Tinh gọn bộ máy tại TPHCM cần tính toán đến đặc thù siêu đô thị
Ngày 27-12, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện nhân dân về việc thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị TPHCM.
Phát biểu đề dẫn, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh sự chủ động, sáng tạo, đề xuất và thực hiện nhiều mô hình mới trong tổ chức hệ thống chính trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thời gian qua. Hội thảo nhằm tập hợp các luận cứ khoa học; những hiến kế, góp ý của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo; các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thành phố việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị TPHCM theo định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
Sắp xếp phải phù hợp với mô hình chính quyền đô thị
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, phân tích nhiều khía cạnh xoay quanh câu chuyện tinh gọn bộ máy cũng như đề xuất các giải pháp.
PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nên được thực hiện quyết liệt.
Theo ông, có 3 nghị quyết đang tác động đến TPHCM trong giai đoạn này gồm: Nghị quyết 18 (khóa XII), Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết 131 của Quốc hội. Vì vậy, việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 phải gắn với 2 nghị quyết còn lại thì mới hoàn chỉnh.
Về nguyên tắc sắp xếp, PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng nên tuân thủ đúng theo Nghị quyết 18 nhưng cũng quan tâm đến đặc thù của TPHCM là một siêu đô thị hơn 10 triệu dân và việc sắp xếp phải phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, để quá trình thực hiện mượt mà, không bị gián đoạn.
Để quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thuận lợi, PGS-TS Phan Thanh Bình hiến kế, TPHCM phải xác định lại mô hình về chính quyền đô thị cho thành phố một cách hiệu quả, hợp lý, tinh gọn theo hướng “chạy dọc từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã; chạy ngang giữa các sở, ngành”.
Về con người, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ bị giảm biên chế qua đơn vị tư nhân. Bên cạnh đó, cần giúp những người ở lại ổn định tâm lý, an tâm làm việc. Ông nhấn mạnh, để không xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực trong tinh gọn bộ máy, phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát.
“Đây là chuyện lớn, vừa chạy vừa xếp hàng, thậm chí vừa chạy vừa thắt dây giày nhưng vẫn phải làm. Nếu làm được, TPHCM sẽ có bước chuyển rất quan trọng để thành phố phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, PGS-TS Phan Thanh Bình nói.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Đại học Luật TPHCM cũng nhận xét, việc tinh gọn bộ máy là điều tất yếu, là cơ hội để phát triển xã hội hóa. Đồng thời, không còn việc dành quá nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để quản lý bộ máy mà giảm sút sự đầu tư vào các quyết sách khác.
Theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí, tại TPHCM, khi xây dựng chính quyền đô thị thì việc tinh gọn bộ máy là việc không thể không làm. Bà cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện tinh gọn bộ máy chỉ trong vài tháng nhưng để có kết quả này là sự ấp ủ nhiều năm, thậm chí hàng chục năm với nhiều sự chuẩn bị nền tảng, đợi đến thời cơ là “vươn mình”.
Do đó, TS Nguyễn Thị Thiện Trí cho rằng, việc này cần có lộ trình và đeo bám đến cùng, chứ không dành phần lớn thời gian cho công cuộc tinh gọn bộ máy trong lúc này mà làm đình trệ các chính sách vận hành, quản lý nhà nước khác.
Giữ cho được người giỏi
Đồng thuận với ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tin tưởng TPHCM sẽ thực hiện được việc sắp xếp và tạo được bước chuyển mới gắn với thực hiện thành công chính quyền đô thị.
Đề cập đến tổ chức bộ máy, đồng chí cho rằng cần tiến hành trên cơ sở rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, phân cấp phân quyền, trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.
“Cái gì thuộc thẩm quyền chung, cái gì thuộc về thẩm quyền riêng, trách nhiệm cá nhân phải rõ. Thời gian qua nhiều vấn đề không rõ, cái gì cũng phải xin ý kiến tập thể, xin nhiều lần, kéo dài, rất khó khăn cho bên dưới”, đồng chí Phạm Phương Thảo nói và đề xuất, lần này phải rõ ràng hơn, tinh thần là “không ôm lên bên trên”, cấp nào làm tốt nhất thì giao cho cấp đó. Đồng chí cũng cho rằng, Trung ương phải làm gương bởi trung ương sẽ giảm mạnh các đầu mối, không "ôm các dự án lớn, chương trình lớn" mà chỉ nên xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Trên cơ sở phân cấp, phân quyền để sắp xếp bộ máy, theo đồng chí Phạm Phương Thảo, cần giảm mạnh về thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo.
"Trong giảm biên chế phải thực hiện trên tinh thần không cào bằng, giữ cho được người giỏi có phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu; tạo môi trường cho người giỏi nghĩ được, làm được. Nên có chính sách mạnh cho người rời đi và chính sách cho người ở lại", nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu.
“Công tác cán bộ là thách thức lớn khi tinh gọn bộ máy”, TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân tích. Theo ông, những người có năng lực tốt sẽ có cá tính, bản lĩnh, ở môi trường nào cũng làm việc được.
“Nếu chúng ta sắp xếp không khéo thì những người có khả năng sẽ ra đi trước tiên. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ mất đi những người có năng lực thực sự”, TS-BS Nguyễn Trọng Hào nói và cho rằng cần đưa ra tiêu chí chọn lựa cán bộ khi tinh gọn bộ máy.
Cũng đề cập nhiều đến vấn đề con người khi sắp xếp bộ máy, PGS-TS Đinh Phương Duy, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, khi hợp nhất lại, nếu không làm kiên quyết sẽ có hiện tượng một số sở có một giám đốc và rất nhiều phó giám đốc. Sự việc này đã từng xảy ra, không chỉ ở TPHCM.
“Người dân trông chờ vào cuộc cách mạng này, nếu mình làm không kiên quyết, không rốt ráo thì đội ngũ công chức, viên chức và người dân nhìn vào sẽ không tin mình”, ông nói và đề xuất bảo đảm số lượng lãnh đạo của một sở theo quy định. Ai không làm cấp phó thì bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian bổ nhiệm, sau đó tính tiếp.
Nhắc lại cuộc khảo sát của TPHCM trước khi phê duyệt đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 – 2030, cho thấy hơn 43% công chức của thành phố cho rằng sẽ đổi việc nếu có cơ hội, theo TS Đinh Phương Duy, đây cũng là cơ sở để thành phố có chủ trương giúp những công chức có nguyện vọng phù hợp để họ rời đi.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến các giải pháp tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.