Tinh gọn lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra đạo đức công vụ

Bộ Công thương sẽ chấm dứt mô hình Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc như hiện tại để chuyển giao trách nhiệm quản lý về địa phương. Đây được xem là bước đi quan trọng trong lộ trình sắp xếp, tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.

Ngày 17-12 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Số vụ việc được xử lý tăng nhưng hiệu quả vẫn hạn chế

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2024 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong công tác quản lý thị trường với số vụ thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm tăng đáng kể so với năm trước. Số tiền xử phạt và các vụ chuyển cơ quan điều tra cũng có sự gia tăng rõ rệt.

 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị ngày 17-12

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị ngày 17-12

Bộ trưởng cũng đánh giá cao kết quả xử lý các vi phạm trong những lĩnh vực có diễn biến phức tạp thời gian qua. Đơn cử, trong lĩnh vực thương mại điện tử, số vụ vi phạm bị xử lý tăng 2,4 lần và số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng vàng, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý hơn 550 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hành chính lên đến 15 tỷ đồng, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong quản lý thị trường vàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm và gian lận thương mại, đặc biệt trong thương mại điện tử, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai nhiều nơi với thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức. Dù số vụ phát hiện và xử lý tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm trên thị trường.

Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt vào các dịp cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các kỳ lễ lớn.

Công tác này phải được thực hiện nghiêm túc, kịp thời nhằm phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo: các ngành hàng trọng tâm cần chú ý bao gồm xăng dầu, phân bón, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới), thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang và hàng điện tử.

Kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về sắp xếp tinh gọn bộ máy, lực lượng quản lý thị trường phải đảm bảo không có khoảng trống, không gián đoạn trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường. Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường tại các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương cho đến khi có quy định mới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây không chỉ là dịp tổng kết năm mà còn mang tính lịch sử khi triển khai Nghị quyết 18, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy của các bộ, ngành, trong đó có lực lượng quản lý thị trường.

Hội nghị cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả của mô hình Tổng cục Quản lý thị trường hoạt động theo ngành dọc đã vận hành hơn 6 năm qua, kể từ tháng 10-2018.

 Bộ Công thương sẽ kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, các chi cục trở về các sở công thương quản lý

Bộ Công thương sẽ kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, các chi cục trở về các sở công thương quản lý

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tổng kết là để mở ra một giai đoạn mới, trong đó lực lượng quản lý thị trường ở bất kỳ mô hình nào cũng phải phát huy hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian tới, Bộ trưởng cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công thương đã quyết định kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, chuyển các cục quản lý thị trường địa phương về trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình chi cục quản lý thị trường thuộc các sở.

Người đứng đầu ngành công thương thừa nhận đây là nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, nhưng không thể chậm trễ. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trong toàn lực lượng cần quán triệt tinh thần trách nhiệm, triển khai nhiệm vụ với sự quyết liệt, gương mẫu và tạo được sự đồng thuận cao.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần đảm bảo khách quan, khoa học, hiệu quả, tránh tình trạng sắp xếp mang tính cơ học, đồng thời hạn chế tối đa sự chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ.

Đặc biệt, tư lệnh ngành công thương yêu cầu không được để phát sinh tư tưởng bè phái, mất đoàn kết nội bộ, lơ là công việc trong giai đoạn chuyển giao, nhất là khi Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, thị trường hàng hóa sẽ có nhiều diễn biến phức tạp nếu công tác kiểm tra bị buông lỏng.

Bộ Công thương cũng yêu cầu chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn lực lượng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công chức. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.

PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-gon-luc-luong-quan-ly-thi-truong-tang-cuong-kiem-tra-dao-duc-cong-vu-post773500.html