Tình khúc cuối mùa thu
Mùa thu. Coffee Mây. Hơn mười năm trời Nhã và tôi mới lại ngồi đây. Nếu ngày đó, nàng hiểu, chia sẻ với tôi, với con đường tôi lựa chọn thì có lẽ giờ tôi và nàng đã khác.
Những ngày nghỉ phép, tôi sẽ ngồi bên Nhã, nhìn ra phía mặt hồ kia, nàng nép vào ngực tôi, luyên thuyên bất cứ điều gì nàng muốn. Nhưng làm sao có thể quay về ngày cũ? Chúng tôi đã như hai con đường chạy về hai phía chân trời.
Nhã vẫn không nói gì, tiếng thở của nàng rất khẽ. Nàng xanh xao như một chiếc lá trong gió thu. Mái tóc đen mướt mải mà ngày trước chàng tân binh là tôi từng lùa cả hai bàn tay vào, để rồi cảm nhận yêu thương trên những ngón tay thô ráp, giờ thưa thớt, xác xơ. Gương mặt nàng không già đi, chỉ đôi mắt mệt mỏi, trơ khấc. Hơn mười năm qua, biết bao biến cố với đời nàng. Là một người lính, hết lăn lộn trên biên giới, trở về Học viện Biên phòng công tác tôi lại đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào... công việc cứ cuốn tôi đi. Đôi khi, Nhã trở về trong ký ức của tôi vừa dịu dàng, vừa se sắt.
- Nhã... em... nói gì đi!-Tôi nói nhát gừng. Hay thật, là một sĩ quan đứng trước hàng trăm quân, tôi luôn mạnh mẽ, dõng dạc, dứt khoát. Vậy mà lúc này trước Nhã tôi vẫn như chàng trai mới lớn năm nào.
- ...
- Anh có thể giúp gì được em không, Nhã?!-Hình như tôi đã lấy được thăng bằng trong cảm xúc.
-...
Nhã vẫn lặng im, nhìn ra phía hồ. Vài cánh chim nhỏ lướt qua như không có thực. Những con sóng lăn tăn xô lại. Đám lá vàng lênh bênh trên mặt nước, những con sóng kia sẽ đưa chúng về phía nào?
Nhã nhấp một ngụm cà phê. Đắng nghét. Không biết nàng bắt đầu uống thứ đắng đót này từ khi nào. Bao năm trước, nơi này, tôi và nàng và trà hoa cúc và mùa thu. Tất cả như một đoạn phim ngắn, lãng mạn, trong ngần.
- Duân ơi, anh có biết lúc này em nghĩ gì không?-Giọng nàng run run, đôi mắt xoáy vào mặt hồ.
- Đừng cứa thêm vào lòng mình nữa! Hãy để nỗi đau thiếp ngủ, cho lòng mình một chút an yên, Nhã ạ!
- Em muốn là chiếc lá kia, chìm thật sâu xuống lòng hồ, và sẽ không bao giờ lên nữa.
Nói rồi nàng để những giọt nước mắt từ từ lăn trên gương mặt trắng xanh. Tôi thương Nhã biết chừng nào. Câu nói hơn mười năm trước, giờ nàng lặp lại không sót một từ. Đấy là ngày ba mẹ nàng ra tòa, kết thúc một vở kịch gia đình. Hôm ấy, tôi đã ngồi bên nàng cho đến cuối chiều, để rồi ngày hôm sau tôi phải trở lại núi rừng. Đơn vị tôi đang phân giới cắm mốc trên thực địa, ở những điểm khó khăn, phức tạp nhất trên toàn tuyến. Và tôi là một thành viên trong đoàn trực tiếp làm việc với phía bạn. Từng phút, từng giây làm nhiệm vụ của tôi và đồng đội là cuộc đấu trí với phía bạn để giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt sáu tháng ròng tôi chỉ kịp viết cho Nhã một lá thư, nhưng tôi không nhận được hồi âm của nàng. Qua bố mẹ, tôi biết nàng vẫn ổn. Tôi cứ tin là thế và lăn xả vào công việc.
