Tình hình người đàn ông phải nhập viện sau khi ăn bánh ướt thịt heo

Người đàn ông mắc liên cầu lợn nguy kịch sau khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Huế đang dần hồi phục và chuẩn bị được ra viện.

Liên quan đến bệnh nhân N.V.A. (51 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) mắc liên cầu lợn, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đây là trường hợp nặng, nguy kịch. Ông A. được đưa vào viện lúc 7h30 ngày 14/7 với triệu chứng nôn mửa, sốt 39 độ C, kèm đi cầu phân lỏng nhiều lần.

Bệnh nhân được chuyển khoa Nhiệt đới lúc 9h ngày 14/7, đến 18h45 cùng ngày, dù được truyền dịch, kháng sinh nhưng bệnh nhân tụt huyết áp còn 80/40 mmHg thần kinh lơ mơ, kích thích bất an.

 Bệnh nhân A. đang hồi phục tốt và chuẩn bị được xuất viện.

Bệnh nhân A. đang hồi phục tốt và chuẩn bị được xuất viện.

Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân lơ mơ, kích thích bất an, vẻ mặt mệt mỏi, niêm mạc mắt vàng nhẹ, da mặt vàng xem kẻ vân tím xuất huyết dưới da toàn thân.

Qua các xét nghiệm, ông A. được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết do streptococcus suis /suy đa tạng. Người bệnh được lọc máu liên tục, truyền dịch, kháng sinh đặc hiệu nhạy cảm với liên cầu lợn.

"Đến nay, bệnh nhân thoát cơn nguy kịch, tỉnh táo, giảm thính lực, thở đều, phổi thông khí rõ, tim rõ, bụng mềm, huyết áp ổn định. Các vết hoại tử da trên tứ chi bong lột da và cử động tứ chi trong giới hạn bình thường, ăn cháo ổn và chuẩn bị được xuất viện", lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết.

Cũng theo đại diện Bệnh viện Trung ương Huế, trước đó, ông A. có ăn tiết canh dê và thịt dê. Do đó, có thể bệnh nhân mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh dê pha với tiết canh lợn chứ không phải mắc liên cầu lợn do ăn bánh ướt thịt lợn.

Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho hay sau khi ghi nhận ca bệnh liên cầu lợn, ngành y tế tiến hành điều tra dịch tễ, giám sát tình hình sức khỏe gia đình bệnh nhân, người dân xung quanh và những người có liên quan.

"Đến nay, mọi người đều có sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu bệnh. Kể cả những người cùng ăn bánh ướt thịt lợn với bệnh nhân khi đi làm thợ xây cũng không có biểu hiện đau sốt", người này cho hay.

Như Sức khỏe & Đời sống thông tin, theo điều tra dịch tễ, khoảng một tuần trước thời điểm có dấu hiệu bệnh, gia đình ông A. không ăn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Nhưng cách ngày nhập viện 2 ngày (ngày 12/7), bệnh nhân có ăn bánh ướt với thịt lợn cùng 6 người thợ xây làm chung.

Đến 3h ngày 14/7, người bệnh xuất hiện sốt, rét run và đau bụng nên sau đó được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cấp cứu.

Hoàng Dũng / Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tinh-hinh-nguoi-dan-ong-phai-nhap-vien-sau-khi-an-banh-uot-thit-heo-post1490021.html