan trọng bởi "đó là con đường duy nhất vào Bakhmut" và sẽ là huyết mạch quan trọng để đảm bảo an toàn nếu quân đội Ukraine rút quân về phía Tây.
Với việc Nga tập trung chiến dịch vào Bakhmut, Chasiv Yar chưa bị phá hủy bởi các cuộc pháo kích như những gì xảy ra ở Bakhmut mặc dù thị trấn này không hẳn là đã an toàn. Theo ông Chaus, cuộc tiến công của Nga có thể diễn ra "bất cứ lúc nào".
Tại Konstantinovka ở phía Tây Bắc, một bác sĩ quân y của Ukraine có tên là Alexsander cho biết, giao tranh ở Bakhmut "giống như năm 2014". Các tiền tuyến hiện nay cũng giống như cuộc xung đột tiêu hao trong Thế chiến I với việc lực lượng hai bên chiến đấu từ các vị trí cố định trong chiến hào.
Alexsander cũng nói về tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế ở tiền tuyến Bakhmut. Bên cạnh những vật dụng sơ cứu khẩn cấp như garô, thiết bị truyền máu và kim tiêm, Alexsander hầu như không thể làm gì hơn để cứu các binh lính Ukraine bị thương. Trên cánh tay xăm chữ "HOPE" (Hy vọng) nhưng Alexsander mong muốn có nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến hơn thay vì chỉ có hy vọng.
Quan sát trực tiếp tình hình chiến trường, Alexsander nhận định, quân đội Nga và Ukraine đôi khi giao tranh với nhau ở tầm bắn trực xạ (point-blank hay phạm vi điểm trống là khoảng cách mà súng và mục tiêu rất gần nhau - ND), trực tiếp "bắn từ các chiến hào". Điều này rất khác với những cuộc giao tranh trong mùa hè năm ngoái khi quân đội thường chiến đấu với nhau ở khoảng cách lớn hơn.
Tình cảnh thiếu thốn của quân đội Ukraine
Chiến đấu ở khoảng cách gần cũng đồng nghĩa với việc hai bên sẽ tổn thất nhiều quân đội và sĩ quan cấp cao có kinh nghiệm chiến đấu. Nga bị cáo buộc đưa tới tiền tuyến những binh lính chưa được huấn luyện bài bản và phải tự trang bị vũ khí. Trong khi đó, Ukraine buộc phải thay thế những binh lính thương vong bằng lực lượng chỉ mới trải qua 2 tuần huấn luyện cơ bản. Việc thiếu sự chuẩn bị đã phần nào lý giải tổn thất nặng nề của Ukraine ở Donbass.
Các sáng kiến huấn luyện do NATO dẫn đầu ở Đức, Anh và những nơi khác khắp châu Âu được triển khai nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho binh lính Ukraine nhưng các chương trình này có thể phải chờ tới giữa hoặc cuối mùa hè năm nay mới thu được kết quả. Chương trình của Bộ Quốc phòng Anh sẽ huấn luyện cho khoảng 10.000 binh lính Ukraine trong 4 tháng.
Nhưng thậm chí cả khi sự chuẩn bị được tăng cường, các quan chức Ukraine vẫn lo ngại rằng nếu xung đột kéo dài, họ sẽ buộc phải đưa nhiều binh lính chưa được huấn luyện hơn tới chiến trường trong cuộc xung đột với một quốc gia hơn hẳn nước này về dân số và lực lượng quân đội.
Các thiết bị quân sự công nghệ cao nhằm bù đắp sự chênh lệch về lực lượng đang được cung cấp cho Ukraine với nhịp độ không còn lớn như những ngày đầu xung đột. Trao đổi với báo giới ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin khẳng định NATO phải cung cấp cho Ukraine "chương trình huấn luyện, các trang thiết bị dự phòng và bảo trì" mà binh lính Ukraine cần "để sử dụng những hệ thống mới này sớm nhất có thể".
Điều đó sẽ giúp ích phần nào cho quân đội Ukraine nhưng theo Sam, các xe tăng và trang thiết bị tiên tiến của phương Tây "không phải là viên đạn bạc". Ông và các chuyên gia khác đánh giá, hiện nay, quân đội Ukraine cần mọi thứ, từ các thiết bị chuyên môn hóa như phương tiện dọn mìn cho tới xe bọc thép thay vì những chiếc xe jeep với lớp vỏ mỏng manh và xe tải chở khách để chở quân nhân sau khi tổn thất quá nhiều xe bọc thép trong giao tranh với Nga./.