Hoàn thành nhiệm vụ, tôi được cấp trên giải quyết cho mười ngày phép. Nhưng Nhã đã đi rồi, nàng sang Nga. Nhã kết hôn với một chuyên gia trong tập đoàn kinh tế lớn, chàng trai ngoại quốc ấy rất yêu thích những bức tranh Nhã vẽ. Đó là duyên do họ đến với nhau. Nàng đã quyết định vội vàng? Liệu tôi có là nguyên nhân cho sự vội vàng ấy? Nhã là người luôn đói khát tình cảm, nàng muốn được chở che, vỗ về. Đã có lần nàng nói: “Hay anh... chuyển ngành? Chú em có thể... sắp xếp cho anh một việc làm... đỡ vất vả,... thu nhập khá!”. Nhưng tôi đã im lặng. Là một người lính, dù ở hoàn cảnh nào, tôi không cho phép mình thoái lui. Phía trước tôi chỉ có một con đường, phía ấy là biên cương, là đồng đội, là những con người khó khăn, thiếu thốn ở khắp các bản làng cần chúng tôi. Sau đó mấy tháng liền, tôi viết những bức thư thật dài cho Nhã, nhưng xem chừng khoảng cách về quan niệm, khát vọng giữa chúng tôi ngày càng xa... Mẹ tôi bảo Nhã khóc nhiều, lúc sang nhà tôi nói chuyện với mẹ về quyết định của nàng. Mẹ không nói gì để tôi được yên tâm với công việc. Từ lâu, mẹ đã đoán định chúng tôi không thể đi chung trên một con đường. Mẹ thương Nhã như con gái, bà luôn ủng hộ mọi quyết định của nàng.
Bây giờ thì Nhã ngồi đây, ngay trước mắt tôi. Tôi nghe được nhịp tim nàng, cảm nhận được hơi thở mỏng lạnh và có thể nắm lấy đôi bàn tay màu lụa bạch của nàng. Từ ngày Nhã đi, tôi gom hết những ký ức, nén lại trong lòng. Thời gian và môi trường quân ngũ thật nhiệm màu, lòng tôi an nhiên về chuyện cũ. Từ lúc nào, trong tôi nàng đã không còn là mối tình đầu dang dở, se xót, Nhã như đứa em gái ruột đang ở phía trời xa.
- Đừng đau nữa, để ba mẹ em được yên lòng!
- Duân ơi, em có lỗi, thật là có lỗi với họ. -Nhã nấc lên như một đứa trẻ.
- Em đã làm những gì có thể cho ba mẹ, Nhã ạ. Họ sẽ mỉm cười vì điều ấy.
-...
- Ba mẹ em sẽ đau lòng, khi em thế này. Và... anh nữa. -Tôi thấy giọng mình lạc đi. Hai bàn tay thô ráp ôm trọn lấy đôi tay bé nhỏ, lành lạnh của nàng. Nhã để yên trong tay tôi mươi giây, rồi nàng rút tay ra. Mười ngón tay của nàng bấu chặt lấy chiếc bình gốm da lươn. Trong đấy là những bông cúc vàng hoang hoải. Tôi nhìn mãi vào mười ngón tay nàng, sợ rằng chỉ chút nữa thôi, cái bình kia sẽ vỡ vụn và những mảnh vỡ sẽ găm nát tay nàng.
- Em là đứa con chả ra gì, phải không Duân?-Nàng nhìn tôi trân trối.
Mười năm qua, dù nàng đã không một lần trở về bên ba mẹ. Nhưng tôi biết lúc nào nàng cũng nghĩ về họ. Nhớ và đau. Ba mẹ nàng đều đã có sự ráp nối riêng của cuộc đời họ. Cuối cùng, cả hai người không ai được hạnh phúc, bình yên. Trong vòng một tháng ba mẹ nàng lần lượt ra đi. Giờ đây, nàng là đứa con mồ côi khi trở lại cố hương.
- Nếu còn có thể, thì hãy khóc đi Nhã!
Nhưng Nhã thôi không khóc nữa, khi tôi đưa cho nàng chiếc khăn mùi soa. Nàng đứng lên đi về phía vườn hồng. Bạt ngàn những khóm hồng ngỗng tuyết. Những chùm hoa đua nhau nở trắng, như bông, như tuyết, như mây trời vừa ngang qua rồi sà xuống khu vườn. Nàng nâng từng cánh hoa. Những hạt sương pha lê long lanh rớt xuống tay nàng. Nàng mặc chiếc váy trắng, nó làm cho màu da nàng thêm muốt lạnh. Trông nàng tựa một đóa ngỗng tuyết trong suốt.
Nàng từng gửi cho tôi những bức ảnh. Trang trại của vợ chồng nàng trồng rất nhiều hồng bạch trà và hồng ngỗng tuyết. Nàng bảo nàng luôn thích màu trắng mong manh, hư ảo của những giống hoa ấy. Nàng có thể ngồi cả ngày trước vườn hồng để phiêu du cùng tưởng tượng trên những tấm toan. Họ còn trồng táo, dâu tây và một số thứ cây ăn quả khác ở khắp trang trại. Chồng nàng-Antoni là một tay chơi quần vợt cự phách. Nhưng anh ta cũng thật lãng mạn, từ nghệ thuật làm vườn đến đam mê hội họa và tình yêu đối với văn chương. Antoni còn có biệt tài làm ra thứ vang nho và vang táo tuyệt hảo. Có một bức ảnh nàng, Antoni và thằng con nhỏ đang hái những trái táo căng mọng, ửng hồng. Mắt họ là ánh mắt của những thiên thần trong những bức tranh cổ điển châu Âu. Tôi đã từng nghĩ cuộc sống của nàng thật là thiên đường giữa đời thực. Tôi thầm chúc phúc cho nàng.
