Tính đường xa cho ngành nuôi thủy sản
Xác định ngành nuôi thủy sản là mũi nhọn phát triển trong thời gian tới, Đồng Nai đang triển khai hàng loạt chương trình như: Chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Trong đó, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước, xây dựng chuỗi liên kết nuôi thủy sản an toàn nhằm phát triển bền vững là nội dung trọng tâm khi triển khai các đề án trên.
* Đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường
Vài năm trở lại đây, lĩnh vực nuôi thủy sản được nhiều địa phương quan tâm phát triển, nhưng vẫn thiếu tính bền vững. Nguyên nhân do người nuôi tuy có đầu tư nuôi bán thâm canh, nhưng đa phần đều không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nguồn nước thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất; hiện tượng biến đổi khí hậu thời tiết đang có những chuyển biến theo chiều hướng xấu, tác động tiêu cực đến lĩnh vực nuôi thủy sản; các vùng nuôi vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa hệ thống, chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Ông Huỳnh Văn Ba, nông dân nuôi tôm tại xã Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) lo lắng, vài năm trở lại đây, nuôi tôm gặp nhiều rủi ro hơn vì dịch bệnh; trong đó có nguyên nhân nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm. Nhiều hộ nuôi quan tâm ứng dụng công nghệ lót vải bạt, phủ lưới cho ao nuôi, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học từ việc xử lý nguồn nước đầu vào; vệ sinh bể nuôi thường xuyên và chọn lọc con giống tốt... để kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh, năng suất, chất lượng con tôm nuôi cũng đạt hơn.
Theo ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, công tác quan trắc, cảnh báo dịch bệnh môi trường phục vụ nuôi thủy sản luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Chỉ riêng khu vực sông La Ngà (H.Định Quán), hằng năm đơn vị đã thực hiện 24 đợt thu mẫu nước. Các mẫu nước được thu và thực hiện phân tích một số chỉ tiêu: độ mặn, độ kiềm, pH, oxy hòa tan, chất hữu cơ lơ lửng, độ mặn, độ kiềm, thuốc bảo vệ thực vật, mật độ và thành phần tảo độc… Kết quả quan trắc được cập nhật, xử lý và thông báo đến các ban, ngành, địa phương để phổ biến, cảnh báo đến người nuôi khi có các thông số vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn quy định để hạn chế những rủi ro, tổn thất trong quá trình nuôi.
* Xây dựng chuỗi liên kết an toàn
Với mục tiêu xây dựng được những vùng chuyên canh nuôi thủy sản an toàn, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Toàn tỉnh đã phát triển được 14 vùng nuôi thủy sản đạt chuẩn VietGAP với diện tích trên 400ha và gần 81 ngàn m3 bè nuôi. Tổng sản lượng thủy sản VietGAP của tỉnh đạt gần 15,7 ngàn tấn. Việc nhân rộng các HTX, vùng nuôi thủy sản VietGAP đang được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Tạo bệ đỡ bằng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành nuôi thủy sản tiếp tục đạt mức tăng trưởng, phát triển bền vững, nhiều địa phương đang tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để phát triển các vùng nuôi thủy sản như: đường giao thông, điện...
Để hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, Đồng Nai đã đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ như: thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức; bảo tồn các loài hoang dã và các giống thủy sản nguy cấp quý hiếm; phát triển nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế…
Ông Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng Tổ nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) cho biết, cá tra là sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu tốt. Nhiều năm nay, người nuôi cá tra tại vùng chuyên canh này kiên trì thực hành quy trình nuôi an toàn với kỳ vọng làm ra sản phẩm an toàn, tiêu thụ tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Văn Bính, Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản Trà Cổ (xã Trà Cổ, H.Tân Phú), cho biết nhiều năm qua, sản phẩm tôm càng xanh Trà Cổ được nuôi theo chuẩn VietGAP. Dù sản phẩm hiện nay vẫn bán ra như giá hàng thường nhưng người nuôi tôm vẫn kiên trì nuôi theo hướng an toàn với mong muốn làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn sẽ được thị trường biết tiếng và đón nhận.
Đây cũng là xu hướng nhiều nông dân nuôi thủy sản ngày càng quan tâm. Ông Nguyễn Văn Khải, nông dân tại xã Phú Điền (H.Tân Phú), cho hay gia đình ông vừa mở rộng diện tích nuôi cá trên phần đất canh tác lúa theo mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ cá đồng. Mô hình nuôi cá xen canh trong ruộng lúa cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với chỉ làm lúa. Nuôi cá giúp đất ruộng phì nhiêu hơn nên lúa có năng suất cao. Cá nuôi trong ruộng tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: gốc rạ sau gặt nảy mầm cùng những rơm rạ, cỏ dại..., nên tiết kiệm được chi phí thức ăn. Mô hình này được nhiều nông dân ở địa phương áp dụng vì ngoài hiệu quả kinh tế, nông dân cũng mong muốn làm ra các sản phẩm an toàn được thị trường đón nhận.