Tình hình Kazakhstan: Căng thẳng tiếp diễn với hàng trăm thương vong, LHQ lên tiếng, quốc tế theo dõi sát

Theo phóng viên hãng thông tấn TASS có mặt tại hiện trường, tình trạng nổ súng đã bắt đầu xuất hiện ở Alma-Ata, thành phố lớn nhất của Kazakhstan trong ngày 6/1, nơi các vụ bạo loạn chưa hề có dấu hiệu suy giảm trong những ngày qua.

Căng thẳng chưa hạ nhiệt ở Alma-Ata, thành phố lớn nhất Kazakhstan những ngày qua. (Nguồn: AP)

Căng thẳng chưa hạ nhiệt ở Alma-Ata, thành phố lớn nhất Kazakhstan những ngày qua. (Nguồn: AP)

Phóng viên này cho biết quân đội ở Alma-Ata đã yêu cầu người biểu tình rời khỏi Quảng trường Cộng hòa bằng loa phóng thanh và cảnh báo sẽ nổ súng.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ Kazakhstan cập nhật số liệu cho biết, đã có 18 nhân viên an ninh thiệt mạng trong các cuộc xô xát với người biểu tình trong những ngày qua, trong khi đó, gần 2.300 người biểu tình đã bị bắt giữ.

Theo truyền thông địa phương, còn có 748 sĩ quan cảnh sát và quân đội bị thương trong các vụ bạo động.

Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Michelle Bachelet lên tiếng thúc giục tất cả các bên tại Kazakhstan kiềm chế bạo lực và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình trạng bất ổn lan rộng mấy ngày qua.

Bà Bachelet nói rõ: “Người dân có quyền biểu tình hòa bình và tự do bày tỏ quan điểm. Đồng thời, những người biểu tình, cho dù giận dữ và bức xúc đến đâu, cũng không nên sử dụng đến bạo lực chống lại người khác”.

Quan chức hàng đầu của LHQ về nhân quyền cũng kêu gọi giới chức Kazakhstan trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ chỉ vì tham gia biểu tình.

Cũng trong ngày 6/1, Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố cho hay, chính phủ nước này quan ngại về tình hình bạo lực và hỗn loạn đang diễn ra tại Kazakhstan, “lên án các hành động bạo lực, phá hủy tài sản và các tòa nhà” và “kêu gọi bình tĩnh”.

Tuyên bố có đoạn: “Các cuộc biểu tình nên diễn ra trong hòa bình, phản ứng của các cơ quan thực thi pháp luật phải tương xứng và phù hợp với các cam kết quốc tế của Kazakhstan. Vương quốc Anh kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua sự liên lạc giữa chính quyền với xã hội dân sự”.

Bộ Ngoại giao Anh cũng kêu gọi khôi phục lại internet và yêu cầu các nhà chức trách Kazakhstan tôn trọng quyền tự do ngôn luận và thể hiện ý kiến.

Bên cạnh đó, khẳng định có quan hệ chặt chẽ với Kazakstan, Anh nhấn mạnh, tôn trọng chủ quyền của quốc gia Trung Á này là điều quan trọng.

Trước đó, tại Hạ viện Anh, Ngoại trưởng nước này, bà Liz Truss đã bác bỏ đề xuất của các đại biểu “lên án mạnh mẽ sự can thiệp” của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) vào tình hình Kazakhstan.

Bà Truss nhấn mạnh, “Kazakhstan có quyền chủ quyền trong việc lựa chọn đồng minh của mình”, đồng thời kêu gọi “bất cứ lực lượng nào” được gửi đến cần “hành động tương xứng để bảo vệ các lợi ích an ninh hợp pháp trên lãnh thổ" nước này.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với người đồng cấp phía Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, khẳng định Ankara theo dõi sát diễn biến tình hình ở quốc gia Trung Á và hy vọng nước này sẽ sớm kiểm soát được tình hình căng thẳng.

Ông Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ kề vai đoàn kết với Kazakhstan và hy vọng nước này sẽ sớm thành lập một chính phủ mới nhằm kiểm soát tình hình căng thẳng càng sớm càng tốt. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ về thông tin kỹ thuật cũng như kinh nghiệm đối với Kazakhstan.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Saeed Khatibzadeh cho biết, Tehran đang theo dõi sát tình hình ở Kazakhstan và coi trọng an ninh cũng như ổn định của quốc gia Trung Á này.

Ông Khatibzadeh kêu gọi các bên liên quan cuộc xung đột giải quyết bất đồng và những rắc rối một cách hòa bình, thông qua đối thoại, dựa trên lợi ích quốc gia và không cần sự can thiệp của nước ngoài.

Kể từ ngày 2/1, người dân Kazakhstan đã biểu tình phản đối việc tăng giá khí đốt, dẫn đến các vụ đụng độ với cảnh sát gây thương vong và tình trạng cướp phá, bất ổn an ninh trên toàn quốc.

Ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc cho đến ngày 19/1 và đề nghị lãnh đạo các quốc gia còn lại của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), gồm 6 thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan, hỗ trợ nước này.

(theo AFP, Reuters, TASS)

Việt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-kazakhstan-cang-thang-tiep-dien-voi-hang-tram-thuong-vong-lhq-len-tieng-quoc-te-theo-doi-sat-170219.html