Tinh gọn bộ máy nhà nước: Bàn để làm!

Sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không có chuyện bàn lùi, chỉ có thể bàn làm. Nhưng để thực hiện thành công nhiệm vụ này, có rất nhiều vấn đề phải tính toán, xử lý chu toàn. Trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, thiết thực.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, sáng 1/12/2025.

Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng cán bộ

PV: Xin ông chia sẻ những suy nghĩ về chủ trương sắp xếp lại bộ máy?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định mục tiêu tổng thể của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh).

Đây không phải là lần đầu chúng ta tiến hành sắp xếp lại bộ máy. Nhưng nếu cứ theo cách làm cũ, tự dồn dịch nơi này qua nơi kia, tổng số không giảm được bao nhiêu. Nguyên nhân quan trọng là tiêu chí, chiếc “phin lọc” không rõ, cho nên ở một số nơi thậm chí số biên chế không giảm mà còn tăng. Lần này, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đây là một cuộc cách mạng, được tiến hành theo cách “vừa chạy vừa xếp hàng”, hàm ý phải làm hết sức khẩn trương, quyết liệt, nhưng phải có trật tự. Điều này khiến tôi nhớ lại trước đây, Thủ tướng Phan Văn Khải đã không đi hỏi ý kiến từng bộ, ngành khi quyết định làm một cuộc cách mạng dẹp bỏ các loại “giấy phép con”, bởi như thế khó khăn lắm vì không ai lại muốn tự cắt bỏ, tự “thanh lý” mình. Thủ tướng Phan Văn Khải đã lập nhóm chuyên gia đầu ngành, họ làm việc rất khách quan và quyết liệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, thực hiện từ trên xuống.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI.

Bảy năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy bước đầu tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Song quyết tâm trong thực hiện chưa cao, sắp xếp bộ máy chưa có tính tổng thể, đồng bộ. Trên thế giới, phần lớn các nước chỉ chi 40-50% tổng ngân sách cho chi thường xuyên, thì chúng ta hiện nay chi đến gần 70%. Con số này cao không phải do trả lương cao mà số lượng biên chế quá nhiều. Hiện tại chính là thời điểm chín muồi để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần một cơ quan làm nhiều việc hay hướng tới các bộ đa ngành, đa lĩnh vực và mỗi việc cần có cơ quan thực hiện, chịu trách nhiệm đến cùng.

Trong đó phải đánh giá, phân tích chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức để xác định rõ những đơn vị nào hoạt động hiệu quả và những đơn vị nào có thể sáp nhập hoặc cắt giảm. Xem xét hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm sự chồng chéo. Đồng thời cải cách quy trình làm việc, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, hướng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nâng cao hiệu suất làm việc cũng rất quan trọng.

PV: Thưa ông, nên chọn những tiêu chí như thế nào để đánh giá hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy?

Ông Hoàng Minh Hiếu: Đây thật sự là vấn đề rất quan trọng. Các tiêu chí đánh giá sẽ vừa là thước đo, vừa là định hướng để thực hiện quá trình tinh gọn bộ máy. Tôi cho rằng, các tiêu chí này cần gắn với các mục tiêu hướng đến của quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy: mức độ cắt giảm chi tiêu thường xuyên, số lượng biên chế được tinh giản, số lượng các đầu mối trung gian được cắt giảm. Đặc biệt, cần có những tiêu chí để đánh giá về việc rút gọn các quy trình, thủ tục làm việc, giảm thời gian giải quyết các công việc cho người dân. Và cuối cùng, tiêu chí đánh giá quan trọng nhất, tổng thể nhất chính là tác động của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đến tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cần sự hy sinh, chia sẻ vì lợi ích chung lâu dài

PV: Giải pháp nào có thể áp dụng để giảm tác động tiêu cực đến số lượng cán bộ viên chức dôi dư do tinh gọn bộ máy và gia đình, thưa ông?

Ông Hoàng Minh Hiếu: Pháp luật về cán bộ, công chức cũng đã có những quy định cụ thể về việc sắp xếp, tinh giản lao động dôi dư. Thí dụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 về tinh giản biên chế, trong đó có các chính sách đối với người thôi việc, người nghỉ hưu trước tuổi… Có thể coi đây là cơ sở để thực hiện yêu cầu của việc sắp xếp, tinh giản biên chế sắp tới, các chính sách đối với lao động dôi dư sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm theo đúng mục đích đã được quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là “bố trí đủ nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy”; “tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”.

Nguồn:TTX

Nguồn:TTX

Ông Trương Trọng Nghĩa: Đúng là sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của khu vực công trong một thời gian. Chính sách đối với những người thuộc diện sắp xếp lại cũng là một thách thức lớn cần giải quyết để bảo đảm an sinh xã hội. Tinh giản bao nhiêu, như thế nào phụ thuộc vào kết quả khảo sát và đề xuất của các cơ quan chuyên môn. Tôi nghĩ mỗi cơ quan, đơn vị cần phải nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá, sắp xếp lại nhân sự, ngay cả đối với những người ở lại. Bởi vì người ở lại phải gánh thêm trách nhiệm và một khối lượng công việc nhất định. Thách thức lớn, không thể làm vội, nhưng cũng không thể kéo dài như những lần trước. Rất cần có bản lĩnh, sự quyết liệt của người đứng đầu. Ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy… đều phải bàn bạc kỹ, vạch ra kế hoạch, càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Ông Vũ Trọng Kim: Bất kỳ công cuộc cải cách nào đều gặp phải khó khăn chung lớn nhất là sức ì, thói quen làm việc cũ. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhắm đến mục tiêu cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy, nên về lâu về dài, tác động của quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy đối với chi phí triển khai thực hiện là sẽ tích cực. Tôi tin rằng, các cơ quan đều sẽ khảo sát và tính toán cụ thể, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của lao động, bởi phương châm của Đảng và Nhà nước ta luôn luôn là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực tế sẽ khó tránh việc người này người kia có thiệt thòi, khó khăn trước mắt, nhưng vì mục tiêu chung thì cũng phải chấp nhận. Những thế hệ đi trước đã hy sinh cả máu xương vì đất nước. Thế hệ của chúng ta cũng cần sự chia sẻ, hy sinh một phần quyền lợi, nếu sự nghiệp chung cần phải như thế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202501/tinh-gon-bo-may-nha-nuoc-ban-de-lam-1033024/