Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 19/5: Toàn khối trên 2.250 ca tử vong, Indonesia trở thành ổ dịch 'nóng' nhất

Hết ngày 19/5 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 71.064 ca mắc bệnh và trên 2.250 người tử vong.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.203 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.

Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, trong khi Campuchia và Timor Leste không còn bệnh nhân nào.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.257 người dân ở khu vực này, tăng 37 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 26.308 trường hợp.

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia đã “vượt qua” Singapore để thành quốc gia ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 486 ca. Indonesia cũng đã trở thành “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực với tổng cộng 1.221 ca tử vong tới thời điểm này, tăng 30 trường hợp so với ngày 18/5.

Malaysia sau nhiều ngày yên ả, lại ghi nhận thêm 1 ca tử vong nữa trong ngày 19/5. Tuy nhiên, về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines; một số nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có Thái Lan.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 13/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 13/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 19/5

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Nam Tangerang, Indonesia ngày 14/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Nam Tangerang, Indonesia ngày 14/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia trong ngày 19/5 dẫn đầu khu vực cả về số ca mắc và tử vong. Tính đến hết ngày 19/5, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 18.496 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chính quyền thủ đô Jakarta (Indonesia) quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 4/6 tới để phòng dịch COVID-19. Jakarta tới nay xác nhận 6.155 ca nhiễm và 470 ca tử vong.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan nêu lý do đưa ra quyết định trên là bởi trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, nhiều người rời khỏi nhà vào lúc hoàng hôn và buổi tối. Ông Baswedan nhấn mạnh: “Càng nhiều người ở nhà, nguy cơ lây nhiễm càng thấp”, đồng thời cho rằng đây có thể là giai đoạn cuối cùng của biện pháp giãn cách xã hội nếu người dân tuân thủ chặt chẽ. Theo đó, thành phố Jakarta duy trì hạn chế tụ tập đông người và hoạt động giao thông công cộng. Các trường học cùng với đa số cửa hàng và trung tâm thương mại tiếp tục đóng cửa.

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 22/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 22/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 19/5, Indonesia đã thực hiện 12.276 xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đây là lần đầu tiên quốc gia này vượt chỉ tiêu 10.000 xét nghiệm/ngày do Tổng thống Joko Widodo đặt ra từ ngày 13/4.

Phát biểu họp báo trực tuyến, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Indonesia, ông Achmad Yurianto cho biết, tính đến nay, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã thực hiện tổng cộng 202.936 xét nghiệm bằng phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

Tập đoàn bất động sản hàng đầu nước này Indonesia Intiland Development thông báo đã hoãn hoặc từ bỏ các dự án phát triển tòa nhà văn phòng trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 27/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày ngày 19/5, Singapore ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai khối ASEAN với 451 trường hợp. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử tiếp tục khống chế tốt số ca tử vong và tới thời điểm này, Singapore mới chỉ có tổng cộng 22 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

Hầu hết số ca mắc COVID-19 tại Singapore là người lao động nhập cư sống tại các khu nhà tập thể chật chội.

Bộ Y tế Singapore thông báo nước này đã gửi lời xin lỗi tới hơn 350 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vì bất ngờ gửi cho họ tin nhắn văn bản cho biết họ đã bị tái nhiễm. Chiều 18/5, bộ trên cho hay một sự cố kỹ thuật đã dẫn tới việc tin nhắn được gửi đi vào cuối tuần qua, đồng thời khẳng định không có thông tin mật nào được tiết lộ. Một tin nhắn sau đó được gửi cho 357 người bị ảnh hưởng nói rõ đây là một sự nhầm lẫn và "xin lỗi về bất kỳ sự bất tiện và lo lắng nào đã phát sinh".

Các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa ở Thái Lan được phép hoạt động trở lại từ ngày 17/5 trong giai đoạn 2 nới lỏng phong tỏa. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan

Các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa ở Thái Lan được phép hoạt động trở lại từ ngày 17/5 trong giai đoạn 2 nới lỏng phong tỏa. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan

Thái Lan trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, qua đó nâng tổng số ca bệnh lên 3.033.

Ngày 19/5, Cơ quan Dược phẩm của Chính phủ Thái Lan (GPO) cho biết sẽ trữ khoảng 400.000 liều thuốc kháng virus Favipiravir để đề phòng dịch COVID-19 tái bùng phát. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển của GPO, bà Nuntakan Suwanpidokkul cho biết GPO trước đó đã nhập khẩu 187.000 viên thuốc Favipiravir và phân phát 100.000 viên cho các bệnh viện trên khắp cả nước.

Tổ chức này sẽ dự trữ 87.000 viên Favipiravir. Bên cạnh đó, Thái Lan dự kiến nhập một đợt khác gồm 303.860 viên Favipiravir, đủ để điều trị cho các ca mắc mới nếu làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai bùng phát.

Bà Nuntakan cho biết thêm mỗi bệnh nhân COVID-19 cần tới 70 viên Favipiravir cho một đợt điều trị. Trong khi đó, việc mua thuốc Favipiravir trở nên khó khăn do thuốc này được sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 khắp nơi trên thế giới. Hiện chính quyền Thái Lan đang nỗ lực tự sản xuất các thuốc kháng virus để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số công ty dược phẩm Thái Lan đang nghiên cứu, song họ sẽ mất thêm 1 năm nữa hoặc lâu hơn để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và đăng ký lưu hành thuốc. Do đó, bà Nuntaka cho rằng Thái Lan chỉ có thể lưu hành thuốc Favipiravir do chính nước này sản xuất sớm nhất là vào năm 2022.

Tính đến ngày 18/5, GDP của Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á, đã giảm 1,8% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần giảm GDP đầu tiên của Thái Lan kể từ năm 2014, chủ yếu là do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) dự báo GDP của Thái Lan trong cả năm 2020 sẽ giảm 5-6%, gần bằng mức giảm 7,6% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Manila, Philippines ngày 24/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Manila, Philippines ngày 24/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 224 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong tại nước này lên lần lượt 12.942 và 837 trường hợp. Philippines hiện là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ ba ở Đông Nam Á.

Cùng ngày, Malaysia cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong và thêm 37 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh và tử vong vì đại dịch ở nước này lên lần lượt 6.978 và 114 trường hợp.

Trung tâm thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Getty

Trung tâm thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Lào khẳng định 5 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ. Đất nước triệu voi ghi nhận tổng cộng chỉ có 19 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ đầu đại dịch và đã có 14 người xuất viện.

Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 5 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-covid19-tai-asean-het-ngay-195-toan-khoi-tren-2250-ca-tu-vong-indonesia-tro-thanh-o-dich-nong-nhat-20200519214646835.htm