Tỉnh Hải Dương sớm hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hải Dương đã sớm hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.
Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hải Dương lần thứ XVII đặt ra mục tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%. Ngày 28/4/2025, UBND tỉnh ra quyết định công nhận thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 32 xã (đạt 21,2%) đạt mục tiêu Đại hội.
Nhận thức rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vì vậy Hải Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh có cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho các xã xây dựng NTM, theo đó, mỗi xã đạt chuẩn NTM nâng cao được hỗ trợ 2 tỷ đồng, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu được hỗ trợ 3 tỷ đồng; bên cạnh đó, tỉnh còn có các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ hạng 3 thuộc địa bàn nông thôn, hỗ trợ trường lớp học… Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn đã khởi sắc, các dịch vụ, phúc lợi xã hội hiện đại của người dân nông thôn được nâng lên; mở ra nhiều cơ hội khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế nông thôn.

Tỉnh Hải Dương hoàn thành tốt chương trình nông thôn mới.
Có được kết quả trên, các địa phương đã phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Thông qua việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đã phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo tính thực chất và bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Các địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh Vĩnh Quân
Cùng với đó, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương về điều kiện tự nhiên, nhân lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong việc lồng ghép hiệu quả giữa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, môi trường theo quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh. Có nhiều huyện đi đầu trong phong trào xây dựng NTM như huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và Gia Lộc với nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt huyện Cẩm Giàng đã có 100% các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 10/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 77%).
Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh Hải Dương xác định xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân. Các tiêu chí NTM phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất và bảo đảm tính bền vững, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.