Tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại một số nước Nam Mỹ

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montevideo, Uruguay ngày 18/12/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 14/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 137.981.609 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.969.892 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 711.504 và 12.046 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 110.887.550 người, 24.109.472 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.203 ca nguy kịch. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (185.248 ca), Brazil (78.585 ca) và Mỹ (71.589); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.394 ca), tiếp theo là Ấn Độ (1,026 ca) và Mỹ (770 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.063.542 triệu người, trong đó có 577.134 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 13.871.321 ca nhiễm, bao gồm 172.115 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 13.599.994 ca bệnh và 358.425 ca tử vong.

Số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 gia tăng mạnh tại một số nước Nam Mỹ.

Bộ Y tế Argentina ngày 13/4 công bố thêm 27.001 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, là số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay, theo đó nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 2.579.000 ca. Bộ trên cũng cho biết có thêm 217 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại Argentina lên 58.174 ca.

Tại Uruguay, số liệu do chính phủ công bố cuối ngày 12/4 cho thấy nước này ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất từ trước đến nay với 71 ca, nâng tổng số lên 1.533 ca. Trong tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Uruguay, khoảng 1.300 ca ghi nhận tử tháng 1 vừa qua đến nay, tức là gần 90%, và khoảng 1/3 số này được ghi nhận riêng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận hơn 50 ca tử vong do COVID-19.

Cũng trong 24 giờ qua, Uruguay có thêm 2.564 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia 3,4 triệu dân này lên 147.173 ca. Theo hãng tin AFP (Pháp), Uruguay ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm trong 14 ngày qua cao nhất từ trước đến nay với gần 1.370 ca trên 100.000 dân, trong khi không có nước nào khác có tỉ lệ lây nhiễm hơn 1.000 ca trên 100.000 dân trong cùng thời gian này.

Tại Brazil, báo cáo được Hiệp hội Y học chuyên sâu công bố cuối tuần qua cho thấy số người trẻ tuổi mắc COVID-19 phải điều trị tại các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) gia tăng đáng kể. Theo báo cáo dựa trên dữ liệu của hơn 30% số ICU trên cả nước, bệnh nhân COVID-19 dưới 40 tuổi chiếm 52% số giường tại các ICU, mức cao nhất kể từ đầu dịch và tăng so với mức 16,5% trong thời gian từ tháng 12/2020 – 2/2021.

Hiện chưa rõ lý do số người trẻ tuổi mắc COVID-19 thể nặng gia tăng tại Brazil. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nhận định các nguyên nhân có thể là biến thể mới của virus xuất hiện lần đầu tại TP Manaus của bang Amazon, người cao tuổi được tiêm vắcxin và sự chủ quan, lơ là phòng dịch của giới trẻ. Đến nay, Brazil ghi nhận tổng cộng 13.601.566 ca mắc, trong đó hơn 350.000 ca tử vong - cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp công bố số liệu cho biết nước này ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại các ICU tăng thêm 36 ca lên 5.952 ca - cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy áp lực đang gia tăng đối với các bệnh viện. Bộ trên cũng thông báo thêm 324 ca tử vong và 39.113 ca mắc. Theo đó, Pháp đã có hơn 5,1 triệu ca mắc với 99.480 ca tử vong.

Trong ngày 13/4, Chính phủ Anh cũng thông báo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 1/4 đến nay với 3.568 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh cũng tăng lên 127.100 ca sau khi có thêm 13 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, ngày 12/4, Anh - một trong những nước có số ca tử vong cao nhất trên thế giới - đã lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nhiều tháng qua, cho phép các quán rượu và nhà hàng nối lại dịch vụ ăn uống ngoài trời. Các tiệm làm tóc, phòng tập gym và bể bơi trong nhà cũng được mở cửa trở lại.

Anh hiện được đánh giá là một trong những nước triển khai thành công chương trình tiêm chủng. Cùng với đó, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa đã giúp giảm 95% số ca tử vong và 90% số ca nhiễm mới kể từ tháng 1. Đến nay, tại Anh có 32,191 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 189.665 người đã được tiêm đủ 2 liều.

