Tình cảnh trái ngược của hai thị trường chứng khoán hàng đầu

Ngày 21/10, các nhà phân tích trong ngành tại đây đã nêu rõ sự tách biệt sâu sắc hơn giữa thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Mỹ.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo lưu ý của các nhà phân tích, mặc dù thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã suy thoái trong năm nay, thị trường chứng khoán Mỹ lại tăng trưởng, chủ yếu là do các chính sách tiền tệ khác nhau và tính cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển nhanh chóng.

Các nhà phân tích tin rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 5/11 có thể làm sâu sắc thêm sự tách biệt giữa thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Mỹ, có khả năng khiến sàn giao dịch chứng khoán Seoul vốn ảm đạm lại tiếp tục suy giảm.

Giáo sư kinh tế Woo Seok Jin tại Đại học Myongji, cho biết: "Sự không cân bằng về giá cổ phiếu giữa Hàn Quốc và Mỹ đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng sự tách biệt trong năm nay có vẻ khó giải quyết hơn do các chính sách lãi suất khác nhau". Giáo sư lưu ý rằng chỉ số chuẩn KOSPI, đã giảm 2,84% trong năm nay tính đến ngày 18/10, là một trong những thị trường có hiệu suất kém nhất trong số các nền kinh tế lớn.

Cụ thể, chỉ số này chủ yếu dao động trong khoảng 2.500 đến 2.700 điểm kể từ tháng 8, sau khi gần đạt 2.900 điểm vào tháng 7. Ngược lại hoàn toàn, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến mức tăng đáng kể, với Chỉ số công nghiệp Dow Jones đánh dấu mức tăng hàng tuần thứ sáu liên tiếp và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 43.239,05 điểm ngày 18/10.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng trung ương

Hàn Quốc (BoK) đã áp dụng lập trường ít ôn hòa hơn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang chu kỳ cắt giảm lãi suất. Sau hơn 3 năm thắt chặt tiền tệ, BoK đã hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 11/10. Ngược lại, Fed hồi tháng 9/2024 đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống mức từ 4,75% đến 5%.

Fed đã phát tín hiệu cắt giảm lãi suất thêm, trong khi BoK vẫn thận trọng về những động thái như vậy do mức nợ hộ gia đình ngày càng tăng ở Hàn Quốc. Giáo sư Woo cho biết: "Do chính sách cắt giảm lãi suất mạnh tay của Mỹ được dự đoán sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào thị trường chứng khoán Mỹ, nên sự tách biệt của nó với thị trường chứng khoán Hàn Quốc có thể sâu sắc hơn".

Nhà nghiên cứu tại iM Securities, Park Sang Hyun, tin rằng khoảng cách ngày càng lớn giữa hai quốc gia trên thị trường AI cũng là kết quả của sự tách rời. Ông lưu ý rằng Samsung Electronics đang tụt hậu trong cuộc đua AI toàn cầu vì họ phụ thuộc vào các chất bán dẫn truyền thống có biên lợi nhuận thấp, thay vì các chip có biên lợi nhuận cao được sử dụng trong máy chủ AI. Kết quả là, định giá của Samsung Electronics đã giảm hơn 120.000 tỷ won (87,36 tỷ USD) trong quý III/2024. Sự sụt giảm đó đã làm giảm một phần giá trị của toàn bộ chỉ số KOSPI xuống 189.000 tỷ won (137,59 tỷ USD) trong cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của "gã khổng lồ" sản xuất chip AI Nvidia đã tăng hơn 233% trong năm qua, củng cố vị thế thống lĩnh của công ty trên thị trường. Một nhà phân tích không công bố danh tính cho rằng rất khó dự đoán chuỗi cung ứng chip toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào sau khi bầu cử Mỹ kết thúc.

Trần Quang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tinh-canh-trai-nguoc-cua-hai-thi-truong-chung-khoan-hang-dau/350952.html