Tinh giản bộ máy hành chính địa phương: Sự lựa chọn cấp thiết

Trong quá khứ, một số lần sáp nhập chưa chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, hạ tầng và pháp lý, khiến bộ máy hành chính phình to hoặc chồng chéo.

Một góc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Một góc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Việt Nam ta đã nhiều lần sáp nhập và chia tách các đơn vị hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, một số đợt sáp nhập trước đây tỏ ra thiếu bền vững, dẫn đến việc chia tách trở lại. Sự nghi ngại của dư luận vì thế không phải không có cơ sở.

Thế nhưng, Kết luận 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang mở ra hướng tiếp cận mới trong bối cảnh mới với quyết tâm chính trị cao hơn, nền tảng công nghệ thông tin phát triển hơn và kinh nghiệm quản lý hành chính phong phú hơn. Việc bỏ cấp trung gian (cấp huyện) ở những nơi đủ điều kiện, sáp nhập một số tỉnh chưa đạt chuẩn về dân số và diện tích, đồng thời tái thiết kế chức năng, nhiệm vụ cho cấp cơ sở được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế trước đây.

Trong quá khứ, một số lần sáp nhập chưa chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, hạ tầng và pháp lý, khiến bộ máy hành chính phình to hoặc chồng chéo.
Ở nhiều địa phương, dù dân số không cao và cơ cấu kinh tế không phức tạp, vẫn phải duy trì đủ bộ máy cấp huyện với nhiều phòng, ban, dẫn đến chi phí vận hành lớn. Khi phải điều chỉnh trở lại, không chỉ gây tốn kém cho ngân sách mà còn làm dư luận nghi ngại về khả năng nhất quán trong chính sách. Nay, với Kết luận 126, tinh thần chung là khảo sát kỹ đặc thù từng nơi trước khi quyết định bỏ cấp huyện. Ở những vùng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin phát triển và dân cư tập trung, chính quyền cấp tỉnh hoàn toàn có thể kết nối, chỉ đạo trực tiếp đến cấp xã, phường, thị trấn. Ngược lại, với địa bàn miền núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, việc giữ lại huyện có thể vẫn cần thiết. Quan điểm “không làm tràn lan” nhằm bảo đảm vừa gọn bộ máy vừa quản lý hiệu quả.

Một trong những nội dung quan trọng khác là chủ trương sáp nhập các tỉnh không đáp ứng tiêu chí về dân số hoặc diện tích, hoặc đang gặp khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế. Nhiều tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn lực phân tán, dẫn đến hạn chế về thu hút đầu tư, khó tạo sức bật cho phát triển. Khi sáp nhập thành đơn vị hành chính lớn hơn, tiềm lực tổng hợp tăng lên, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng đồng bộ, chia sẻ tốt hơn các nguồn vốn và nhân lực.

Ở chiều ngược lại, những tỉnh quá rộng và đông dân, nếu phải quản lý cả cấp huyện chồng chéo, dễ phát sinh tình trạng quan liêu, thiếu minh bạch. Do đó, định hướng sắp xếp lại địa giới trên nguyên tắc khoa học, kết hợp với đánh giá sâu về tiềm năng, tránh tình trạng áp dụng máy móc hay làm vội vàng chỉ để “giảm đầu mối” về mặt số lượng.

Bối cảnh hiện nay giúp chúng ta lạc quan hơn về khả năng triển khai. Nhờ chuyển đổi số, nhiều thủ tục hành chính trước kia bắt buộc qua huyện có thể thực hiện trực tuyến, hoặc tiếp cận ngay tại cấp xã với sự hỗ trợ kỹ thuật từ tỉnh. Việc quản lý dữ liệu, báo cáo, văn bản đều có thể thực hiện qua hệ thống điện tử, hạn chế tình trạng “ngăn sông cấm chợ” hành chính.

