Tỉnh Lào Cai là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trong cả nước
Ngày 30/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1605/QĐ - UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quyết định nêu rõ: Tỉnh Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược như: Sâm Hoàng Liên (khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn), Bình vôi, Tam thất hoang, Chè dây, Giảo cổ lam, Thất diệp nhất chi hoa, Đỗ trọng.
Chuyển từ “trồng dược liệu” sang “kinh tế dược liệu”
Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha. Hiện có 210 ha (13 loại cây) cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lào Cai duy trì và phát triển diện tích dược liệu đạt khoảng 5.000 ha tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp, trong đó diện tích các loại dược liệu đầu vị để sản xuất hằng năm, sản phẩm phục vụ công nghiệp dược liệu đạt 1.600 ha. Hình thành chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm về dược liệu của tỉnh; xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.
Hình thành tối thiểu 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu.
Thu hút đầu tư tối thiểu 1 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thành lập Trung tâm sản xuất, bào chế thuốc thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để thực hiện sơ chế, bào chế vị thuốc, sản phẩm dược liệu địa phương cung ứng cho các cơ sở y tế trong tỉnh và thị trường.
Mục tiêu đến năm 2045: Cùng với sự nâng cấp, hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông kết nối vùng, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư, nâng cấp, phát triển thêm số nhà máy sản xuất thuốc; tăng diện tích vùng trồng dược liệu đạt 6.000 ha; khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn.
Hình thành tối thiểu đạt 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Xây dựng thương hiệu tối thiểu cho 4 sản phẩm dược liệu và có thêm ít nhất 10 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.