Tình hình Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi phản đối đảo chính, quân đội thông báo thời điểm bầu cử, quốc tế phản ứng
Ngày 1/2, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar cho biết, lãnh đạo đảng này Aung San Suu Kyi, đã hối thúc người dân không chấp nhận cuộc đảo chính của quân đội Myanmar, đồng thời kêu gọi sự phản đối.
Tuyên bố của đảng NLD dưới tên bà Aung San Suu Kyi nêu rõ: “Các hành động của quân đội là hành động đưa đất nước quay trở lại chế độ độc tài. Tôi kêu gọi người dân không chấp nhận điều này, hãy phản ứng và toàn tâm toàn ý chống lại cuộc đảo chính của quân đội”.
Trước đó rạng sáng 1/2, bà Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác của đảng NLD đã bị quân đội bắt giữ. Quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm, cho rằng, đây là hành động nhằm phản ứng với các gian lận trong bầu cử.
Quân đội Myanmar cho biết, các cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc. Sau đó, quân đội Myanmar sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới.
Hiện Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing hiện đang nắm quyền điều hành đất nước.
Dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ
Ngày 1/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác, đồng thời “hối thúc lãnh đạo quân đội tôn trọng ý chí của người dân Myanmar”.
Trong một phát biểu, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric, cho biết: “Những diễn biến này là một đòn giáng nghiêm trọng vào cải cách dân chủ. Tất cả các nhà lãnh đạo phải hành động vì mục tiêu lớn hơn của quá trình cải cách dân chủ tại Myanmar, tham gia đối thoại có ý nghĩa, tránh bạo lực và tuyệt đối tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cơ bản”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc và báo động" trước những thông tin về việc bắt giữ các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự Myanmar.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar thả tất cả quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự cũng như tôn trọng ý nguyện của người dân Myanmar đã được thể hiện trong các cuộc bầu cử dân chủ hôm 8/1", ông Binken nói.
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, nước này "sát cánh với người dân Myanmar trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội Myanmar phải đảo ngược ngay lập tức những hành động này".
Nhật Bản cùng ngày cũng đã hối thúc Myanmar duy trì nền dân chủ sau vụ việc này. Phát biểu tại một buổi họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu nêu rõ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, việc các bên liên quan giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đối thoại và theo quy trình dân chủ là điều rất quan trọng”.
Trong khi đó, Ấn Độ và Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những diễn biến ở Myanmar và hy vọng pháp quyền ở Myanmar phải được tuân thủ.
Cũng trong ngày 1/2, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã lên tiếng về tình hình tại Myanmar.
Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố, nước này quan ngại "sâu sắc" về tình hình đang diễn và kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế và hợp tác hướng tới một kết quả hòa bình.
Bộ trên cho hay đang theo dõi sát sao tình hình và hy vọng tất cả các bên duy trì đối thoại và hướng tới một kết quả tích cực.
Ngoại trưởng Indonesia kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar tự kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến cũng như hiến chương phân nhóm khu vực ASEAN, nhấn mạnh, tất cả bất đồng về bầu cử phải được giải quyết theo các cơ chế pháp lý hiện hành".
Đồng quan điểm, Malaysia đã kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết mọi tranh chấp bầu cử một cách hòa bình, khẳng định ủng hộ việc "tiếp tục thảo luận giữa các các nhà lãnh đạo của Myanmar để tránh hậu quả bất lợi cho người dân và đất nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch Covid-19".
Trong khi đó, lãnh đạo chính phủ Thái Lan và Campuchia cho rằng, việc quân đội Myanmar giành quyền điều hành đất nước là một vấn đề nội bộ của quốc gia láng giềng này và khẳng định không bình luận gì về công việc nội bộ của bất kỳ nước nào.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Philiipines Harry Roque cho biết, nước này sẽ ưu tiên cho sự an toàn của công dân Philippines ở Myanmar và coi những sự kiện ở quốc gia này là "vấn đề nội bộ mà chúng tôi sẽ không can thiệp".
Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Myanmar cho biết tất cả các ngân hàng tại nước này đã tạm thời dừng tất cả các dịch vụ tài chính do đường truyền Internet yếu trong bối cảnh bất ổn chính trị.
(theo Reuters,THX)