Tinh giản chương trình vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức?
Đối với lớp 6, 7, 8 kiến thức tinh giản khá hợp lý, tuy nhiên ở lớp 9, có những phần kiến thức quan trọng để HS thi vào 10 thì lại tinh giản.
Ngày 3/4 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo các môn thi THPT Quốc gia năm 2020 trên cơ sở đã tinh giản nội dung chương trình (CT) học kỳ II năm học này, do HS nghỉ học dài ngày phòng tránh dịch Covid-19. Nhiều giáo viên nhận định đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia thể hiện tinh thần tinh giản CT, có phần dễ hơn so với đề thi các năm trước song vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh.
Bộ GD-ĐT vừa công bố chi tiết giảm tải chương trình các cấp để góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh khi thời gian nghỉ học kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên, các trường sẽ thực hiện chương trình tinh giản ra sao?
Kiến thức tinh giản đã hợp lý?
Nội dung giảm tải tập trung chủ yếu ở các lớp cuối cấp của mỗi bậc học, đặc biệt là ở bậc trung học. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: Khi nhận được hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 của Bộ, nhà trường đã tổ chức họp với các tổ bộ môn để bàn bạc, rà soát lại nội dung kiến thức để thực hiện theo đúng nội dung cắt giảm chương trình (CT) của Bộ.
Cụ thể, nội dung giảm tải tập trung vào những phần bài tập có độ khó cao, số lượng bài học trong chương trình giữ nguyên nên vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức của cả năm học. Để đáp ứng yêu cầu, nhà trường tích hợp nội dung kiến thức gần nhau thành một chủ đề, qua đó giúp học sinh (HS) vẫn đảm bảo yêu cầu về lượng kiến thức. CT của chúng ta là đồng tâm xoắn ốc từ dưới lên trên, nên kiến thức ở lớp dưới có thể học ở mức độ nhất định và lên lớp trên vẫn kiến thức đó sẽ được mở rộng, nâng cao.
Cô Vĩnh Hà, tổ Văn, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: Dựa trên khung chương trình của nhà trường đã xây dựng từ đầu năm và căn cứ vào hướng dẫn giảm tải mới…, tổ bộ môn đã xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp nhất với tình hình thực tế cho HS. Việc giảm tải giúp giáo viên đảm bảo yêu cầu kiến thức của học kỳ II trong điều kiện thời gian eo hẹp. Về cơ bản nội dung giảm tải môn Văn là hợp lý, tuy nhiên còn một vài đơn vị kiến thức cần cân nhắc lại. Ví dụ, bài ẩn dụ lớp 6, khuyến khích HS tự đọc nhưng trên thực tế ẩn dụ sẽ gặp rất nhiều trong các văn bản và các đề kiểm tra, đề thi. Nếu HS không có kiến thức chắc chắn về các kiểu ẩn dụ thì sẽ không thể nhận diện được, vì thế cũng không phân tích được hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ này trong đọc - hiểu văn bản và trong đề thi.
Cô Vũ Thị Hòa, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn cũng băn khoăn cho rằng: Đối với lớp 6, 7, 8 kiến thức tinh giản khá hợp lý, tuy nhiên ở lớp 9, có những phần kiến thức quan trọng để HS thi vào 10 thì lại tinh giản. Như phần công thức nghiệm của phương trình bậc hai, công thức nghiệm thu gọn với luyện tập bị dồn từ 3 tiết thành 1 tiết rất khó dạy. Phần hệ thức Vi-ét phải dạy 10 tiết mới ổn, nhưng lại dồn lại thành 2, 3 tiết thì HS rất khó mở rộng... Đây là những phần kiến thức thực sự quan trọng để thi vào lớp 10. Trong đề thi nếu không tinh giản mà tinh giản trong quá trình dạy thì HS sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, chương về hình không gian thì cần tinh giản vì không có tính kế thừa và trong đề thi cũng không ra phần đó. Đó là một số điểm tinh giản chưa hợp lý. Tuy nhiên theo cô Hòa, các thầy cô vẫn bám theo hướng dẫn của Bộ nhưng dạy theo từng chủ đề để đảm bảo dạy đủ lượng kiến thức yêu cầu.
