Tỉnh duy nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long không có nhà máy xử lý rác

Bạc Liêu với nhiều khu đô thị đang phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu cao về xử lý rác. Tuy nhiên, đây là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL không có nhà máy xử lý rác thải tập trung. Điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường và đời sống của người dân.

Rác cao như núi tại bãi rác Tân Tạo ở thị trấn Châu Hưng huyện Vĩnh Lợi Bạc Liêu (Hoàng Nam).

Rác cao như núi tại bãi rác Tân Tạo ở thị trấn Châu Hưng huyện Vĩnh Lợi Bạc Liêu (Hoàng Nam).

Việc xử lý rác thải tại bãi rác Tân Tạo đang là giải pháp tình thế

Do không có nhà máy xử lý rác tập trung ở tỉnh, rác của TP Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình đều phải tập trung về bãi rác Tân Tạo (thị trấn Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) để xử lý. Sau nhiều năm, bãi rác đã trở nên quá tải, gây ô nhiễm nguồn ngước và môi trường xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân trong khu vực. Vấn đề này đã được cử tri kiến nghị rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để, chỉ xử lý phần “ngọn” do chưa có nhà máy xử lý rác.

Chôn lấp, phủ bạc, xử lý vi sinh... chỉ là giải pháp tạm thời. Lâu dài, Bạc Liêu vẫn cần phải có nhà máy xử lý rác tập trung hiện đại quy mô lớn.

Chôn lấp, phủ bạc, xử lý vi sinh... chỉ là giải pháp tạm thời. Lâu dài, Bạc Liêu vẫn cần phải có nhà máy xử lý rác tập trung hiện đại quy mô lớn.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, bãi rác Tân Tạo có diện tích khoảng 2ha, cao khoảng 15m, đã quá tải nhiều năm qua, hiện đang được che bạt trùm lên trên để hạn chế mùi hôi và nước rỉ rác. Tỉnh cũng đã sử dụng phần diện tích đất dự phòng (khoảng 8.000m2) để chứa rác, xây dựng thêm một ô chôn lấp rác, cải tạo hệ thống xử lý nước thải của bãi rác và đào mương thoát nước rỉ rác (có lót bạt) bao quanh, nhằm ngăn nước rỉ rác tràn ra ngoài. Mặt khác, để xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại khu vực kênh Tân Tạo, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh tăng cường xử lý mùi bằng chế phẩm sinh học phun xịt, tăng liều lượng gấp bốn lần so với bình thường.

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Lê Hoàng Sao Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phải tăng chi phí xử lý vi sinh lên gấp đôi hàng năm (hàng trăm triệu đồng) để xử lý bãi rác Tân Tạo. Mục đích hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường làm ảnh hưởng đến người dân. “Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, căn cơ giải quyết phần gốc vấn đề tồn đọng rác của Bạc Liêu, đó là tỉnh vẫn buộc phải sớm có một nhà máy xử rác tập trung quy mô lớn” – ông Lê Hoàng Sao nhấn mạnh.

Đã cấp phép đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, nhưng...

Ngay từ nhiều năm trước, Bạc Liêu đã quan tâm vấn đề nhu cầu phải có nhà máy xử lý rác tập trung. Thế nhưng, việc này tưởng chừng dễ hóa ra lại khó. Theo đó, năm 2014, UBND tỉnh Bạc Liêu đã cấp phép đầu tư Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, công suất 245 tấn rác/ngày cho Công ty TNHH MTV ANA Bạc Liêu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhà đầu tư này triển khai "ì ạch" nên đã bị rút giấy phép. Mãi 5 năm sau, dự án được đấu thầu lại và Công ty TNHH Sa Mạc Xanh đã trúng thầu và tổ chức lễ khởi công vào ngày 31/5/2019 khiến người dân mừng rỡ chờ đợi. Thế nhưng, sau 5 năm, dự án chỉ là bản vẽ để đó khi nhà thầu lại “im hơi.”

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 200 tấn/ngày đêm để sớm đưa nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động.

Tháng 7/2024, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó CT UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam là nhà đầu tư thực hiện dự án trên. Đồng thời, đã chỉ đạo các sở, ngành tích cực hỗ trợ công ty hoàn thiện các thủ tục pháp lý (hiện đang xác định đơn giá xử lý rác) để sớm đưa dự án đi vào hoạt động nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, dự án vẫn chưa được triển khai do tỉnh chưa thể ban hành giá xử lý rác thải do phải đợi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đơn giá về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định (hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư).

Ngoài ra, việc bàn giao mặt bằng vẫn còn khó khăn do vướng một số tài sản trên đất (các ô rác đã đầu tư trước đây) cần thanh lý, xử lý trước khi giao đất cho nhà đầu tư. “Trong thời gian chờ nhà máy xử lý rác xây dựng và hoạt động, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh tăng cường công tác xử lý tại bãi rác hiện hữu đảm bảo vệ sinh môi trường, vận hành công trình xử lý nước thải, tăng cường các biện pháp xử lý mùi hôi” – ông Huỳnh Chí Nguyện cho biết thêm.

Trong khi dự án này vẫn giậm chân tại chỗ thì theo kế hoạch của tỉnh sẽ có 2 nhà máy xử lý rác cấp huyện phân chia theo cụm là nhà máy xử lý rác của Đông Hải - Giá Rai và Phước Long - Hồng Dân. Nhưng đến nay, Đông Hải - Giá Rai vẫn loay hoay ở giai đoạn khảo sát địa điểm giáp ranh để đặt nhà máy, chưa có nhà đầu tư; còn Phước Long - Hồng Dân thì gần như chưa thấy động thái liên quan đến vấn đề trên,

Bãi xử lý rác ở huyện Đông Hải (Hoàng Nam)

Bãi xử lý rác ở huyện Đông Hải (Hoàng Nam)

Hiện tại, bãi rác tập trung nằm ở ấp An Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải), là bãi rác thải lộ thiên khổng lồ với hàng trăm tấn rác chất thành đống lớn. Là nơi tập kết rác của cả 2 địa phương thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải, nên bãi rác luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh và sức khỏe của người dân. Tương tự, huyện Hồng Dân có lượng rác thải sinh hoạt ở đô thị là 22 tấn/ngày, nông thôn khoảng 10 tấn/ngày, việc thu gom và xử lý vẫn là chôn lấp rác tập trung một phần, phần còn lại người dân tự xử lý bằng cách ủ phân hoặc đốt.

Tại huyện Phước Long, với khối lượng rác ước tính hơn 40 tấn/ngày, huyện tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải bằng cách đốt và chôn lấp. 2 địa phương này còn chưa có điểm để thu gom rác đảm bảo.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tinh-duy-nhat-vung-dong-bang-song-cuu-long-khong-co-nha-may-xu-ly-rac.html