Tình hình mua bán người đang diễn biến rất phức tạp

Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo 'Phòng ngừa và ứng phó bạo lực với phụ nữ và mua bán' do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Bộ Công an phối hợp với tổ chức hôm nay (31/7).

Bà Caroline T. Nyamayemombe, Quyền Trưởng Đại diện UN Women phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Thảo

Bà Caroline T. Nyamayemombe, Quyền Trưởng Đại diện UN Women phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Thảo

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Di cư an toàn và bình đẳng do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm góp phần tăng cường năng lực cho lực lượng an ninh tuyến đầu về cung cấp và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực và mua bán.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, có tới 2/3 phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời và tới 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp và 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực. Bạo lực giới gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam lên tới 1,8% GDP.

Tình hình mua bán người cũng đang diễn biến rất phức tạp. Theo thông tin từ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội mua bán người. Mua bán người có mối liên hệ chặt chẽ với di cư lao động và được tuyển mộ dưới nhiều hình thức nhất là thông qua mạng xã hội.

Để góp phần giải quyết tình trạng trên, Bộ Công an và UN Women đã phối hợp xây dựng hai bộ tài liệu hướng dẫn: Bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực và mua bán dành cho lực lượng an ninh tuyến đầu; Hướng dẫn điều tra nhạy cảm giới trong các vụ việc liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế.

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Thanh Nam

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Thanh Nam

Đây là công cụ hữu ích phục vụ lực lượng Công an tuyến đầu trong việc bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực và mua bán, tiến hành điều tra mang tính nhạy cảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Bà Caroline T. Nyamayemombe, Quyền Trưởng Đại diện UN Women cho rằng lực lượng an ninh tuyến đầu có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, mua bán. Việc cung cấp thông tin đầy đủ và hỗ trợ phù hợp, bao gồm cả việc chuyển tuyến nạn nhân tới các dịch vụ khác sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc đảm bảo phẩm giá và sự phục hồi của những phụ nữ sống sót sau bạo lực.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-hinh-mua-ban-nguoi-dang-dien-bien-rat-phuc-tap-post464316.html