Tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra vụ đấu giá đất cao ngất ngưởng tại TP.Pleiku
Sau phiên đấu giá 104 lô đất tại phường Chi Lăng, TP.Pleiku (Gia Lai) tăng gần 400%, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các sở ngành kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu không để lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi
Vừa qua, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai đã phối hợp với doanh nghiệp Đấu giá tư nhân Đại Phát tổ chức buổi đấu giá 104 lô đất tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku, Gia Lai). Phiên đấu giá diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/3/2022.
Phiên đấu giá đất ở phường Chi Lăng thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài tỉnh khi có hơn 10.000 hồ sơ tham gia.
Giá đất đấu giá cao 4 lần mức khởi điểm
Diện tích mà dự án triển khai nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Diện tích đất hơn 17.243 m2 với tổng giá khởi điểm là 21,7 tỷ đồng. Theo đó, các lô đất được đưa ra đấu giá có diện tích từ 130 - 210 m2 với giá khởi điểm từ 175 đến 300 triệu đồng/lô. Giá trị khởi điểm của 104 lô đất là 21,7 tỷ đồng và đã được đấu lên với tổng giá trị hơn 101 tỷ đồng, tỷ lệ tăng so với giá khởi điểm là 365%.
Trong đó, lô trúng cao nhất là 3 tỷ 120 triệu đồng (diện tích 209 m2, giá khởi điểm 301 triệu đồng). Lô trúng thấp nhất 760 triệu đồng (diện tích 132 m2, giá khởi điểm 169 triệu đồng). Khách hàng trúng đấu giá là người dân ở huyện Chư Sê, Chư Păh và chủ yếu các tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Kon Tum.
Theo ghi nhận của PV, trước cuộc đấu giá vài tháng, giá đất ở khu vực này chỉ dao động từ 200 - 400 triệu đồng với diện tích khoảng 150 m2. Tuy nhiên, trong cuộc đấu giá này thì giá đất được đẩy lên với giá cao ngất ngưỡng, đạt tỷ lệ gần 400% so với giá trị đấu giá ban đầu.
Toàn cảnh 104 lô đất tại Khu quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư phường Chi Lăng vừa tổ chức đấu giá.
Ông Nguyễn Đức Vũ - Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết, trong nhiều năm trở lại đây thì đất trên địa bàn phường nói riêng và thành phố nói chung đã có sự thay đổi, tăng giá nhanh. Trong phiên đấu giá 104 lô đất tại phường Chi Lăng, phường cũng là đơn vị phối hợp, giám sát địa bàn. Những lô đất được bán qua đấu giá đều là khách từ nơi khác đến mua.
"Xác định trước việc sẽ có việc tung tin đồn giả về các dự án, công trình sẽ xây dựng nên phương đã chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua mạng xã hội, banner, trang thông tin nhằm khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ trước khi mua, tránh tiền mất, tật mang", ông Vũ cho biết.
Yêu cầu kiểm tra, rà soát lại cuộc đấu giá đất
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 16/4 UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đã có công văn yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, rà soát lại tác động của kết quả các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở ngành như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng… kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện bất thường.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, không để lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, thị trường nhà ở, bất động sản. Đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực.
Trước cuộc đấu giá vài tháng, giá đất ở khu vực này chỉ dao động từ 200 - 400 triệu đồng với diện tích khoảng 150 m2. Trong cuộc đấu giá, giá đất tại khu vực trên được đẩy lên với giá cao ngất ngưởng, đạt tỷ lệ gần 400% so với giá trị đấu giá ban đầu.
Công an tỉnh Gia Lai cần tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản (nếu có). Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Gia Lai cũng cần quản lý chặt chẽ giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá trúng đấu giá đất, kiểm soát giá giao dịch bất động sản để xác định nghĩa vụ tài chính trong giao dịch bất động sản đúng theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đất đai và hoạt động xây dựng trên địa bàn; ngăn chặn việc chuyển nhượng, xây dựng trái phép; không để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa, bán nền trái quy định; quản lý chặt chẽ các phiên đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo ông Vũ, trong thời gian sốt đất vừa qua, UBND phường đã liên tục thành lập đoàn để đi kiểm tra, theo dõi các trang mạng xã hội rao bán đất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp tự phát mở đường, phân lô trái phép. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm khi có ý định hình thành khu dân cư ảo, trái với quy định Nhà nước.
“UBND phường cũng thường xuyên kết hợp với Văn phòng đăng ký đất đai, phòng Tài Nguyên - Môi trường TP Pleiku để trao đổi thông tin, nắm các trường hợp phân lô, tách thửa số lượng lớn hay có điểm bất thường. Qua đó, khuyến cáo người dân trước khi mua đất cần lên phường để kiểm tra tính pháp lý, quy định đối với thửa đất sắp mua”, ông Vũ thông tin.
Bài và ảnh: Trần Hiền