Tình hình dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận hơn 9,1 triệu ca mắc

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới một bệnh viện ở bang Para, Brazil ngày 25/5/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu của trang Worldometers, tính đến 5 giờ sáng 23/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 9.166.635 ca mắc COVID-19, trong đó 473.188 ca tử vong. Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ, Anh là các nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới.

Tổng thống Alejandro Giammattei ngày 22/6 cho biết 151 nhân viên làm việc trong phủ Tổng thống Guatemala đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận gói viện trợ 72.000 bộ xét nghiệm COVID-19 do Liên mình châu Âu (EU) tài trợ cho Guatemala, ông Giammattei cho hay phần lớn trong số những ca bệnh trên là các nhân viên thuộc Bộ Hành chính và An ninh - đơn vị trực tiếp phụ trách nhiệm vụ chăm sóc Tổng thống và gia đình ông.

Theo ông Giammattei, những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại phủ Tổng thống Guatemala đã được công bố trước đó không lâu nhưng con số không cao như hiện tại. Tới nay, 69 người trong số này đã bình phục và 5 người hiện ở trong tình trạng nguy kịch, và số còn lại vẫn đang được điều trị.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22/6 khẳng định phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra là quá “phóng đại", đồng thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BandNews, nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu của Brazil nói: “Tôi đề nghị các thống đốc bang và thị trưởng của Brazil, với trách nhiệm rõ ràng của mình, bắt đầu mở cửa thương mại, bởi những thông tin mới từ thế giới, những thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với những sai lầm của họ, đã cho thấy có một chút phóng đại trong việc xử lý vấn đề này”.

Tổng thống Bolsonaro khẳng định nhiệm vụ cấp thiết là nối lại các hoạt động thương mại, và tiến trình này cần phải được tăng tốc. Theo ông, nền kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt, và nếu nền kinh tế Brazil không hoạt động, người dân nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả, bắt đầu từ những người có thu nhập thấp. Ông Bolsonaro cũng cho rằng không thể để cho các biện pháp xử lý đại dịch gây hại nhiều hơn chính đại dịch.

Theo ước tính của các nhà kinh tế học, những tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19 có nguy cơ đẩy Brazil rơi vào thời kỳ suy thoái lớn nhất trong lịch sử, với việc Tổng sản phẩm quốc (GDP) suy giảm 6,5% và hàng triệu người mất việc làm.

Brazil hiện trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 51.000 người tử vong.

Chính quyền Israel đang đẩy mạnh công tác thực thi các hướng dẫn của Bộ Y tế nước này nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo quy định mới, người dân Israel nếu không đeo khẩu trang khi ra đường sẽ bị phạt 500 Shekel (khoảng 145 USD). Người phát ngôn Cảnh sát Israel - ông Micky Rosenfeld cho hay cảnh sát nước này đang đẩy mạnh những nỗ lực thực thi các quy định đã ban hành.

Theo trang thống kê worldometers.info, Israel hiện đã ghi nhận tổng cộng 21.082 ca COVID-19, trong đó 307 người tử vong.

Cùng ngày 22/6, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay với 15.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước Nam Á này tăng lên hơn 425.000 ca, chỉ xếp sau Mỹ, Brazil và Nga.

Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ xác nhận thêm 445 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 13.699 ca kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được thông báo tại nước này hồi tháng 1.

Tỉ lệ tử vong tại Ấn Độ duy trì mức thấp khi so với những nước có số lượng ca mắc tương tự, tuy nhiên giới chuyên gia y tế lo ngại các bệnh viện của nước này sẽ quá tải do số ca mắc tăng nhanh.

Trước tình hình hiện tại, Đức cảnh báo các công dân của nước này đang sống tại New Delhi sẽ ít khả năng được nhập viện hay được chăm sóc tích cực nếu mắc COVID-19. Trước đó, Ireland cũng khuyến cáo các công dân nước này rời Ấn Độ do lo ngại thiếu giường bệnh. Theo thông báo của chính quyền bang Delhi, hiện còn hơn 7.000 giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19.

Bất chấp dịch bệnh được dự báo lên tới đỉnh điểm trong những tuần tới nếu không muốn nói là vài tháng tới, Thủ tướng Narendra Modi quyết định nới lỏng đa số các biện pháp phòng dịch từ ngày 8/6 để giảm nhẹ tác động đối với kinh tế trong nước, sau gần 3 tháng áp dụng.

Cùng ngày 22/6, nhà chức trách Iran cho biết đã xác nhận thêm 2.573 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 207.525 ca. Đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 9.742 người tại Iran sau khi có thêm 119 ca tử vong. Tổng cộng 166.427 bệnh nhân bình phục và xuất viện, trong khi 2.898 ca vẫn đang được điều trị và chăm sóc tích cực.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/241376/tinh-hinh-dich-covid-19--the-gioi-ghi-nhan-hon-9-1-trieu-ca-mac.html