Trong khi đó, giới chức y tế Ireland cho biết nước này sẽ giới hạn độ tuổi được tiêm vắcxin AstraZeneca của hãng dược liên doanh Anh-Thụy Điển là từ 60 tuổi trở lên. Trước đó, một số nước châu Âu cũng đã áp dụng quy định tương tự sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố kết quả đánh giá mới nhất cho thấy có mối liên hệ giữa vắcxin của AstraZeneca và hiện tượng đông máu hiếm gặp được ghi nhận ở một số người sau khi tiêm. Cụ thể, Ủy ban Cố vấn tiêm chủng quốc gia Ireland (NIAC) cho rằng không nên tiêm vắcxin của AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi cho tới khi có thêm những dữ liệu đánh giá mới.

Tại châu Á, Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mông Cổ cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 885 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên 16.603 ca. Các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng và phần lớn ở thủ đô Ulan Bator. Mông Cổ cũng có thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 32 ca.

Tại Campuchia, báo Khmer Times của Campuchia ngày 13/4 dẫn thông báo của chính quyền thủ đô Phnom Penh cho hay lệnh giới nghiêm tại thành phố này sẽ kéo dài thêm 2 tuần do số ca mắc mới COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm.

Trong thời gian giới nghiêm, hoat động đi lại trong thành phố bị cấm, trừ các trường hợp có lý do gia đình, khám chữa bệnh khẩn cấp, cấp cứu, cứu hỏa, công nhân nhà máy làm ca, lực lượng vũ trang thực thi nhiệm vụ. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt theo Luật ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm gây chết người khác.

Ngày 13/4, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 181 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 178 ca lây nhiễm cộng đồng. Cũng giống như 2 tuần trở lại đây, số ca nhiễm mới được phát hiện nhiều nhất ở Phnom Penh với 140 ca. Như vậy hết ngày 13/4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 4.696 ca mắc COVID-19, trong đó 2.252 người hồi phục và 33 người tử vong.

Nhằm trấn an người dân trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, trong thông điệp gửi đến người dân nhân dịp chào đón Tết cổ truyền Khmer, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định cam kết của chính phủ đưa đất nước vượt qua thách thức dịch bệnh COVID-19, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Cùng ngày tại Thái Lan, Trung tâm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 (CCSA) thông báo nước này ghi nhận 965 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó 97 ca tử vong.

Theo cơ quan trên, đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca. Trong số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua, 956 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện vẫn còn 6.190 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Thái Lan.

Theo trang Straits Times, ngày 13/4, thêm 3 tỉnh của Thái Lan áp dụng lệnh hạn chế vào tỉnh, nâng tổng số các tỉnh áp dụng biện pháp này lên 41. Cùng ngày, Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (K-Research) dự báo làn sóng mới nhất của đại dịch COVID-19 ở Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của người dân trong Tết cổ truyền Songkran và khiến ngành du lịch thiệt hại khoảng 10 tỉ baht (tương đương 316 triệu USD) trong quý II/2021.

Tại Úc, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt cho biết quốc gia này sẽ không sớm mở cửa với thế giới bên ngoài, ngay cả trong trường hợp hoạt động tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh COVID-19 đã được phổ cập toàn quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/4, Bộ trưởng Hunt nêu rõ việc đóng cửa biên giới quốc gia có thể kéo dài hơn so với dự kiến vào tháng 10/2021, theo thời điểm hoàn tất lộ trình tiêm phòng vắcxin cho toàn dân và chưa thể xác định thời điểm cụ thể.

Biên giới quốc gia của Úc đã bị đóng cửa kể từ tháng 3/2020 và sẽ kéo dài ít nhất là đến giữa tháng 6/2021. Hiện khoảng 36.000 người dân Úc đang bị mắc kẹt ở nước ngoài, do các giới hạn về số lượng người hồi hương và không gian cách ly bắt buộc bố trí trong nước.

Mặc dù Chính phủ Úc đã họp bàn rất nhiều lần về lộ trình mở cửa biên giới quốc gia, cũng như tìm kiếm khả năng thiết lập các “hành lang đi lại” cùng một số quốc gia an toàn với dịch bệnh COVID-19, nhưng đến nay nước này mới chỉ cho phép duy nhất công dân New Zealand được nhập cảnh tự do, miễn trừ cách ly từ tháng 10 năm ngoái.

Bộ trưởng Y tế Úc nhấn mạnh bất kể vắcxin sớm được phổ cập rộng rãi, việc mở cửa biên giới quốc gia vẫn cần phải xem xét một loạt các yếu tố khác nhau, như sự lây truyền, thời hạn bảo vệ của vắcxin đối với người được tiêm và tác động toàn cầu.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254479/tinh-hinh-dich-covid-19-dien-bien-nghiem-trong-tai-mot-so-nuoc-nam-my.html