Tình hình Ukraine: Kiev tin tưởng vào chiến dịch phản công, hé lộ thương vong sau vụ vỡ đập Kakhovka

Pháp tin tưởng vào thành công của Ukraine, nhiều nước chung tay khắc phục sau vụ vỡ đập Kakhovka là một số diễn biến mới nhất về tình hình Ukraine.

Ukraine cho biết vụ vỡ đập Kakhovka đã khiến 10 người chết và 41 người khác mất tích. (Nguồn: AP)

Ukraine cho biết vụ vỡ đập Kakhovka đã khiến 10 người chết và 41 người khác mất tích. (Nguồn: AP)

* Ngày 12/6, đề cập tới chiến dịch phản công trong phát biểu hàng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Cuộc chiến rất khó khăn, nhưng chúng ta đang tiến về phía trước, điều này rất quan trọng… Tôi cảm ơn các binh sĩ đã giúp mọi lá cờ Ukraine dần trở lại vị trí xứng đáng của nó trong các ngôi làng ở vùng lãnh thổ mới được giải phóng”. Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo này đưa ra sau khi Ukraine thông báo giành lại 7 ngôi làng từ tay Nga.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận cuộc phản công được mong đợi từ lâu của Ukraine đã bắt đầu vài ngày trước đó. Ông nhận định việc này được giới tướng lĩnh quân đội của đất nước Đông Âu lên kế hoạch tỉ mỉ với ý thức chiến thuật cao.

Đồng thời, Tổng thống Pháp cũng cam kết: “Chúng tôi đã làm mọi thứ để giúp họ… Chúng tôi đã tăng cường cung cấp đạn dược, vũ khí và phương tiện vũ trang... Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này trong thời gian tới”.

* Liên quan tới vụ vỡ đập Kakhovka, viết trên Telegram ngày 12/6, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Igor Klymenko nêu rõ: “Hiện tại, chúng tôi biết khoảng 10 người thiệt mạng ở thành phố Kherson và vùng này. Chúng tôi cũng đang báo cáo có 41 người mất tích”.

Trước tình hình đó, viết trên Facebook, Cơ quan cứu hộ Ukraine cho biết: “Chính phủ Cộng hòa Moldova đã cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo cho Cơ quan cứu hộ khẩn cấp của Ukraine để khắc phục hậu quả của thảm họa vỡ đập ở nhà máy thủy điện Kakhovka do con người gây ra”.

Cụ thể, Chisinau cung cấp cho lực lượng cứu hộ của đất nước láng giềng tại Đông Âu một loạt hàng cứu trợ nhân đạo, bao gồm các máy bơm công suất lớn, thuyền nhựa, thuyền bơm hơi và ủng cao su.

Israel cũng gửi hàng trăm nghìn lít nước uống và hơn 10 tấn lương thực tới khu vực Kherson để giúp các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen trực tiếp tham gia kế hoạch này. Ông nêu rõ: “Israel sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine và người dân nước này… Chúng tôi coi đây là một giá trị đạo đức cao cả”.

Đặc biệt, theo sáng kiến của Đại sứ quán Israel tại Ukraine và Cơ quan Hợp tác phát triển quan hệ quốc tế (MASHAV) thuộc Bộ Ngoại giao Israel, số hàng hóa trên đã được mua ngay tại địa phương và nhờ các tổ chức của người Ukraine phân phối cho người dân ở khu vực bị ngập lụt.

* Trong một tin liên quan, ngày 12/6, các luật sư của Ukraine tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã bác bỏ giải thích của Nga về vụ rơi máy bay MH17 rằng đây là thuyết âm mưu. Đây là một phần trong vụ Kiev kiện Moscow ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine vào năm 2014 và phân biệt đối xử người Tatar ở Crimea.

Cụ thể, Ukraine cho rằng Nga vi phạm hiệp ước chống khủng bố của Liên hợp quốc (LHQ) khi trang bị và tài trợ cho các lực lượng thân Nga, bao gồm cả lực lượng dân quân bắn rơi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2014.

Trước đó, tháng 11/2022, một tòa án ở Hà Lan xét xử vắng mặt và kết án tù chung thân đối với 2 người Nga và một người Ukraine ly khai vì có liên quan vụ bắn rơi máy bay trên. Tòa án tuyên bố Nga có “sự kiểm soát tổng thể” các lực lượng ly khai ở Ukraine. Khi đó, Nga đã bác bỏ phán quyết này. Tuần trước, trong các phiên điều trần trước ICJ, xứ sở bạch dương cho rằng tuyên bố dựa trên “điều vô nghĩa” và đưa ra một loạt lời giải thích khác cho những gì đã xảy ra.

Ukraine cáo buộc Nga là một “quốc gia khủng bố”, tìm cách xóa bỏ văn hóa của người Tatar và người Ukraine ở Crimea. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc nêu trên, khẳng định rằng nước này đáp ứng các nghĩa vụ theo hiệp ước của LHQ về chống bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Hiện Nga sẽ có cơ hội cuối cùng để đáp lại các cáo buộc của Ukraine vào ngày 15/6.

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2017 và được đệ trình trước xung đột Nga-Ukraine. Dự kiến, ICJ ra phán quyết về vụ kiện trước cuối năm nay.

(theo AFP/Reuters/Ukrinform/Times of Israel)

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-ukraine-kiev-tin-tuong-vao-chien-dich-phan-cong-he-lo-thuong-vong-sau-vu-vo-dap-kakhovka-230745.html