Tình hình dịch COVID-19 ngày 1/10: Hơn 211 triệu người bình phục

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới, trong khi Mỹ đứng đầu về số ca tử vong với 716.677 ca, tiếp đến là Brazil (596.800 ca) và Ấn Độ (448.372 ca).

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 1/10, thế giới đã ghi nhận 234.522.550 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.796.240 ca tử vong. Số người bình phục là 211.327.951 người, tuy nhiên hiện vẫn có 88.843 ca phải điều trị tích cực.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là 44.312.153 ca, 33.765.488 ca và 21.427.073 ca.

Xét theo số ca tử vong, thứ tự trên có phần thay đổi, trong đó Mỹ đứng đầu với 716.677 ca, Brazil đứng thứ hai với 596.800 ca và Ấn Độ đứng thứ ba với 448.372 ca.

Tại châu Âu, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Đức đạt tới gần 65%, chính quyền 3 bang Bayern, Saarland và Berlin thông báo thay đổi quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học đối với học sinh. Tuy nhiên, tất cả các trường học tại những bang còn lại ở Đức vẫn áp dụng quy định đeo khẩu trang khi tới trường.

Trong khi đó, theo kênh truyền hình Tagesschau của Đức, hiện có nhiều khu vực đang xem xét điều chỉnh các quy định về đeo khẩu trang trong trường học. Chính quyền bang Nordrhein-Westfalen sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tuần tới về quy định đeo khẩu trang trong trường học sau kỳ nghỉ mùa Thu khi có những đánh giá cụ thể.

Tại bang Baden-Württemberg, việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học cũng đang được xem xét.

Theo số liệu từ Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), tổng cộng đã có 64,3% dân số Đức (53,4 triệu người) được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và 67,9% (56,5 triệu người) đã được tiêm ít nhất một mũi. Trong nhóm người trưởng thành, đã có gần 75% người được tiêm chủng đầy đủ, trong khi khoảng 33,7% thanh niên từ 12 đến 17 tuổi được tiêm chủng.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn cơ chế cho phép xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 cho đến ngày 31/12 tới. Theo kế hoạch, cơ chế này hết hạn vào ngày 30/9 và các quốc gia thành viên đã chấp thuận yêu cầu của EC về việc duy trì cơ chế này.

Cơ chế trên quy định rằng các nhà sản xuất vaccine phải xin phép quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), nơi họ đặt trụ sở trước khi xuất khẩu vaccine.

Kể từ khi thực thi cơ chế cấp phép xuất khẩu vaccine vào ngày 30/1 đến ngày 28/9, hơn 2.600 yêu cầu xuất khẩu vaccine phòng COVID-19 đã được chấp thuận, với tổng số 738 triệu liều. Chỉ có một yêu cầu bị từ chối.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Liege, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Liege, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố sẽ chuyển sang chế độ phong tỏa cấp độ 1 có điều chỉnh trên toàn quốc, bắt đầu từ 0h ngày 1/10, đồng thời cũng cho biết chính phủ sẽ triển khai việc áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine.

Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh việc nới lỏng các hạn chế theo cấp độ 1 được đưa ra dựa trên những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch bệnh trên thực tế và cũng theo khuyến nghị của Ủy ban cố vấn cấp bộ trưởng về COVID-19.

Quyết định chuyển sang chế độ phong tỏa cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất trong 5 cấp độ tại Nam Phi - đồng nghĩa với việc lệnh giới nghiêm sẽ được rút ngắn, việc hạn chế bán đồ uống có cồn được nới lỏng và số lượng người được phép tham gia các cuộc tụ họp trong nhà và ngoài trời tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc và việc từ chối đeo khẩu trang khi được yêu cầu vẫn bị coi là hành động phạm tội.

Ông Ramaphosa cũng cho biết Bộ Y tế sẽ sớm cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho người dân, nhằm cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng an toàn và có thể kiểm chứng được. Ông nhấn mạnh: “Giấy chứng nhận này có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tiếp cận các cơ sở và tụ họp và các hình thức hoạt động khác có yêu cầu bằng chứng về tình trạng tiêm chủng."

Ở châu Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo tính đến sáng 30/9 (giờ địa phương) nước này đã tiêm gần 393 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Theo CDC Mỹ, hơn 214,3 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 184,6 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ tính đến 6h ngày 30/9.

Số liệu trên của CDC Mỹ có tính đến cả vaccine hai mũi của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như vaccine một mũi duy nhất của Johnson & Johnson.

Ngoài ra, khoảng 4,03 triệu người đã được tiêm mũi vaccine bổ sung của Pfizer hoặc Moderna từ ngày 13/8, thời điểm nhà chức trách Mỹ cho phép tiêm mũi thứ 3 cho những người có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương.

Bộ Y tế Mexico thông báo kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng vào cuối tháng 12 năm ngoái, quốc gia này đã cán mốc tiêm 100 triệu liều vaccine ngừa COVD-19 cho người dân.

Theo Bộ Y tế, trên 64 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được chủng ngừa, đạt 71% người ở độ tuổi này, trong đó hơn 45,2 triệu người đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng và gần 19 triệu người khác đã được tiêm 1 liều vaccine. Chính phủ Mexico đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên vào tháng 10 này, để tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Mexico cũng bắt đầu tiến hành tiêm chủng cho hơn 1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật. Mặc dù trong những tuần qua, số ca nhiễm mới ở Mexico đã giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức cao với trung bình trên 500 ca tử vong/ngày. Mexico hiện ghi nhận trên 3,65 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 277.000 trường hợp tử vong./.

Trần Quyên-Việt Hùng-Đức Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-dich-covid19-ngay-110-hon-211-trieu-nguoi-binh-phuc/744138.vnp