Tinh gọn bộ máy: Mở ra nhiều cơ hội phát triển đô thị di sản ở thành phố Hoa Lư

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình.

Quang cảnh thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Quang cảnh thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong đó, đối với cấp huyện, nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Việc sắp xếp như vậy sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho Ninh Bình, tạo cơ hội để tỉnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cơ cấu lại đô thị, mở rộng không gian phát triển.

Nhân dân phấn khởi và đồng thuận cao

Nhiều người dân đã thể hiện niềm vui mừng, phấn khởi khi trong tương lai gần, thành phố Hoa Lư của Ninh Bình trở thành đô thị loại I với tính chất đặc trưng đô thị di sản, đồng thời thể hiện niềm tin, hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển thành phố Hoa Lư.

Anh Nguyễn Thành Luân, Bí thư Đoàn xã Trường Yên, huyện Hoa Lư khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, lấy ý kiến cử tri ở xã Trường Yên về việc sắp xếp đơn vị hành chính được triển khai nhanh chóng với những cách làm hay, sáng tạo, giúp nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, qua đó tạo nên sự đồng thuận cao trong dư luận ở địa phương. Anh Luân cũng cho rằng, việc tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cần phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa phương để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Trung Chức, Tổ trưởng Tổ dân phố Kỳ Lân, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Việc thực hiện phương án sắp xếp sẽ giúp mở rộng không gian, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, đáp ứng xu thế phát triển đô thị và là cơ hội để Ninh Bình tổ chức lại xã hội nông thôn, đô thị hướng đến xây dựng đô thị Hoa Lư - Ninh Bình với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Theo ông Chức, đến nay, người dân ở địa phương cơ bản đã biết và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm; đồng thời nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính vì sự phát triển toàn diện của các đơn vị trong diện sắp xếp và toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập cũng cần được tính toán kỹ, căn cứ vào yếu tố lịch sử - văn hóa để đảm bảo hài hòa, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Mở ra không gian phát triển đô thị di sản

Với tính chất đặc thù xây dựng thành phố Hoa Lư là đô thị di sản, đô thị loại I là mục tiêu đang dần được hiện thực hóa, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của thành phố Ninh Bình hơn lúc nào hết nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn trong công tác quản lý đô thị.

Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình chia sẻ, thời gian vừa qua, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm đối với những nhiệm vụ tỉnh giao trong việc lập đề án phân loại đô thị gồm thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết, các cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Ninh Bình rất vui mừng, phấn khởi; đồng thời đánh giá đây là bước ngoặt lớn, mở ra cơ hội phát triển đô thị thành phố Hoa Lư theo tính chất đô thị di sản, đô thị loại I trong tương lai.

Chuẩn bị cho việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư để thành lập thành phố Hoa Lư thời gian tới đây, UBND thành phố Ninh Bình đã đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư theo hướng bền vững, phát triển từng khu vực gắn với tính chất đặc trưng về không gian địa lý. Thành phố sẽ tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, khai thác nét văn hóa đặc trưng vùng đất Cố đô tại khu vực trung tâm, còn được gọi là nội thành. Đối với vùng nông thôn, thành phố chú trọng tạo cảnh quan, phát triển các khu nghỉ dưỡng, những loại hình du lịch trải nghiệm gắn với cuộc sống và công việc tại vùng nông thôn; đối với vùng lõi di sản Tràng An, sẽ tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản để phục vụ du khách.

Trước mắt, thành phố Ninh Bình yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện nay và thành phố Hoa Lư sau này nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý đô thị theo hướng mới cả về kiến trúc, cảnh quan mới, phát triển kinh tế dịch vụ xanh, xây dựng nét sống văn hóa người dân Ninh Bình đặc trưng của vùng đất Cố đô... Do đó, ngoài sự nỗ lực của chính quyền các cấp, thành phố rất cần sự đồng thuận và vào cuộc tích cực của các thành phần kinh tế và người dân.

Đức Phương - Thùy Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-mo-ra-nhieu-co-hoi-phat-trien-do-thi-di-san-o-thanh-pho-hoa-lu-20241211120945698.htm