Tinh gọn bộ máy cần chuyển cung cấp dịch vụ công sang các đơn vị sự nghiệp
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cần có sự chuyển dịch từ cơ quan quản lý nhà nước sang đơn vị sự nghiệp công lập.
Sáng 22-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Nêu ý kiến, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cần có sự chuyển dịch cung cấp dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội sang đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc này giúp giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, để các đơn vị tập trung làm công tác quản lý nhà nước, làm công tác tham mưu thay vì dồn nguồn lực, con người và biên chế, tài chính cung cấp dịch vụ công. Và khi các đơn vị sự nghiệp công được giao làm dịch vụ công sẽ góp phần gia tăng trách nhiệm, sự năng động khi thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị.
Theo ông, để làm được thì cần có cơ chế giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế tự chủ, giải quyết nhanh vấn đề của các đơn vị sự nghiệp, dần tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
"Nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường, có độ mở lớn, trong đó có các dịch vụ giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sản phẩm du lịch, văn hóa thể thao… Các đơn vị sự nghiệp công khi tự chủ sẽ tăng tính cạnh tranh với đơn vị bên ngoài.
Nếu không có tự chủ, không có thẩm quyền thì sẽ đi không nhanh, như vậy sẽ thua ngay trên chính thị trường của chúng ta, dẫn đến chất lượng dịch vụ công ngày càng giảm đi về mặt chất lượng. Việc chuyển giao từng bước, giao trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công cho cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết " - ông Nguyễn Tấn Phát nói.
Đồng tình, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM, cho rằng việc tinh gọn bộ máy cần đặt trong bối cảnh chuyển đổi số.
Phân tích, ông Vũ nhìn nhận người dân là đối tượng được cung cấp dịch vụ công đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy 85% người dân có điện thoại thông minh, 98% tiếp cận internet, 75 triệu tài khoản xã hội, thời gian sử dụng internet trung bình gần 7 giờ/ngày.
Theo ông, nếu như từ xưa đến nay, dịch vụ công do nhà nước làm thì hiện nay các đơn vị công, xã hội hóa hay tư nhân cùng tham gia. Singapore hay Trung Quốc đều đã rất thành công khi vận dụng mô hình này.
Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM cho rằng TP.HCM có thể tổ chức các nhóm mô hình đặc thù, sử dụng công nghệ vào vận hành, ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng số đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. TP.HCM đã lập Trung tâm phục vụ hành chính công cũng là một mô hình quan trọng.
Cạnh đó, TS Vũ cũng đề cập đến tốc độ thay đổi chính sách để ứng phó với những đổi thay từ thực tế cuộc sống. Vị chuyên gia cho rằng cần linh hoạt, nhanh nhạy hơn trong đánh giá để có thay đổi phù hợp, không thể nào chờ cuộc sống đi qua rồi mới đánh giá, trình các cấp xem xét thay đổi.
Đơn vị sự nghiệp thay đổi tích cực khi tự chủ tài chính
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết tính đến ngày 31-12-2023, 47 đơn vị sự nghiệp công đã đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 60%. Qua đó, tỉ lệ ngân sách chi thường xuyên giảm dần qua các năm.
Qua 20 năm triển khai tự chủ tài chính, ông Tăng Chí Thượng nói hệ thống bệnh viện công lập của TP có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Một số bệnh viện phát triển về nhiều mặt từ chuyên môn kỹ thuật lẫn hạ tầng, trang thiết bị, các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sử dụng hiệu quả nhân lực và tài chính...
Thời gian qua, TP.HCM cũng có các chính sách giảm tỉ lệ trích lập nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập để các đơn vị có nguồn chi đầu tư phát triển.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị thêm các chính sách hỗ trợ hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Trong đó, giá viện phí cần sớm được tính đúng, tính đủ nhằm giúp các đơn vị tự chủ chi thường xuyên đảm bảo cân đối thu chi.
Đồng thời, quan tâm và ưu tiên xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế xuống cấp; nâng cao năng lực quản lý tài chính cho giám đốc các bệnh viện tự chủ tài chính; tháo gỡ các quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập...