Tình hình thuế quan ghìm chân đà tăng của tiền số
Đà tăng của Bitcoin đã phần nào bị hạn chế trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố các mức thuế mới, khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn…

Tính đến sáng 9/7 theo giờ Việt Nam, Bitcoin ổn định ở mức trên 108.500 USD sau một khởi đầu tuần đầy biến động. Diễn biến vững vàng của đồng tiền mã hóa chủ lực này đã hỗ trợ nhiều token lớn khác và phần nào làm dịu bớt lo ngại về một đợt điều chỉnh sâu hơn sau những lo ngại thuế quan vào tuần trước.
Trong khi đó, Ethereum đang có xu hướng tăng, leo 2,4% lên 2.596 USD sau khi chạm mức thấp trong ngày là vùng 2.525 USD.
Tương tự, Solana cũng đang phục hồi sau đợt giảm điểm ngày hôm trước, nhưng vẫn dao động quanh mốc tâm lý 150 USD. Điều này cho thấy Solana đang bước vào giai đoạn tích lũy, với vốn hóa thị trường duy trì trên 80 tỷ USD.
Bên cạnh đó, XRP của Ripple leo khoảng 1,78%, giao dịch gần mức đỉnh trong ngày - dấu hiệu có thể cho thấy một đợt điều chỉnh kỹ thuật hoặc là động lực phục hồi hướng đến vùng kháng cự ngắn hạn trong khung 1 giờ.
Ở nhóm memecoin, Dogecoin tăng 1,35%, trong khi đồng TRUMP nhích 0,86%.
Tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu hiện ở mức khoảng 3.360 tỷ USD, với khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua đạt 95,58 tỷ USD.

Diễn biến giá Bitcoin
Thị trường tiền mã hóa nhìn chung vẫn đang giao dịch trong biên độ hẹp trong các phiên gần đây, do nhà đầu tư hạn chế mở các vị thế lớn trước những bất ổn liên quan đến chính sách kinh tế toàn cầu và căng thẳng thuế quan từ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu gửi thư áp thuế tới 14 quốc gia, cảnh báo rằng mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Danh sách này bao gồm các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng một số quốc gia nhỏ hơn như Serbia, Thái Lan và Tunisia. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi một số nước khác có thể phải chịu mức thuế lên tới 40%.
Dù đã gia hạn, ông Trump cho biết mốc thời gian này không hoàn toàn cố định và ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nếu nhận được đề xuất thay thế từ các đối tác thương mại.
Đối với tiền mã hóa - vốn phụ thuộc nhiều vào tâm lý rủi ro và niềm tin của nhà đầu tư - sự thiếu chắc chắn trong các chính sách như vậy đã làm suy yếu nhu cầu đầu tư. Thị trường vẫn chưa tìm được xu hướng rõ ràng, và những diễn biến sắp tới được đánh giá là sẽ tiếp tục gây biến động.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư hiện hướng về sự kiện “Crypto Week” (Tuần lễ Tiền mã hóa) bắt đầu từ ngày 14/7 tại Washington, khi các nhà lập pháp Mỹ dự kiến thúc đẩy ít nhất ba dự luật quan trọng cho lĩnh vực tài sản số. Trong số bao gồm dự luật CLARITY, Đạo luật Chống giám sát CBDC (Anti-CBDC Surveillance State Act) và dự luật GENIUS.
Một thông tin tích cực đáng chú ý khác là quỹ iShares Bitcoin Trust (IBIT) của BlackRock đã vượt mốc nắm giữ 700.000 Bitcoin chỉ sau 18 tháng kể từ khi ra mắt vào tháng 1/2024, theo dữ liệu từ Glassnode.
Với mức giá hiện tại, tổng tài sản mà IBIT quản lý đạt gần 75,6 tỷ USD (theo dữ liệu từ CoinGecko). Quỹ hiện là nguồn tạo doanh thu lớn thứ ba của BlackRock, vượt qua các quỹ ETF lâu đời như iShares Core S&P 500 (IVV) và iShares Russell 2000 (IWM). Dù các quỹ này nắm giữ tài sản lớn hơn, nhưng do có mức phí thấp hơn nên doanh thu không cao bằng IBIT.