Tính đến tháng 4/2024, các địa phương tuyển dụng được 19.474 giáo viên

Cụ thể, năm học 2023 - 2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành Kế hoạch năm học 2023 - 2024, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.

Một số kết quả nổi bật

Thứ nhất, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Thứ hai, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục đào tạo. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các chính sách phát triển giáo dục đào tạo tại địa phương; kịp thời triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ giáo dục đào tạo trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Thứ ba, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sát nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ tư, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt là việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trước thềm năm học mới giúp giảm đi gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là đối với phụ huynh, các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như tặng tủ sách gồm sách giáo khoa, sách giáo viên cho các cơ sở giáo dục; các chương trình hỗ trợ giá, tặng sách giáo khoa và thiết bị giáo dục cho học sinh như “Hành trình trao sách - Chắp cánh ước mơ”, “Thư viện xanh”… đã góp phần hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có đủ sách giáo khoa để học tập.

Thứ năm, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Trong đó, Đoàn tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đã giành được 1 giải nhì, đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013 đến nay; các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực đạt 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 09 Huy chương Đồng và 01 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Thứ sáu, tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng, từng bước khẳng định vị thế giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế.

Công tác kiểm định và các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, tích cực và trách nhiệm triển khai nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam; hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam. Qua đó, số lượng đăng ký tuyển sinh đại học năm 2024 tăng rõ rệt với gần 25.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành về vi mạch bán dẫn; gần 125.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành liên quan.

Thứ bảy, để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023 - 2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao;đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2023 - 2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022 - 2023).

Thứ tám, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Việc đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (trong đó có việc thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt) phục vụ học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng xã hội số trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ.

Thứ chín, triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học. Tổ chức thành công các giải thể thao học sinh, sinh viên tiêu biểu như: Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc; Giải chạy dành cho học sinh, sinh viên “S-Race 2023”; …góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mĩ; đồng thời, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao cho các địa phương, cho ngành giáo dục, cho quốc gia và tham dự ở các đấu trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn; Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025

Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, với các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Tham mưu và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả; đề xuất, xây dựng các Đề án, Chương trình đầu tư để bảo đảm nguồn lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Hai là, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Ba là, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.

Bốn là, bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non; bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới. Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12 và Chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Năm là, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nghiên cứu xây dựng các Đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

 Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 (nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Sáu là, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.

Bảy là, tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên. Chú trọng xây dựng văn hóa học đường. Tăng cường phòng, chống bạo lực học đường. Phát huy vai trò của giáo dục quốc phòng, an ninh trong giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Tám là, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án, dự án liên quan tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tới phát triển các cơ sở giáo dục đại học, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn. Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học giáo dục. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước về cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Chín là, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo. Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục, đào tạo (PISA, PASEC...).

Mười là, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục và đào tạo.

Mười một là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.

Mười hai là, tăng cường công tác truyền thông giáo dục. Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành. Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục và các hoạt động kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành Giáo dục trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, phù hợp.

Hà An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tinh-den-thang-42024-cac-dia-phuong-tuyen-dung-duoc-19474-giao-vien-post244954.gd