Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 24-2

Tính đến 6 giờ sáng 24-2, đã có 2.467 người tử vong vì virus COVID-19, 78.979 ca nhiễm. Số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục hiện là 26 người.

Tính đến 6 giờ sáng 24-2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận 2.467 ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 78.979 người nhiễm. Như vậy, so với ngày 23-2, số người lây nhiễm tăng 179 trường hợp.

Tính đến nay đã có 26 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm tám ca ở Iran, sáu ca ở Hàn Quốc, ba ca trên tàu Diamond Princess, một ca ở Nhật, hai ca ở đặc khu Hong Kong, ba ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, một ca ở Pháp và một ca ở Philippines.

Nhân viên y tế hỗ trợ một hành khách trên du thuyền Diamond Princess neo tại Nhật. (Ảnh chụp ngày 21-2) Ảnh: AFP

Nhân viên y tế hỗ trợ một hành khách trên du thuyền Diamond Princess neo tại Nhật. (Ảnh chụp ngày 21-2) Ảnh: AFP

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 23.094 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng hai người so với ngày 23-2.

Bệnh nhân "siêu lây nhiễm" ở Hàn Quốc từng trốn viện bốn lần

Theo hãng tin Yonhap ngày 24-2, người phụ nữ 61 tuổi dương tính với COVID-19 tại TP Daegu, còn được gọi là “bệnh nhân số 31 siêu lây nhiễm", đã từng trốn viện bốn lần và đi đến nhiều nơi công cộng khác nhau.

Trước đó, bà này được tiếp nhận vào bệnh viện lần đầu tiên vào ngày 7-2 sau một tai nạn giao thông và được xác nhận lây nhiễm vào ngày 17-2.

Tuy nhiên, trong 10 ngày giữa lần đầu tiên vào bệnh viện và lần cuối cùng được xác nhận dương tính với COVID-19, "bệnh nhân số 31" đã trốn ra ngoài ít nhất bốn lần khác nhau.

Trong tất cả bốn lần này, bà đều đến những nơi công cộng từ nhà hàng buffet đến phòng tắm công cộng và đi nhà thờ hai lần. Uớc tính khoảng 1.160 người đã tiếp xúc với người phụ nữ này.

Trao đổi với báo JoongAng Ilbo, bà kể từng gặp một nhóm du khách Trung Quốc ở phòng tắm công cộng tại TP Daegu nhưng không tắm cùng họ. Đồng thời, bà cũng cho biết đã hợp tác trong việc điều trị bệnh và gửi lời xin lỗi vì đã lây lan dịch bệnh quá nhiều trong cộng đồng.

Tính đến sáng 24-2, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 166 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 602 ca và sáu trường hợp đã tử vong.

Chưa phát hiện công dân Việt Nam ở Hàn Quốc nhiễm COVID-19

Trong thông báo ngày 23-2, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc khẳng định hiện chưa có trường hợp người Việt Nam ở Hàn Quốc bị nhiễm COVID-19.

Theo cơ quan này, có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại TP Daegu đang bùng phát ổ dịch có 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk có 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo).

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng công bố số điện thoại hỗ trợ để người lao động Việt Nam có thể liên hệ khi cần sự trợ giúp.

Trước đó, vào ngày 21-2, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam đã ra lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc khuyến cáo. Công dân Việt Nam cũng cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Chủ tịch Tập Cận Bình: COVID-19 là khó khăn lớn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay

Trong phiên làm việc về tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc ngày 23-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố virus này là "tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng lớn nhất" của Trung Quốc kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, theo tờ South China Morning Post.

Ông Tập cũng nhấn mạnh chính quyền các cấp Trung Quốc cần rút kinh nghiệm từ "những thiếu sót được phơi bày" trong cách phản ứng trước COVID-19 khi virus đang lây lan quá nhanh, phạm vi quá rộng và khó phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

"Đây là một cuộc khủng hoảng đối với chúng ta và là một thử thách rất lớn từ trước đến nay" - người đứng đầu Bắc Kinh khẳng định.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng thừa nhận COVID-19 "chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và xã hội", song nhấn mạnh những ảnh hưởng này sẽ "ngắn hạn" và có thể kiểm soát được. Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ để giúp đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội cho năm 2020.

Thời gian tới, Trung Quốc dự kiến duy trì chính sách tài khóa thận trọng và đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế theo từng giai đoạn để giúp các doanh nghiệp nhỏ bị dịch bệnh ảnh hưởng vượt qua khó khăn.

COVID-19 có thể là bệnh X WHO từng cảnh báo

Theo hãng tin Bloomberg ngày 23-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiều năm trước từng cảnh báo một căn bệnh X bí ẩn có thể bùng phát và lây nhiễm toàn thế giới.

Cảnh báo này thời điểm đó được đưa ra nhằm thúc đẩy việc bào chế vaccine phòng ngừa trước những hiểm họa không thể lường trước được với loài người và tăng tốc chương trình nghiên cứu Blueprint xác định các mầm bệnh mới của WHO.

Có thể hiểu bệnh X là một khái niệm bao gồm tất cả mối nguy cơ truyền nhiễm mà con người chưa từng bắt gặp nhưng hầu như đã chắc chắn về sự tồn tại của chúng.

"Dịch COVID-19 đang nhanh chóng trở thành thách thức đại dịch hàng đầu, khớp với chủng bệnh X" - một thành viên trong Ủy ban khẩn cấp của WHO, bà Marion Koopman, khẳng định.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dich-covid19-tinh-den-sang-242-891679.html