Tình hình dịch bệnh tại ASEAN: Thái Lan xác nhận thêm 122 ca mắc COVID
Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt người dân trước cửa một tòa nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 16/3/2020. Nguồn: AFP/TTXVN
* Nhiều nước Ả-rập ban bố tình trạng khẩn cấp đối phó Covid-19
Ngày 23/3, Bộ Y tế Thái Lan công bố thêm 122 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp có số ca bệnh mới với ba con số sau khi cơ quan này xác nhận 188 ca nhiễm vào ngày 22/3 vừa qua.
Tính đến hết sáng 23/3, số ca nhiễm bệnh được xác nhận tăng lên 721 người, trong đó 668 ca đang được điều trị tại bệnh viện, 52 ca đã được chữa khỏi và 1 ca tử vong.
Theo Bộ trên, khoảng 30.000 người trên khắp Thái Lan đã đi xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 10.000 người được đưa vào diện cần quan tâm.
Người phát ngôn Bộ Y tế Taweesin Visanayothin khuyến cáo công dân không nên đi xét nghiệm nếu không nằm trong diện nguy cơ cao bởi vì điều đó sẽ làm lãng phí tài nguyên và thời gian của hệ thống y tế.
Trong khi đó, Reuters đưa tin Campuchia ngày 23/3 đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh tại nước này lên thành 86 người.
Trên tài khoản Facebook, Cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm Campuchia cho hay: "Chúng tôi vẫn chưa thấy bằng chứng về sự bùng phát cộng động, song điều này có khả năng".
Cũng trong ngày 23/3, Bộ Y tế Philippines đã xác nhận 8 trường hợp tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời ghi nhận thêm 16 ca nhiễm loại virus này.
Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho hay tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 ở nước này hiện lên đến 33 người trong khi tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 hiện là 396.
Cùng ngày, Quốc hội Philippines đã tổ chức phiên họp đặc biệt trực tuyến để thảo luận về nỗ lực của lãnh đạo nước này nhằm tránh tình trạng hỗn loạn do sự lây lan nhanh chóng của COVID-19.
* Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước Ả-rập đã ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm để phòng dịch.
Chính phủ Marốc vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tình trạng này sẽ kéo dài đến ngày 20/4.
Tuyên bố nêu rõ bất kỳ ai vi phạm quyết định này sẽ bị phạt tù trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng và phạt tiền khoảng 140 USD hoặc một trong hai hình phạt này. Các biện pháp này để mọi người tuân thủ ở nhà và không rời nhà trừ trường hợp rất cần thiết.
Vua Marốc Mohammed VI cũng ra lệnh sử dụng các phương tiện và nhân lực có sẵn của lực lượng quân y để chống dịch. Đến nay, Marốc có 115 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 4 ca đã tử vong.
Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud vừa ban hành quyết định giới nghiêm trên toàn quốc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch. Theo đó lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 19h tối đến 6h sáng trong khoảng thời gian 21 ngày kể từ tối ngày 23/3.
Lệnh giới nghiêm cũng kêu gọi công dân ở nhà trong thời gian tới, đặc biệt là thời gian giới nghiêm và không rời khỏi nhà trừ những trường hợp cực kỳ cần thiết. Lệnh giới nghiêm miễn trừ với nhân viên các lĩnh vực quan trọng của khu vực công và tư nhân.
Bộ Y tế Syria vừa công bố một ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước này là một người nước ngoài mới nhập cảnh. Các biện pháp cần thiết đã được thực hiện để đối phó với dịch. Syria là quốc gia duy nhất ở Trung Đông không có bất kỳ trường hợp nào mắc Covid-19 cho đến tối 22/3 vừa qua. Đáng chú ý, trước đó Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng Syria có thể bị đe dọa nghiêm trọng trước sự lây lan của dịch Covid-19 do hạ tầng y tế yếu kém của nước này.
Bộ Y tế Ai Cập đã công bố 4 trường hợp tử vong mới và 33 trường hợp mắc Covid-19 mới đưa tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 327 trường hợp. Các trường hợp mới đều là người Ai Cập tiếp xúc với các trường hợp dương tính đã được phát hiện và công bố trước. 4 trường hợp tử vong đều là người cao tuổi.
Đáng chú ý có 56 trường hợp đã hồi phục và xuất viện. Ai Cập đã phân bổ 100 tỉ bảng để tài trợ cho một kế hoạch toàn diện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bên cạnh các gói kinh tế khác để hỗ trợ các ngành và các nhóm xã hội khác nhau.