Tình cảnh trái ngược của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp

Trên thị trường thời trang xa xỉ, trong khi lợi nhuận của các hãng như Prada, LVMH ghi nhận những mức tăng trưởng lớn; nhiều tên tuổi như Kering và Burberry đang chứng kiến nhu cầu suy yếu.

Một cửa hàng của hãng thời trang Fendi tại Paris (Pháp). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cửa hàng của hãng thời trang Fendi tại Paris (Pháp). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thương hiệu thời trang cao cấp Fendi của Italy, thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, ngày 27/5 thông báo đã bổ nhiệm một Giám đốc Điều hành (CEO) mới, nhằm duy trì đà phát triển của thương hiệu này.

Trong thông cáo báo chí, tập đoàn thời trang xa xỉ dẫn đầu thế giới LVMH nêu rõ ông Pierre-Emmanuel Angeloglou sẽ đảm nhận vị trí CEO kể từ ngày 1/6, thay thế ông Serge Brunschwig người giữ vị trí CEO của Fendi sáu năm qua và giờ chuyển sang những công việc mới trong LVMH thời gian tới.

Ngoài CEO của Fendi, ông Angeloglou vẫn giữ cương vị giám đốc quản lý của Tập đoàn thời trang LVMH, nơi quy tụ các thương hiệu nổi tiếng gồm Celine, Givenchy, Loewe, Kenzo, Marc Jacobs, Patou, Pucci và Rossimoda.

Ông Bernard Arnault, CEO của LVMH, đánh giá cao sự đóng góp của ông Serge cho sự phát triển của Fendi từ năm 2018.

Thông thường, LVMH hiếm khi tiết lộ doanh thu của 75 thương hiệu của mình. Tuy nhiên, trong buổi công bố kết quả hoạt động kinh doanh thường niên hồi tháng Một, ông Arnault cho biết Fendi đang tiếp tục đà phát triển.

Theo Giám đốc Tài chính của LMVH Jean-Jacques Guiony, Fendi được xếp vị trí thứ tư trong danh sách các thương hiệu đóng vai trò động lực tăng trưởng doanh thu cho LMVH trong thời gian tới nhờ lĩnh vực thời trang đồ da. Vị trí này của Fendi đứng sau Louis Vuitton, Dior và Celine.

Trong khi đó, lợi nhuận của hãng thời trang cao cấp Prada SpA của Italy đã tăng vọt, nhờ tăng trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Nhật Bản, trong khi doanh thu tại Mỹ có thể giảm.

Thương hiệu chính của Prada vẫn ổn định, trong khi Miu Miu có thể là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất.

Các nhà phân tích của Morningstar nhận định tăng trưởng của hãng này trong thập kỷ tới sẽ nhờ sức mạnh thương hiệu, trong khi thu nhập tăng trên toàn cầu thúc đẩy ngành hàng xa xỉ.

Prada đứng đầu trong danh sách các thương hiệu hàng xa xỉ nhất trong quý 4 năm 2023 và trong Top 4 của năm.

Nhật Bản nằm trong số các thị trường hàng xa xỉ mạnh nhất thế giới, khi đồng yen xuống giá đã thu hút khách du lịch săn các món hời và nhu cầu trong nước vẫn lớn.

Lợi nhuận của LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE, Richemont và Hermes International SCA đều lớn nhờ tăng trưởng tại Nhật Bản.

Doanh số bán hàng xa xỉ tại châu Á tăng, trong bối cảnh diễn ra sự sa sút mang tính chu kỳ khi người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu và tăng trưởng chậm lại ở các thị trường chủ chốt khác.

Trong khi người châu Á giàu có tăng chi tiêu, người tiêu dùng nói chung thắt chặt hầu bao, đặc biệt là tại Trung Quốc. Nhà bán lẻ trực tuyến JD.com Inc. có thể báo cáo tăng trưởng doanh thu hàng năm chậm nhất kể từ ít nhất là năm 2015.

Theo nhà phân tích Alex Poon thuộc Morgan Stanley, tăng trưởng doanh thu quảng cáo trên nền tảng phát video trực tuyến Bilibili Inc. của Trung Quốc cũng giảm trong năm nay do những rào cản vĩ mô.

Sau khi Alibaba Group Holding Ltd. giảm giá dịch vụ điện toán đám mây, JD.com cũng giảm mạnh giá dịch vụ của mình, một đợt cạnh tranh gay gắt sẽ xói mòn lợi nhuận của các công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc.

