Tình hình Biển Đỏ căng như dây đàn': 'Đột kích' vào Yemen, Mỹ cùng đồng minh giải thích; Houthi đe dọa gắt

Tình hình Biển Đỏ đang căng thẳng hơn bao giờ hết sau đợt tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen nhằm đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng này vào các tàu thuyền.

Mỹ đang dẫn đầu liên minh thực hiện việc đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của Houthi. (Nguồn: APA)

Mỹ đang dẫn đầu liên minh thực hiện việc đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của Houthi. (Nguồn: APA)

Ngày 11/1 (giờ địa phương), truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin về các cuộc tấn công của Mỹ, Anh cùng các đồng minh thực hiện nhằm vào hơn 10 mục tiêu của Houthi ở Yemen từ trên không, trên biển và các bệ phóng phụ.

Sau các cuộc tấn công xuyên đêm này, ngày 12/1, Mỹ, Anh, Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc ra tuyên bố chung cho hay: "Các cuộc tấn công chính xác nhằm mục đích phá vỡ và làm suy giảm khả năng mà Houthi sử dụng để đe dọa thương mại toàn cầu và tính mạng thủy thủ".

Bên cạnh đó, khẳng định mục đích "vẫn là giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ", các nước nhấn mạnh, cuộc tấn công vừa diễn ra thể hiện "cam kết chung về tự do hàng hải, thương mại quốc tế và bảo vệ sinh mạng của thủy thủ khỏi các cuộc tấn công bất hợp pháp và vô lý”.

Trong khi đó, AFP dẫn lời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng giải thích rằng: "Những cuộc tấn công này mang tính chất phòng thủ và nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Các cuộc tấn công của Houthi phải chấm dứt”.

Cùng ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Đức cũng đăng lên Twitter nêu rõ, cuộc tấn công nhằm ngăn chặn các hành động tiếp theo của Houthi và "mục tiêu của chúng tôi vẫn là giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ”.

Trong khi đó, phản ứng với trận đột kích của Mỹ và đồng minh, Thủ lĩnh lực lượng Houthi ở Yemen Abdel-Malek al-Houthi đe dọa sẽ đáp trả bằng những hoạt động thậm chí còn “lớn hơn” những gì phong trào này đã thực hiện trước đó.

Trong tình hình đó, ngày 12/1, Reuters dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết, nước này đang quan ngại theo dõi các diễn biến ở Biển Đỏ và tác động đối với an ninh khu vực.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng đã thảo luận với Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi về căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ và sự cần thiết phải bảo vệ tự do hàng hải.

Sau khi Israel xung đột Israel-Hamas nổ ra ngày 7/10/2023, lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ mà họ cho rằng có quan hệ với Israel.

Theo số liệu của giới chức Mỹ, Houthi đã thực hiện 25 cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ ngày 18/11/2023.

Các cuộc tấn công đã gây áp lực lên các quốc gia, doanh nghiệp hoạt động thương mại trên Biển Đỏ. Nhiều hãng vận tải lớn, bao gồm Maersk và Hapag-Lloyd, đã quyết định để các tàu của hãng tạm dừng di chuyển qua Biển Đỏ và thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-bien-do-cang-nhu-day-dan-dot-kich-vao-yemen-my-cung-dong-minh-giai-thich-houthi-de-doa-gat-257194.html