Tình huống pháp lý vụ trẻ em Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành

Theo luật sư, hành vi này của các đối tượng bảo mẫu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Liên quan đến vụ việc nhiều trẻ nhỏ bị hành hạ tại Mái ấm Hoa Hồng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, ngày 5/9, Công an TPHCM đang tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974) cùng một số người khác để điều tra sai phạm xảy ra tại cơ sở này.

Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi đánh đập trẻ nhỏ của các bảo mẫu tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng là mất nhân tính, thiếu tình thương giữa con người với con người. Họ vi phạm nghiêm trọng đạo đức, lối sống, ứng xử nhân văn, đi ngược lại các truyền thống, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, gây tâm lý ám ảnh, hoảng sợ, tổn thương tinh thần đối với những trẻ nhỏ.

Những hành vi nêu trên của các đối tượng có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đi ngược lại với các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ trẻ em.

Nhiều trẻ em Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành. Ảnh: ANTĐ

Nhiều trẻ em Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành. Ảnh: ANTĐ

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Và bạo lực trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016.

Bên cạnh đó, các đối tượng là chủ sở hữu và bảo mẫu tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng có dấu hiệu lợi dụng trẻ em để trục lợi, chiếm đoạt tiền của những người hảo tâm, giàu lòng thương yêu trẻ em để sử dụng tiền được nhận vào mục đích khác, dẫn đến số tiền các nhà hảo tâm trao cho trẻ em tại cơ sở không được sử dụng đúng mục đích như khi thỏa thuận, kêu gọi đóng góp, ủng hộ từ các nhà hảo tâm.

Hành vi trục lợi, chiếm đoạt tiền của các đối tượng có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Trường hợp bị khởi tố về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Quá trình nuôi, giữ chăm sóc các trẻ trong suốt thời gian dài, các đối tượng bảo mẫu tại đây đã có hành vi hành hạ, đánh đập, dùng vũ lực gây thương tích đối với các trẻ nhỏ như sự việc bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các bé. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm… Thời gian sống tại đây có thể được coi là quãng đời tăm tối, "địa ngục trần gian" đối với các trẻ nhỏ.

Để có căn cứ xử lý về tội danh đúng với các đối tượng có liên quan, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện thủ tục tiến hành yêu cầu cơ quan chuyên môn trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật đối với những trẻ nhỏ. Trên cơ sở giám định tỷ lệ thương tật, lực lượng chức năng sẽ tiến hành khởi tố về những tội danh cụ thể.

Theo đó, hành vi này của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm có khung hình phạt cao nhất 3 năm tù.

Hoặc hành vi này của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự, tội phạm có khung hình phạt cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-huong-phap-ly-vu-tre-em-mai-am-hoa-hong-bi-bao-hanh-169240905114159703.htm