Tinh giản chứ đừng tinh 'giảm'!
Hội nghị trao đổi về vấn đề tinh giản biên chế của huyện tổ chức đã cả tuần, vậy mà râm ran ý kiến tới tận hôm nay. Đâu đâu cũng nói đến tinh giản, hết con số này đến chỉ tiêu khác. Thôi thì đủ muôn mặt cả, nhưng ngẫm ra cũng có chuyện để nói.
Này thì cơ quan này của tỉnh, báo cáo “nét như Sony”, mấy năm liền “tinh giản” đạt chỉ tiêu, ấy nhưng phân tích ra, thì hóa, toàn biên chế giảm toàn do loạt người nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ việc.
Chỗ doanh nghiệp kia của huyện, bao nhiêu cốt cán, có nghề họ nghỉ “tuốt tuột” ra ngoài để sang làm cho doanh nghiệp tư nhân lớn trên tỉnh, thu nhập thì cao hơn, đãi ngộ cũng tốt hơn. Ấy cũng là “tinh giản” đạt!
Bên phía các tổ chức hội thì “vui như Tết”, chỉ tiêu tinh giản tuy không đạt yêu cầu, người đứng đầu nhận khuyết điểm rất nghiêm túc rằng, quyết tâm chính trị có thừa, nhưng thôi thì, nguyên nhân khách quan là cơ bản, nguyên nhân chủ quan là thứ yếu! Hỏi ra mới biết, năm nào cũng “dĩ hòa vi quý”, “đều như vót tăm”, 100% hoàn thành tốt nhiệm vụ, lấy đâu ra cán bộ kém chất lượng để mà giản với tinh!
Mấy đơn vị sự nghiệp, lại có hiện tượng vài viên chức đang ngấp nghé tuổi hưu, nhưng là những người đang làm việc “ầm ầm”, chất lượng, hiệu quả, bỗng nhiên lại “tụt dốc không phanh”, lơi là công tác, cốt để được tụt xếp hạng thành “không hoàn thành nhiệm vụ”, nghiễm nhiên thuộc đối tượng tinh giản biên chế. Lý do ư? Theo quy định, đối tượng nghỉ việc theo diện tinh giản sẽ được hưởng thêm một khoản hỗ trợ đáng kể. Và thế là vừa được theo ý mình là nghỉ hưu trước hạn, lại vừa có tiền, ai lại chẳng ham?
Trở lại với quan niệm đúng, khi tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.
Hay nếu ta hiểu theo nghĩa Hán Việt, cụm từ “tinh giản” còn ẩn chưa nhiều nghĩa sâu sắc hơn. "Tinh" ở đây là "tiêu biểu", "giản" là "lựa chọn", "sàng lọc"; "tinh giản" tóm lại là hành động diễn tả một quá trình chọn lựa nhằm cho ra kết quả chính là những thành phần còn lại phải thật sự ưu tú và tinh túy.
Dẫn ra như vậy để rồi quay về với thực trạng ở huyện kia, mới thấy, có thể bộ máy cồng kềnh đã được giảm phần nào về số lượng, thậm chí có nơi vượt cả yêu cầu, nhưng ngẫm lại thì, việc tinh giản có lẽ mới chỉ “giản” mà chưa “tinh”. Bởi đối tượng tinh giản ở nơi này, chỗ nọ chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác, thậm chí giảm cả những người “tinh” về công việc. Việc sàng lọc, loại ra những người dôi dư chưa tốt, những công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, những vị trí “thừa thãi”, gây lãng phí trong bộ máy hành chính chưa được “chỉ mặt, điểm tên” đưa vào diện tinh giản.
Nguyên nhân thực trạng này thì nhiều, nhưng chung quy lại, vẫn là chưa có cái nhìn tổng thể về tổ chức bộ máy; chưa bám sát khung vị trí việc làm; chưa đánh giá thực chất được chất lượng công việc của công chức, viên chức để có thể đưa ra những nhận định về vị trí, công việc, cá nhân dôi dư, gây lãng phí cho tổ chức bộ máy. Ấy là còn chưa nói tới việc, có nơi, có chỗ lại dàn hàng ngang chỉ tiêu “tinh giản”, trong khi thực ra, việc tinh giản cần phải xem xét trên cơ sở khoa học, thực tiễn, chỗ nào thừa thì phải giảm, chỗ thiếu lại phải xem xét tăng. Có vậy mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Thêm vào đó, còn không ít những vướng mắc, bất cập, thiếu thỏa đáng trong chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức viên chức dôi dư nghỉ việc, giúp họ có thể ổn định đời sống, tạo việc làm.
Thế nên, phải hiểu đúng, hiểu sâu, hiểu kỹ, phải lấy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để làm kim chỉ nam cho việc triển khai tinh giản biên chế.
Nếu không, thì “tinh giản” cuối cùng lại thành tinh "giảm”! Mà như thế thì chẳng đúng chút nào!
Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/cung-suy-ngam/tinh-gian-chu-dung-tinh-giam-143990