Tính chiến lược từ 2 khu công nghiệp mới quy hoạch gần TP Thanh Hóa
TP Thanh Hóa đang phát triển nhanh về phía Đông, các khu đô thị và dân cư tiến sát đến Khu Công nghiệp (KCN) Hoàng Long, bao trọn KCN Lễ Môn. Có tới 2 KCN trong lòng thành phố đã trở thành vấn đề bất cập, thể hiện những hạn chế trong tầm nhìn quy hoạch KCN của tỉnh hơn 20 năm trước. Để khắc phục, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các KCN đã được tỉnh giao phối hợp với các ngành liên quan, quy hoạch 2 KCN mới gần TP Thanh Hóa nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ các KCN trong nội đô, khơi dậy tiềm năng của các vùng lân cận trong phát triển công nghiệp tỉnh nhà những giai đoạn tiếp theo.
Khu Công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa) sẽ được dần thu hẹp và tiến tới xóa bỏ hoạt động công nghiệp để chuyển sang phát triển đô thị.
Ngoài KKTNS, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được quy hoạch phát triển 8 KCN, gồm: Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn – Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển các KKT, KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm KKT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN gần TP Thanh Hóa, gồm: KCN - đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa và KCN - đô thị - dịch vụ phía Bắc TP Thanh Hóa. Riêng KCN Lễ Môn, tạm thời vẫn được duy trì nhưng không phát triển mở rộng thêm bởi những bất cập trong phát triển đô thị đã hiện hữu. Tổng số 286 ha của KCN Hoàng Long sẽ được dần thu hẹp và tiến tới loại bỏ hẳn hoạt động công nghiệp, trở thành đất đô thị. Đó cũng là điều hợp lý để hiện thực chiến lược phát triển đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh dọc hai bên bờ sông Mã mà TP Thanh Hóa đang hướng tới.
Theo quy hoạch mới, KCN - đô thị - dịch vụ phía Bắc TP Thanh Hóa sẽ được xây dựng cách trung tâm TP Thanh Hóa 12 km về phía Bắc, thuộc phạm vi ranh giới các xã: Hoằng Cát, Hoằng Xuyên, Hoằng Quý, Hoằng Quỳ thuộc huyện Hoằng Hóa. Tổng diện tích khu vực lập đề án cho KCN này là 800 ha, hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền “công nghiệp 4.0”. Hạ tầng KCN này cũng sẽ được phát triển theo hướng kết hợp cả phát triển đô thị, tái định cư, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc. Đây cũng chính là đô thị vệ tinh với mục đích kéo giãn dân cư tại các khu trung tâm của TP Thanh Hóa.
Việc hình thành và phát triển KCN – đô thị - dịch vụ phía Bắc TP Thanh Hóa này cũng mang kỳ vọng khơi dậy các tiềm năng sẵn có, tận dụng tối đa các lợi thế nhằm phát triển toàn khu vực và các huyện lân cận. Bởi lẽ, KCN này nằm ngay bên tuyến Quốc lộ 1A – kết nối thuận lợi với cả miền Bắc lẫn miền Nam. Nơi đây, chính là nơi thu hút các dự án công nghiệp thay cho các KCN trong TP Thanh Hóa hiện tại, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho Nhân dân trong tỉnh.
Với KCN – đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa, trung tâm nằm cách TP Thanh Hóa hiện tại khoảng 11,2km về phía Tây. Vị trí quy hoạch KCN mới này thuộc các xã: Đồng Thắng, Đồng Lợi, Đồng Tiến (Triệu Sơn); Đông Yên, Đông Văn, Đông Thịnh (Đông Sơn) và xã Đông Tân, phường An Hưng (TP Thanh Hóa). Theo định hướng quy hoạch, giai đoạn 2021–2030, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, từng bước thu hút các nhà đầu tư. Với tổng diện tích 1.200 ha, KCN – đô thị - dịch vụ này sẽ được phát triển theo 2 khu vực chính. Thứ nhất là khu phát triển công nghiệp với diện tích dự kiến khoảng 900 ha, nhằm bố trí phát triển công nghiệp tập trung theo hướng công nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao. Thứ hai, là phần phát triển đô thị và dịch vụ để xây dựng các khu đô thị, khu công cộng dịch vụ cấp đô thị cùng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. KCN – Đô thị - Dịch vụ này sẽ được xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp... nhằm tạo môi trường sống và làm việc phù hợp cho các chuyên gia, người lao động. Đây cũng chính là khu đô thị với quy mô khoảng 300 ha nhằm giảm tải dân cư tại các khu trung tâm của TP Thanh Hóa trong tương lai.
Về mặt địa lý, KCN – đô thị - dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa có nhiều dư địa phát triển bởi gần các tuyến giao thông lớn kết nối với nhiều khu vực của tỉnh đang phát triển khá năng động. Đầu tiên phải kể đến tuyến Quốc lộ 47 chạy qua, giúp kết nối KCN – đô thị – dịch vụ này với TP Sầm Sơn, KCN Lam Sơn – Sao Vàng, Cảng Hàng không Thọ Xuân... Con đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa mới được xây dựng cũng chính là điều kiện cần để phát triển khu vực này. Khu vực đang phát triển năng động nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay là KKTNS cũng được kết nối thuận lợi với KCN này bởi đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKTNS chạy qua phía Tây KCN. Là vị trí tiếp giáp với TP Thanh Hóa, nơi đây sẽ trở thành khu vực chuyển tiếp giữa đô thị trung tâm TP Thanh Hóa với các huyện phía Tây như Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân... Về địa hình địa mạo, khu vực này tương đối bằng phẳng, nhiều quỹ đất, thuận lợi cho xây dựng các khu đô thị, nhà máy... Hiện nay, khu vực này chủ yếu là phát triển nông nghiệp thuần túy, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cần có hoạt động công nghiệp để tạo thêm việc làm, khơi dậy tiềm năng phát triển toàn vùng.
Qua tên gọi, cũng có thể thấy khác biệt của 2 KCN mới quy hoạch nói trên so với các KCN đơn thuần phát triển công nghiệp lâu nay, là kết hợp cả phát triển đô thị lẫn các dịch vụ liên quan. Với nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển cây xanh được đưa ra, quy hoạch mới hướng đến phát triển những vùng công nghiệp hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường như nhiều nước tiên tiến hiện nay.