Thương hiệu thời trang xa xỉ Anh Quốc Burberry trước đó cho hay lợi nhuận giảm 34% sau khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của hãng - giảm mạnh trong quý 4 năm 2023.

Trước đó, Burberry đã cảnh báo rằng việc đạt được mục tiêu đưa thương hiệu 168 năm tuổi lên phân khúc cao cấp hơn, trở thành định nghĩa "Xa xỉ hiện đại kiểu Anh," khó khăn hơn dự kiến do nhu cầu hàng xa xỉ giảm.

Doanh số bán hàng của Burberry giảm 12% trong quý 4 năm ngoái, chủ yếu bị kéo xuống bởi mức giảm 19% ở thị trường Trung Quốc, xóa sạch khoản tăng trưởng đạt được trước đó trong năm 2023.

Lợi nhuận hoạt động của Burberry trong cả năm 2023 đạt 418 triệu bảng Anh (526,4 triệu USD). Doanh số bán hàng tại London, thị trường sân nhà của Burberry, giảm 17%.

 Thương hiệu thời trang Burberry tại cửa hàng ở London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thương hiệu thời trang Burberry tại cửa hàng ở London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguyên nhân dẫn tới kết quả đáng thất vọng này được CEO của Burberry Jonathan Akeroyd đổ lỗi cho việc thiếu dịch vụ mua sắm miễn thuế cho khách du lịch.

Ông Akeroyd cho biết: "Chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc tại các cửa hàng của chúng tôi ở London chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch, trong khi tại Paris thì con số này đã tăng hơn gấp ba lần."

Doanh số bán hàng của hãng thời trang xa xỉ này tại châu Âu tăng 8% trong quý cuối năm 2023. Ông Akeroyd nói rằng mặc dù kết quả tài chính không đạt được kỳ vọng ban đầu của công ty, họ đã đạt được tiến bộ tốt trong việc định vị lại thương hiệu.

Thương hiệu thời trang Anh Quốc này đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc thời trang cao cấp như Hermes và Prada, những công ty đã báo cáo doanh số bán hàng tăng trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, toàn bộ ngành hàng xa xỉ trên toàn cầu nói chung vẫn đang gặp khó khăn.

Kering, chủ sở hữu của Gucci, đối thủ cạnh tranh gần nhất của Burberry, chứng kiến doanh số bán hàng quý 1 năm 2024 giảm 10%. Sau vài năm khởi sắc do đại dịch, các công ty xa xỉ phẩm hiện đang phải đối mặt với nhu cầu yếu hơn ở một trong những thị trường lớn nhất của mình là Trung Quốc.

Tâm lý người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xấu đi do thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và tình trạng kinh tế sụt giảm.

Ông Adam Crisafulli, cựu nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan kiêm người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Vital Knowledge, cho biết các cảnh báo về doanh thu khá bi quan, làm tăng thêm lo ngại về tình hình nhu cầu của người tiêu dùng cao cấp.

Kering, tập đoàn cũng sở hữu Saint Laurent và Balenciaga, đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các đối thủ do hoạt động chi tiêu cho xa xỉ phẩm thấp hơn.

Năm 2023, tập đoàn này đã công bố một cuộc cải tổ quản lý nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh. Đối với các thương hiệu hàng xa xỉ, xung đột ở Trung Đông đã làm tăng thêm sự bất ổn về địa chính trị đối với triển vọng của ngành, vốn đã bị "lu mờ" bởi lạm phát.

Người mua sắm ở Mỹ và châu Âu thận trọng hơn trong chi tiêu và kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch ở Trung Quốc đã bị chệch hướng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản.

Burberry đã cố gắng vực dậy hoạt động trong vài năm qua, nâng cao thương hiệu và mức giá, song điều này khiến hãng đặc biệt nhạy cảm với việc nhu cầu suy yếu. Những nỗ lực khởi động lại thương hiệu Akeroyd của Burberry cho đến nay vẫn gặp trở ngại.

Đối với Burberry, châu Mỹ tiếp tục là thị trường không dễ đối với hoạt động kinh doanh, với doanh số bán hàng tại các cửa hàng tại đây giảm 12% trong quý 4 và cả năm 2023.

Burberry hy vọng việc cung cấp nhiều sản phẩm hơn, bao gồm cả may đo quần áo nam và nữ cổ điển với các mức giá trải rộng hơn, sẽ thu hút những khách hàng cao cấp tiếp tục chi tiêu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tinh-canh-trai-nguoc-cua-nhieu-thuong-hieu-thoi-trang-cao-cap-post955887.vnp