Tinh giản biên chế mới thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất

Hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là nỗ lực rất lớn của các cơ quan. Đây là những thông tin được đưa ra trong phiên thảo luận về Kinh tế - Xã hội, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần có một sự phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế hay không.

Theo báo cáo của Chính phủ, chính sách tinh giản biên chế năm 2021 đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cào bằng giữa các đơn vị, vùng miền.

Ông NGUYỄN MINH SƠN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Ở một số cơ quan, địa phương phản ánh tình trạng cào bằng giữa các đơn vị dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa nói đến cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác thì vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung. Như vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm. Cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giản biên chế chịu trách nhiệm về nội dung này."

Đại biểu Lê Thu Hà đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, ngành nội vụ và các cấp chính quyền cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở miền núi cả về số lượng và chất lượng. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục.

Bà LÊ THU HÀ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai : “Lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 vẫn thực hiện tinh giản 10% và tinh giản cả với đội ngũ giáo viên. Thực tế cho thấy, với số lượng biên chế thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi đã phải căng hết sức mới đảm trách được nhiệm vụ. Nếu tiếp tục cắt giảm 10% trong giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ học sinh chuyên cần chất lượng phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung."

Đánh giá cao việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2022 đạt những kết quả tích cực, giảm được các đầu mối và tăng cường được hiệu lực, hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách nhà nước, nhưng các đại biểu lo ngại việc tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông ĐỒNG NGỌC BA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: “Nhiều cử tri và các nhà chuyên môn cho rằng, kết quả đổi mới của chúng ta về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua phần nhiều mới chỉ là thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất. Nổi lên những vấn đề như: Trong tổ chức bộ máy của chúng ta vẫn còn chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Tôi cho rằng, nếu việc tinh giản biên chế một cách cơ học không gắn với vị trí việc làm phù hợp không những không làm lành mạnh thêm mà còn làm suy giảm năng lực của bộ máy“.

Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân làm cho hệ thống vị trí việc làm hiện nay chưa đảm bảo chất lượng, cách hiểu, cách xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ và thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này, khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức, viên chức bảo đảm hợp lý khoa học.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tinh-gian-bien-che-moi-thay-doi-ve-luong-chua-dap-ung-yeu-cau-chuyen-bien-ve-chat