Tình hình Mali: Nga ra lời hứa hẹn với chính quyền quân sự; cam kết giúp Tây Phi hạ gục khủng bố

Ngày 7/2, trong khuôn khổ chuyến thăm một ngày tới Mali, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra cam kết về việc giúp đỡ quốc gia Tây Phi này.

Ngoại trưởng Nga phát biểu tại họp báo ở Mali ngày 7/2. (Nguồn: Spuntik)

Ngoại trưởng Nga phát biểu tại họp báo ở Mali ngày 7/2. (Nguồn: Spuntik)

Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến công du Mali, ông Lavrov tuyên bố, Moscow sẽ tiếp tục giúp Mali nâng cao năng lực quân sự.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, trong năm 2022 và đầu năm nay, hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa nước này và Mali đã có động lực phát triển mới.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2020, chính quyền quân sự của Mali đã sử dụng máy bay, trực thăng và lực lượng bán quân sự của Nga để tăng cường cho cuộc chiến chống lại các phiến quân thánh chiến

Nga đã chuyển một lô lớn thiết bị hàng không đến Mali, nhờ đó, quân đội nước này gần đây đã có thể thực hiện thành công các chiến dịch chống khủng bố. Một lô thứ hai cũng đã được bàn giao vào ngày 19/1.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Mali trong lĩnh vực quân sự, bao gồm cả cung cấp vũ khí bổ sung và huấn luyện quân đội.

Bên cạnh đó, Moscow cũng sẽ hỗ trợ Guinea, Burkina Faso, Chad và khu vực Sahel nói chung, thậm chí là cả những quốc gia ven biển ở Vịnh Guinea thuộc Tây Phi, vốn đang phải đối mặt với làn sóng nổi dậy tàn khốc của các phần tử thánh chiến.

Nhà ngoại giao Nga nêu rõ: “Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đương nhiên là vấn đề của các quốc gia khác trong khu vực. Chúng tôi sẽ giúp sức để họ vượt qua những khó khăn hiện nay".

Trong một diễn biến khác liên quan tình hình Mali, cùng ngày, quân đội Mali tuyên bố đã thực hiện một “chiến dịch đặc biệt” trong đêm mùng 6 và 7/2 nhằm truy quét một “nhóm khủng bố có vũ trang” ở khu vực Korientzé, thuộc vùng Mopti ở miền Trung đất nước.

Lực lượng chức năng đã vô hiệu hóa 30 đối tượng khủng bố, thu giữ được một số súng trường tấn công AK-47, bệ phóng tên lửa chống tăng và thiết bị thông tin liên lạc.

Một chiến dịch truy quét khác cũng đã được triển khai ở NGorodia, thuộc khu vực Korientzé, tiêu diệt 4 phần tử khủng bố.

Kể từ năm 2012, Mali chìm trong làn sóng thánh chiến và một cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị, nhân đạo nghiêm trọng. Bạo lực khởi phát từ miền Bắc, chủ yếu ảnh hưởng đến miền Trung và miền Đông của quốc gia Tây Phi này, sau đó lan sang 2 nước láng giềng Burkina Faso và Niger.

(theo Reuters, AFP, Sputnik)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-mali-nga-ra-loi-hua-hen-voi-chinh-quyen-quan-su-cam-ket-giup-tay-phi-ha-guc-khung-bo-215795.html