Tinh gọn bộ máy ở Tây Nguyên: 20 năm trước, cán bộ ở Đắk Lắk từng xa gia đình

Hai mươi năm trước, những cán bộ ở Đắk Lắk xa gia đình, xây dựng tỉnh mới Đắk Nông. Hai mươi năm sau, họ lại lên đường rời Đắk Nông với bề dày kinh nghiệm và ý chí.

Di chuyển địa bàn công tác xa hàng trăm km với nhiều xáo trộn về đời sống, đang là lửa thử vàng, gian nan thử cán bộ đối với các công chức, viên chức ở khu vực Tây Nguyên trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang tiến hành rất khẩn trương.

Với Tây Nguyên, những gian nan dường như còn rất sống động, bởi nhiều cán bộ đương nhiệm cũng từng trải những thử thách này. Đó là những cán bộ trẻ lần lượt rời Đắk Lắk tới thị trấn Gia Nghĩa, huyện Đắk Nông 20 năm về trước. Tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của họ đã góp phần xây dựng cụm 6 huyện phía Nam của Đắk Lắk cũ, thành tỉnh Đắk Nông có tốc độ tăng trưởng, tiến độ giảm nghèo nhanh nhất nhì Tây Nguyên; xây dựng thị trấn hoang sơ trở thành đô thị hoa vàng Gia Nghĩa đầy triển vọng. Đó là những trang sử sống động, tạo động lực để tinh thần cán bộ, bản lĩnh người đảng viên tiếp tục được phát huy trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính đang diễn ra khẩn trương.

Ngày 1/1/2004, tỉnh Đắk Nông được tái lập theo Nghị quyết số 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa 11 (Ảnh tư liệu)

Ngày 1/1/2004, tỉnh Đắk Nông được tái lập theo Nghị quyết số 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa 11 (Ảnh tư liệu)

Hơn 20 năm trước, ngày 1/1/2004, tỉnh Đắk Nông chính thức được thành lập khi tách ra từ tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết của Quốc hội. Mục tiêu khi đó là thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, tăng cường hiệu quả quản lý hành chính và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nhưng trên vùng đất "ruồi vàng bọ chó không bằng gió Đắk Song", nghèo hạ tầng, điều kiện xã hội còn hạn chế, những viên gạch đầu tiên của bộ máy chính quyền đã được đặt xuống bởi một thế hệ cán bộ trẻ nhiệt huyết. Hành trang của họ là balo trên vai và hừng hực lửa quyết tâm. Không có trụ sở, họ thuê nhà. Không có điện nước, họ xoay sở. Không đủ đội ngũ, họ “vừa làm vừa đào tạo”.

Từ những năm tháng gian khó, hôm nay Đắk Nông đã nhiều thay đổi. Thành phố Gia Nghĩa ngày càng khang trang, hạ tầng đồng bộ hơn, các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch đều có bước tiến mạnh mẽ.

Điều này được ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tủy ủy Đắk Nông khẳng định: “Sau 20 năm tái lập tỉnh, Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của 1 tỉnh nghèo chưa phát triển với những dấu ấn nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao, quy mô tổng sản phẩm gấp 12 lần, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gấp 20 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp 13 lần so với năm 2004”.

Một góc thành phố Gia Nghĩa ngày nay

Một góc thành phố Gia Nghĩa ngày nay

Đó không chỉ là những con số! Đó là thành quả của một thế hệ cán bộ đã “gánh trên vai” cả một giai đoạn kiến tạo, từ không đến có. Bây giờ, chủ trương sáp nhập Đắk Nông vào Lâm Đồng được triển khai, đội ngũ cán bộ Đắk Nông lại bước vào một hành trình mới, vừa nhiều kỳ vọng vừa không ít lo âu, bởi đây không chỉ là bước chuyển của bộ máy còn là cuộc chuyển dời cả cuộc đời.

Chị Lê Thị Huệ, cán bộ Phòng Tổ chức Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và chị Nguyễn Thị Quy, Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông tâm sự: “Chúng tôi cứ nói vui là bây giờ 1 cảnh 5 quê. Chúng tôi cũng tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, hy vọng cũng có những điều mới mẻ, tốt ở cơ sở mới, đơn vị mới. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cống hiến thôi”.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA) là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm. Góp phần tạo đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông

Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA) là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm. Góp phần tạo đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông

Nếu 20 năm trước, những cán bộ của tỉnh Đắk Lắk rời thành phố Buôn Ma Thuột tới Gia Nghĩa với khí thế xông pha của tuổi trẻ, thì lần này, họ từ Gia Nghĩa chuyển sang Đà Lạt với bản lĩnh của người từng trải.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông khẳng định, dù lo lắng nhưng cán bộ Đắk Nông vẫn nguyên ý chí vượt khó và tinh thần cống hiến: “Hơn 20 năm đóng góp và xây dựng tỉnh Đắk Nông, chúng tôi hăng hái lên đường và đã được khẳng định mình. Và lần này tiếp tục sáp nhập tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy với tinh thần khí thế của cán bộ đảng viên. Và đồng thời động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần và sẵn sàng lên đường”.

Cán bộ và người dân quyết tâm xây dựng Đắk Nông phát triển

Cán bộ và người dân quyết tâm xây dựng Đắk Nông phát triển

Việc sáp nhập Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận không đơn thuần là sắp xếp lại địa giới hành chính. Với tầm nhìn dài hạn, đây là cơ hội để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tây Nguyên, nơi 3 vùng văn hóa Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận có thể hội tụ, giao thoa và lan tỏa.

Ông Lê Thành Hiệp, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Đắk Nông tin tưởng: “Khi 3 tỉnh được sáp nhập lại thành một tỉnh Lâm Đồng, cái được là phát triển vùng kinh tế mới, trong đó đặc biệt về văn hóa, dân tộc dân gian của 3 vùng miền sẽ có những bước để mình tiếp tục giao lưu học hỏi để hiểu biết thêm nhiều bản sắc văn hóa của 3 vùng để phát triển về văn hóa, du lịch để phát triển chung cho tỉnh Lâm Đồng mới”.

Hai mươi năm trước, những cán bộ ở Đắk Lắk xa gia đình, xây dựng tỉnh mới Đắk Nông. Hai mươi năm sau, họ lại lên đường rời Đắk Nông với bề dày kinh nghiệm và ý chí. Những cán bộ Đắk Nông hôm nay tiếp tục là những ngọn cờ tiên phong, giữ trọn niềm tin vào giá trị của những cuộc cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang thực hiện; tin vào tương lai mà chỉ có tinh thần dấn thân vượt khó mới có thể tạo nên.

Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tinh-gon-bo-may-o-tay-nguyen-20-nam-truoc-can-bo-o-dak-lak-tung-xa-gia-dinh-post1201130.vov