- Em sẽ về Việt Nam chứ Nhã?-Tôi khẽ hỏi nàng.
- Không, cả Antoni và Sergei luôn cần em. Và em cũng không thể xa họ. Dù ở cõi nào.
- Anh biết. Nhưng em...
- Đừng lo cho em! Em sẽ ổn... Em muốn ở bên mẹ của Antoni, đấy là tâm nguyện của em.
Tôi đành im lặng, để những ngọn gió mát lành của mùa thu và những bông hoa thanh sạch kia xoa dịu nàng. Antoni và Sergei đã vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn thảm khốc. Nhưng họ sẽ vẫn mãi mãi là một gia đình, mãi mãi như thế. Hằng ngày, Nhã vẫn chăm cây trái trong vườn, tưởng tượng dấu tay, ánh mắt, hơi ấm của hai người thân yêu nhất đời nàng vẫn còn vương trên hoa trái. Nàng thường ra mộ phần của chồng và con nàng vào mỗi bình minh. Nàng hát, nàng ru họ bằng những bài ca của những người đàn bà nông trang từng dạy nàng. Nhiều lần Nhã thiếp ngủ, để Antoni và Sergei trở về dẫn nàng đi. Họ biến thành ba con cá bạc lấp lánh, bơi tung tăng bên nhau trong những hồ nước xanh biếc.
Tôi có việc đột xuất. Đơn vị cử tôi lên Cao Bằng mười ngày thay thế một đồng chí giáo viên đang dẫn học viên đi chống dịch Covid-19 tại biên giới. Về nhà, chỉ kịp sắp xếp quân tư trang, dặn dò vợ mấy câu, tôi nhanh chóng quay trở lại đơn vị để kịp theo xe của đoàn. Vợ tôi đứng nép vào cánh cổng, mắt rơm rớm. Nhưng rồi rất nhanh, nàng lấy tay áo lau nước mắt... Tôi hôn vợ, cười thật tươi cho nàng yên tâm.
Trên đường đi tôi nhắn cho Nhã mời nàng đến nhà chơi khi tôi xong nhiệm vụ. Tôi cũng hẹn sẽ chở nàng đến những nơi tôi và nàng đã trải qua những kỷ niệm xưa cũ. Tôi muốn thanh xuân trở lại trong nàng. Một buổi sáng mấy ngày sau, Nhã nhắn cho tôi, nàng xin lỗi vì luôn bận rộn. Nhã đang ở miền Trung, nơi vừa xảy ra thiên tai để thực hiện nốt một dự án nhân đạo mà khi còn ở Việt Nam Antoni chưa kịp hoàn thành. Tôi nhắn: “Vậy cho anh được gặp em, một chút thôi, trước khi em bay về Nga!”. Nhã im lặng.
Chiều ấy, rời đơn vị vừa về tới nhà, vợ tôi liền bảo: “Hình như chiều nay chị Nhã sẽ bay... Anh nên gặp chị ấy!”. Lòng tôi nghẹn lại vì xúc động và biết ơn nàng. Vợ tôi là thế, một người vợ lính luôn thấu hiểu, cảm thông những khó khăn, vất vả, cả những điều tế nhị, thầm kín nơi chồng. Tôi nhận được tin nhắn của Nhã: “Em đi, Duân nhé! Sẽ thật lâu nữa em gái anh mới lại về Việt Nam”.
Mãi sau này tôi mới biết, chiều ấy, trước khi về Nga, Nhã đã ngang qua ngõ nhà tôi. Nàng nhìn thấy vợ và hai đứa con tôi đang chơi đùa cùng nhau dưới giàn hoa lan tiêu màu lửa cháy. Tiếng cười của hai đứa trẻ hòa trong tiếng chim sâu lích rích. Nhã đứng thật lâu trước bức tranh bình dị ấy, rồi quay gót.
Khi tôi ra tới sân bay, chiếc máy bay chở Nhã đã cất cánh. Da trời xanh ngời, những đám mây trắng bồng bềnh như muôn triệu bông hồng ngỗng tuyết trắng trong. Bấy giờ đã là cuối mùa thu. Tôi nhìn mãi lên nền trời cho đến khi chiếc máy bay chìm lút vào trời thẳm. Lòng mênh mang thương nhớ.
“Đi nhé, và luôn bình yên nhé, em gái!”.
Tôi nghe tiếng mình lẫn vào trong gió thu ấm lành.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tinh-khuc-cuoi-mua-thu-643047