Nếu tổ chức tốt, bỏ cấp huyện không gây ra trở ngại cho người dân, mà còn giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Bài học từ một số địa phương đã sáp nhập xã (giai đoạn 2019-2021) cho thấy, khi kết hợp hợp lý giữa công nghệ và tổ chức bộ máy, chính quyền cơ sở hoạt động trơn tru hơn, giảm rất nhiều khâu trung gian không cần thiết.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện bỏ bớt cấp trung gian hoặc hợp nhất địa phương thành các đơn vị lớn hơn. Chẳng hạn, Đan Mạch năm 2007 giải thể cấp “hạt”, chuyển các quyền lực quan trọng xuống cấp đô thị, còn năm vùng (regions) chủ yếu phụ trách y tế, giao thông công cộng. Nhờ đó, họ không tốn kém để duy trì bộ máy trung gian mà vẫn bảo đảm dịch vụ công chất lượng cao.

Tại Đức, việc Kreisreform (cải cách huyện) ở một số bang cũng hướng đến giảm số lượng huyện, tập trung tài chính và nhân sự, quản lý tập trung nhưng không kém phần hiệu quả. Nhật Bản tiến hành “Heisei no daigappei”, hợp nhất nhiều thị trấn, làng xã thành các đơn vị lớn hơn để tránh phân mảnh. Tất nhiên, mỗi nước có bối cảnh riêng, nhưng điểm chung là khi quyết tâm đủ lớn và lộ trình được hoạch định cẩn trọng, việc bỏ cấp trung gian hay sáp nhập địa phương thường đem lại hiệu quả tích cực.

Thử thách lớn nhất thường nằm ở công tác nhân sự và tâm lý xã hội. Bởi bỏ cấp huyện hay sáp nhập tỉnh đồng nghĩa phải sắp xếp lại tổ chức, trụ sở, con dấu… Chi phí ban đầu có thể tăng, nhưng lợi ích lâu dài là tiết kiệm chi thường xuyên, gọn nhẹ bộ máy. Cán bộ dôi dư cần được bố trí, luân chuyển hợp lý, bảo đảm không lãng phí nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn. Song song đó, cũng cần chú trọng tuyên truyền, thuyết phục người dân.

Dù tên gọi huyện hay tỉnh có thể thay đổi, nhưng nếu chính quyền phục vụ dân tốt hơn, người dân sẽ ủng hộ. Bản sắc văn hóa vùng miền chủ yếu gắn với cộng đồng và di sản lịch sử, không nhất thiết ràng buộc chặt chẽ với tên đơn vị hành chính. Quan trọng là giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống trong môi trường mới.

Cuối cùng, không thể quên rằng, để tránh lặp lại những bất cập, cần chuẩn bị khung pháp lý rõ ràng, từ quy định về phân quyền, ngân sách, tổ chức cán bộ đến cơ chế kiểm tra, giám sát. Kết luận 126 chỉ ra, muốn tinh gọn thành công, phải sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, quy định của Đảng, tránh triển khai “nửa vời” gây lãng phí. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra có trật tự, hạn chế tối đa xáo trộn. Mọi nỗ lực đều hướng tới mục tiêu giảm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện sáp nhập hay bỏ cấp trung gian chưa bao giờ là chuyện đơn giản, nhất là khi vẫn còn dư âm của những lần sáp nhập rồi chia tách. Nhưng bối cảnh hiện nay cho thấy điều kiện thành công đã tích lũy được nhiều hơn, từ kinh nghiệm sắp xếp cấp xã, sức mạnh công nghệ thông tin đến quyết tâm chính trị ngày càng rõ nét. Vấn đề là triển khai sao cho thận trọng, minh bạch, có lộ trình, đảm bảo tối đa lợi ích của người dân và giữ vững ổn định xã hội. Nhìn chung, Kết luận 126 mở ra cơ hội làm mới nền hành chính theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, phù hợp với xu thế quốc tế. Nếu khâu thực hiện trôi chảy, Việt Nam hoàn toàn có thể tránh lặp lại sai lầm cũ, tiến tới xây dựng bộ máy tinh gọn hơn, linh hoạt hơn, từng bước hiện đại hóa quản trị công để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tinh-gian-bo-may-hanh-chinh-dia-phuong-su-lua-chon-cap-thiet-post1156083.vov