Ở bậc THPT, với môn Toán học, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá nội dung giảm tải tập trung vào những phần bài tập có độ khó cao, số lượng bài học trong chương trình giữ nguyên nên vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức của cả năm học. Với 2 môn Ngữ văn và Tiếng Anh, nhiều giáo viên cũng nhận xét các nội dung tinh giản phù hợp, không ảnh hưởng đến sự liên hệ và tính logic trong chương trình giữa các bậc học.
CT tinh giản của Bộ không cắt giảm kiến thức kiểu cơ học mà cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, cho phép giáo viên liên kết một số bài học có nội dung liên quan để tổ chức dạy học tích hợp; nhiều bài học trong CT chính khóa được chuyển thành hình thức tự học ở nhà hoặc tự nghiên cứu có sự hướng dẫn của giáo viên.
Giáo viên cần chủ động và linh hoạt
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, để đảm bảo tính logic tổng thể trong CT giữa các bậc học, tính kết nối kiến thức từ tiểu học tới THPT đòi hỏi phải có thời gian và có quá trình thẩm định. Tuy nhiên các chuyên gia, nhà giáo thực hiện việc tinh giản CT chỉ trong một thời gian ngắn, khá gấp gáp nên chúng ta phải chấp nhận có những cái chưa hoàn thiện, chưa khoa học, chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính kết nối, hoặc có những cái chúng ta cần giảm lại chưa giảm, có những phần không cần giảm thì lại giảm... “Trong thời gian này, giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải trang bị cho HS năng lực tư duy, kỹ năng. Từ kiến thức đó phát triển năng lực cho HS mới là quan trọng và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm kiếm kiến thức cũng rất quan trọng...” - thầy Bình nhấn mạnh.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, tinh giản nội dung CT học chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn hết là sự chủ động trong phương pháp tổ chức và truyền đạt kiến thức của giáo viên. Bởi sau hơn 2 tháng nghỉ học ở nhà, khả năng bắt nhịp lại chương trình học của mỗi HS khác nhau. Do đó, CT học cần đảm bảo tính liên tục và cơ hội học tập ngang bằng cho tất cả học sinh.
Bên cạnh đó, đại diện các trường đều cho biết, đề thi minh họa các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia mới được Bộ GD-ĐT công bố là vừa sức, phần nào giúp các trường có thêm cơ sở để tổ chức kế hoạch giảng dạy ở học kỳ II. Trong đó, đề thi tập trung CT học của học kỳ I, lớp 12 nhằm giảm tải áp lực thi cử cho học sinh và giáo viên, song vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức chung trong bối cảnh dịch bệnh.
Việc tinh giản CT cũng thể hiện khá rõ ở đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia vừa công bố cũng đã giảm độ khó. Phần kiến thức của học kỳ II lớp 12 chủ yếu đáp ứng ở mức độ nhận biết, thông hiểu, hoặc vận dụng, còn mức độ vận dụng cao rất ít, thậm chí không có ở một số bộ môn. Theo nhiều giáo viên THPT nhận xét, đề thi tham khảo có cấu trúc tương tự năm trước, không thay đổi gì lớn, tuy nhiên yêu cầu về kiến thức theo các cấp độ có giảm đi. Như vậy, sẽ đảm bảo được tính công bằng cho HS ở các vùng miền khác nhau, có điều kiện học tập khác nhau. Đề thi chỉ tập trung chủ yếu vào kiến thức cơ bản, thậm chí HS tự học cũng có thể làm được bài, tự học dưới sự hướng dẫn của thầy cô./.
“Song song với việc tinh giản CT cần phải có hướng dẫn đề thi vào lớp 10, bởi nhiều thầy trò vẫn còn băn khoăn tinh giản nhưng đề thi vào lớp 10 sẽ thế nào?. Với tình hình dịch bệnh như thế này, chưa biết khi nào HS có thể trở lại trường thì Sở GD-ĐT phải có định hướng đề cương để giáo viên bám vào đó dạy...” - Cô Vũ Thị Hòa, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tinh-gian-chuong-trinh-van-dam-bao-yeu-cau-ve-kien-thuc-1034873.vov