Tình hình dịch COVID-19 sáng 30/11: Thế giới có hơn 262,3 triệu ca mắc
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới với 53.774 ca và ghi nhận 312 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 262.323.382 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.223.837 ca tử vong. Số ca đang phải điều trị tích cực là 84.328 ca.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới với 53.774 ca và ghi nhận 312 ca tử vong.
Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Tổng thống Joe Biden đã trấn an người dân khi tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sẵn sàng đối phó với biến thể này của virus SARS-CoV-2, đồng thời cam kết đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại vaccine nếu cần thiết.
Ngày 29/11, Mỹ đã bắt đầu áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron, cũng như giúp cho giới chuyên gia có thêm thời gian để đánh giá về mức độ nghiêm trọng, khả năng truyền nhiễm và tác động của biến thể này đối với các loại vaccine.
Theo quy định hạn chế đi lại mới nhất, các du khách sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nếu từng đến Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia hoặc Zimbabwe trong vòng 14 ngày trước đó.
Cuba cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch tễ người nhập cảnh từ châu Phi. Theo đó, những người nhập cảnh vào Cuba từ các nước Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Malawi và Mozambique sẽ phải tuân thủ nhiều biện pháp phòng dịch, bao gồm việc xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ, trải qua 3 lần xét nghiệm PCR âm tính và 7 ngày cách ly.
Trong khi đó, du khách từ các nước phía Nam sa mạc Sahara khác cũng như người nhập cảnh vào Cuba từ Bỉ, Israel, Hong Kong (Trung Quốc), Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 tương tự nhưng được nới lỏng hơn.
Chính phủ Chile đã ban bố sắc lệnh cấm nhập cảnh kể từ ngày 1/12 đối với những người nước ngoài đến từ hoặc đã từng có mặt tại Nam Phi và 6 nước châu Phi khác trong vòng 14 ngày qua.
Biện pháp vừa được công bố sẽ không ảnh hưởng đến các công dân Chile và những người nước ngoài cư trú tại Chile, nhưng họ sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi nhập cảnh và phải cách ly bắt buộc 7 ngày nếu đã từng tới 7 quốc gia vừa đề cập.
Chính phủ Chile cũng thông báo kể từ ngày 1/12 sẽ mở lại 3 cửa khẩu biên giới trên bộ với Peru, Bolivia và Argentina đã bị đóng trước đó do đại dịch COVID-19.
Nhật Bản đã chính thức hạn chế nhập cảnh để ngăn chặn biến thể Omicron, theo đó, quyết định dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài từ 0 giờ ngày 30/11.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người đã xuất phát từ sân bay nước ngoài trước thời điểm trên để đến Nhật Bản.
Bên cạnh đó, cũng từ 0 giờ ngày 30/11, Nhật Bản sẽ ngừng nhận đơn xem xét áp dụng các biện pháp nới lỏng hạn chế hành vi đối với những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời những người nhập cảnh vào Nhật Bản sau thời điểm 0 giờ ngày 1/12 sẽ không còn thuộc diện nới lỏng hạn chế hành vi.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát những người vừa trở về từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được xác định đã xuất hiện biến thể Omicron. Các chuyến bay đến Nhật Bản từ sau thời điểm 0 giờ ngày 1/12 sẽ được xem xét đối với từng trường hợp đã đặt chỗ nhưng dừng hoàn toàn việc đặt chỗ mới.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Lào thông báo sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 1/2022. Trẻ em thuộc nhóm tuổi này sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi sẽ bắt đầu ở thủ đô Viêng Chăn, nhưng các tỉnh đã sẵn sàng triển khai chương trình này cũng có thể tiến hành tiêm chủng trước.
Tại châu Âu, các cố vấn khoa học của Chính phủ Anh đã khuyến nghị chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 của nước này cần được mở rộng cho tất cả người trưởng thành, đồng thời rút ngắn một nửa thời gian giữa mũi tiêm thứ 2 và mũi tăng cường xuống còn 3 tháng.
Các nhà khoa học thuộc Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) cũng khuyến cáo trẻ em từ 12-15 tuổi cần tiêm mũi vaccine thứ 2.
Trước đó, trẻ em trong nhóm tuổi này được khuyến nghị tiêm 1 mũi duy nhất. JCVI lưu ý việc mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường phải tuân theo thứ tự ưu tiên đã được thực hiện trong giai đoạn 1 và 2 của chương trình tiêm chủng nhằm đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ đầu tiên.
JCVI đưa ra các khuyến nghị trên khi số ca nhiễm biến thể mới Omicron tại Anh đã tăng lên 11 người, trong đó có 6 trường hợp mới được phát hiện tại Scotland và 2 ca tại London./.