Tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá
Tỉnh được Trung ương phê duyệt 11 cảng cá, trong số này có 5 cảng kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Trong giai đoạn 2020-2030, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá như: cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và trung tâm nghề cá lớn… phục vụ khai thác thủy sản trên ngư trường, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Tỉnh được Trung ương phê duyệt 11 cảng cá, gồm: cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành) là cảng cá loại 1 và 10 cảng cá loại 2: An Thới, Thổ Châu, Bãi Dong, Gành Dầu (thành phố Phú Quốc); Nam Du, Hòn Ngang, Bãi Chướng (Kiên Hải); Ba Hòn (Kiên Lương); Xẻo Nhàu (An Minh), Lình Huỳnh (Hòn Đất). Trong hệ thống cảng cá này có 5 cảng kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Tiếp đến, tỉnh quy hoạch xây dựng 13 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: Nam Du, Hòn Tre (Kiên Hải); cửa sông Cái Lớn-Cái Bé (Châu Thành); Xẻo Nhàu (An Minh); Ba Hòn (Kiên Lương); Mương Đào (thành phố Hà Tiên); An Thới, Gành Dầu, Vũng Trâu Nằm, Dương Đông và Thổ Châu (thành phố Phú Quốc), Vịnh Rạch Giá (thành phố Rạch Giá), Lình Huỳnh (Hòn Đất).
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, đối với cảng cá, tỉnh đã triển khai đầu tư 5/11 cảng; trong đó hai cảng cá Tắc Cậu và An Thới đã công bố mở cảng.
Các cảng còn lại là Nam Du, Xẻo Nhàu, Thổ Châu đầu tư trước ngày Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành nhưng chưa được công bố mở cảng do chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Đối với khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với cảng cá, tỉnh đã đầu tư 3/13 khu, gồm: Cái Lớn-Cái Bé, Hòn Tre, Gành Dầu, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến nay đạt khoảng 85% và đang hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa vào khai thác. Các cảng cá còn lại đang triển khai đầu tư.
Bên cạnh đó, trung tâm nghề cá lớn đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể - phân khu xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường Nam Bộ.
Cụ thể là cảng cá động lực phân khu 1, nâng cấp cảng cá Tắc Cậu hoàn thành đầu tư dự án tháng 12/2021 từ nguồn vốn Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Phân khu 2, cảng cá Tây Yên A do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đầu tư giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ODA.
Dự án công âu thuyền Xẻo Rô tại hai xã Tây Yên A và Hưng Yên (An Biên) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, hoàn thành dự án đầu tư tháng 12/2021 và tỉnh đã hoàn thành dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cái Lớn-Cái Bé.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các cảng cá còn lại của tỉnh với tổng kinh phí 355 tỷ đồng; trong đó ngân sách địa phương 155 tỷ đồng, Trung ương 200 tỷ đồng. Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp nâng cấp mở rộng cảng cá Thổ Châu, nâng cấp các cảng cá Xẻo Nhàu, Tắc Cậu giai đoạn 3, An Thới, xây dựng cảng cá Lình Huỳnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh đặt mục tiêu, kế hoạch năng lực tàu thuyền khai thác đến năm 2030 có tổng công suất khoảng 2,8 triệu CV, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường hơn 430.000 tấn; trong đó sản phẩm khai thác xa bờ chiếm 58%.
Tỉnh chuyển đổi cơ cấu nghề này theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, khuyến khích phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, kiểm soát chặt chẽ ngư trường và phát hiện xử lý nghiêm những nghề khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao nhấn mạnh, tỉnh tổ chức khai thác thủy sản theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản.
Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và ngư dân khai thác đánh bắt.
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, khuyến khích áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản của tỉnh 220.686 tấn, đạt hơn 45% kế hoạch năm, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân giảm do có nhiều tàu cá nằm bờ tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng giá xăng dầu tăng cao, ngư trường suy kiệt nguồn lợi thủy sản, khai thác đánh bắt thua lỗ, thiếu vốn, thiếu lao động đi biển… dẫn đến nhiều chủ phương tiện không đưa tàu ra khơi./.