Tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ luôn bền vững
Với chúng tôi, Việt Nam không đơn thuần là một quốc gia Đông Nam Á, đó là đất nước có mối liên kết tình cảm và văn hóa sâu sắc với Ấn Độ.
Việt Nam là một trong những quốc gia thân thiện nhất, được nhân dân Ấn Độ yêu mến, đánh giá cao tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ cũng khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia đáng tin cậy nhất và luôn sát cánh cùng Ấn Độ trong hầu hết các vấn đề quốc tế.
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Ấn Độ và Việt Nam và 30 năm quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN đã nổi lên như một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Mối quan hệ đó đã phát triển từ Chính sách hướng Đông được đưa ra vào đầu những năm 1990, đưa Ấn Độ trở thành Đối tác theo lĩnh vực của ASEAN vào năm 1992, Đối tác đối thoại năm 1996 và Đối tác cấp cao năm 2002 đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện - một tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và con người.
Kolkata, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tôi nhớ lại những ngày học đại học vào thập niên 1970, cũng là những ngày chiến tranh giải phóng ở Việt Nam, đường phố Kolkata đầy ắp sinh viên và người dân biểu tình chống Mỹ trước Lãnh sự quán Mỹ ở phố Herington (sau này được đổi tên thành đường Hồ Chí Minh), thể hiện sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam do Giáo sư Sử học Shantimoy Roy thành lập vào những năm 1970; ông Bhupesh Gupta và Geetesh Sharma là các thành viên tích cực. Ông Geetesh Sharma, người sau này là Chủ tịch Ủy ban, tham gia các cuộc xuống đường một cách sôi nổi.
Người dân Kolkata gắn bó đặc biệt với Việt Nam bởi họ đã ba lần chứng kiến chuyến thăm Kolkata của Chủ tịch Hồ Chí Minh huyền thoại - lần thứ nhất vào năm 1911, lần thứ hai năm 1946 và lần thứ ba năm 1958. Chuyến thăm Kolkata năm 1946 khá thú vị. Vào năm 1946, trên đường đến Paris để đàm phán, máy bay chở Chủ tịch đã hạ cánh xuống sân bay Calcutta (Dum Dum) để tiếp nhiên liệu. Ông nghỉ đêm tại khách sạn Great Eastern (nay là khách sạn Lalit Great Eastern).
Khi đó, văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ nằm ở phố Dacres Lane, cách khách sạn trên khoảng 400m. Không ai biết bằng cách nào mà Bác Hồ biết thông tin và ông đã bất ngờ đến thăm văn phòng Đảng Cộng sản Ấn Độ. Một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Ấn Độ lúc bấy giờ, trong đó có ông Jyoti Basu, đang trao đổi bên bàn trà thì đột nhiên thư ký riêng của Bác Hồ thông báo: “Xin mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam”. Mọi người có mặt ở đó đều sững sờ một lúc. Ngay sau đó, Bác được thu xếp chỗ ngồi và uống trà bằng chiếc cốc đất nung.
Bác Hồ đã dành khoảng nửa giờ đồng hồ và thảo luận tỉ mỉ với các nhà lãnh đạo Cộng sản Ấn Độ và họ vô cùng ngạc nhiên trước hiểu biết của Bác Hồ về tình hình của Ấn Độ. Bác Hồ còn biết văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ nằm trong một ngõ hẹp, chỉ có một lối ra và cách nhà của Thống đốc và trụ sở cảnh sát vài mét…
Thật đáng tự hào và phấn khởi khi quan hệ giữa hai nước chúng ta đang phát triển với tốc độ nhanh hơn trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Ba hãng hàng không Indigo, Vietjet và Vietnam Airlines đã nối lại các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam. Tôi nhớ những ngày chúng tôi đến Việt Nam phải trung chuyển qua Thái Lan hoặc Singapore, mất nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi nối chuyến đến Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng ngày nay, tình hình đã thay đổi và chúng tôi có thể đến Hà Nội từ Kolkata chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Điều này thật phi thường!
Thúc đẩy ngoại giao nhân dân
Ngoại giao nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hơn nữa các mối quan hệ thông qua văn hóa và văn học. Ngoại giao nhân dân được xem như một khía cạnh của quyền lực mềm, giúp gắn kết hơn nữa các mối quan hệ, thông qua nhiều hình thức, trong đó có việc tổ chức các sự kiện văn hóa, trao đổi văn học và học thuật.
Cả hai chính phủ nên dành thêm ưu tiên thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua văn hóa, văn học và du lịch. Các biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác cần có các biện pháp thực thi và thúc đẩy liên tục.
Trong tương lai gần, các chính sách, chiến lược và sáng kiến mới trong giao lưu nhân dân sẽ thúc đẩy quá trình hợp tác vì hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh hùng huyền thoại của Việt Nam, kiến trúc sư của những chiến thắng chiến lược của nhân dân Việt Nam đã từng nói trong chuyến thăm Ấn Độ rằng tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ không gì lay chuyển được.
Thời gian đã chứng minh rằng ông ấy đã đúng!
Xem thêm các bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022) tại đây.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-huu-nghi-viet-nam-an-do-luon-ben-vung-196863.html