Tính liêm chính và minh bạch: Nền tảng cho thị trường các - bon hiệu quả

Từ kinh nghiệm của một số nước trong xây dựng, vận hành sàn giao dịch các – bon đó là tính liêm chính và minh bạch, đây là kinh nghiệm quý đối với Việt Nam.

Hiện Bộ Tài chính đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành Nghị định về sàn giao dịch các-bon làm cơ sở triển khai giai đoạn thí điểm đến năm 2028, tuy nhiên theo các chuyên gia còn nhiều “khoảng trống pháp lý” để đảm bảo tính liêm chính và minh bạch.

Kinh nghiệm từ Anh: Kiểm soát, minh bạch và giám sát theo thời gian thực

Ông Michael Mehling – chuyên gia cao cấp từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhấn mạnh: Sự thành công và bền vững của thị trường các-bon không chỉ phụ thuộc vào thiết kế chính sách, mà còn nằm ở cấu trúc quản trị vững chắc, hệ thống minh bạch, và cơ chế phòng ngừa rủi ro chủ động.

Ông Michael Mehling – chuyên gia cao cấp từ Viện Công nghệ Massachusetts

Ông Michael Mehling – chuyên gia cao cấp từ Viện Công nghệ Massachusetts

Tại Anh, thị trường các-bon được tổ chức theo mô hình độc lập, quy mô nhỏ nhưng hiệu quả, với các phiên đấu giá định kỳ hai tuần một lần nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định và kiểm soát quá trình hình thành giá.

Hệ thống này áp dụng giới hạn tỷ lệ đấu giá và sở hữu tích lũy (25%), để ngăn chặn tình trạng đầu cơ và tập trung quyền lực thị trường. Đồng thời, có cơ chế kiểm soát chi phí (CCM), cho phép xem xét bổ sung nguồn cung khi giá vượt ngưỡng được xác lập.

Ngoài ra, chương trình tạo lập thị trường khuyến khích nhà tạo lập niêm yết giá mua – bán ở mức chênh lệch thấp, đảm bảo tính thanh khoản;

Cùng với đó là công tác phân tích dữ liệu chuyên sâu từ sổ lệnh giao dịch, số dư hạn ngạch và vị thế giao dịch tại trung tâm thanh toán, giúp phát hiện hành vi bất thường như hủy lệnh hàng loạt, lệnh “mồi”, hoặc thao túng thị trường.

Các cảnh báo được mã hóa và chuyển tới cơ quan giám sát tài chính (FCA) để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi cần thiết. Một ví dụ điển hình là việc vượt ngưỡng CCM vào tháng 12/2021 – khi 2,4 triệu hạn ngạch được phát hành bổ sung trong vòng hai tuần đã giúp thị trường ổn định trở lại, cho thấy hiệu quả của bộ quy tắc ứng xử được thiết lập.

Khác với Anh, California (Hoa Kỳ) tổ chức các phiên đấu giá theo quý, phối hợp chặt chẽ với thị trường Québec (Canada), cùng áp dụng mức giá sàn và cơ chế Dự trữ kiềm chế giá hạn ngạch (APCR) ba cấp cho phép phát hành hạn ngạch bổ sung nếu giá vượt ngưỡng theo chỉ số điều chỉnh.

Các quy định được thiết kế nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ, thông qua giới hạn nắm giữ hợp nhất giữa giao dịch giao ngay và phái sinh; giám sát công khai thông qua Ủy ban Giám sát Thị trường độc lập. Đồng thời, bảo đảm thanh toán an toàn, với tất cả giao dịch được thanh toán qua ICE Clear US, giúp loại bỏ rủi ro tín dụng song phương.

Đặc biệt, California áp dụng các cơ chế chống gian lận gồm: Ký quỹ bắt buộc trước đấu giá; Xác minh danh tính đa yếu tố; Theo dõi chênh lệch giá thanh toán – thị trường thứ cấp và cuối cùng là khép kín lỗ hổng pháp lý trong sở hữu thông qua việc hợp nhất các công ty con vào giới hạn sở hữu của công ty mẹ.

Thực tiễn tại California cho thấy, việc kích hoạt APCR trong giai đoạn giá khí đốt tăng đột biến năm 2021 đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cung – cầu và giữ ổn định thị trường”- ông Michael Mehling nhấn mạnh.

Xây dựng hệ thống ETS quốc gia: Bài học thể chế từ Trung Quốc

Giáo sư Zhang Xiliang, Giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) chia sẻ: Trước khi vận hành hệ thống cấp quốc gia, Trung Quốc đã triển khai nhiều mô hình thí điểm tại các tỉnh thành lớn để thử nghiệm các khung chính sách, công cụ đo lường và phương thức giao dịch.

Giáo sư Zhang Xiliang, Giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế, Đại học Thanh Hoa

Giáo sư Zhang Xiliang, Giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế, Đại học Thanh Hoa

Từ năm 2021, ETS quốc gia được vận hành chính thức, bắt đầu với ngành điện, sau đó mở rộng ra sáu ngành công nghiệp có phát thải lớn.

Đến năm 2024, Trung Quốc đã ban hành đầy đủ các quy định pháp lý cấp quốc gia cho hệ thống ETS, đặt nền móng vững chắc để phát triển thị trường carbon quy mô lớn.

Hệ thống ETS của Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng pháp lý đa tầng, bao gồm: quy định tạm thời, các văn bản pháp luật cấp bộ, các hướng dẫn kỹ thuật, quy chế tuân thủ, cơ chế giám sát và khung xử phạt. Mỗi cấu phần được thiết kế chặt chẽ, từ đăng ký, giao dịch, thanh toán, giám sát thị trường đến xử lý vi phạm.

Ba nền tảng kỹ thuật chủ đạo bao gồm: hệ thống đăng ký quốc gia đặt tại Vũ Hán; sàn giao dịch quốc gia đặt tại Thượng Hải; và trung tâm thanh toán – kết toán đặt tại Hồ Bắc.

Các hệ thống này liên thông dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ của toàn bộ thị trường”- ông nhấn mạnh.

Cơ cấu tổ chức vận hành ETS của Trung Quốc thể hiện tính thống nhất cao. Bộ Sinh thái và Môi trường đóng vai trò trung tâm trong hoạch định chính sách, ban hành quy định, giám sát thực thi. Các cơ quan môi trường cấp tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tại địa phương, từ phân bổ hạn ngạch, lập danh sách đối tượng phát thải đến giám sát và xử lý tuân thủ.

Các tổ chức trung gian như công ty đăng ký và thanh toán các- bon quốc gia hay Sở Giao dịch Môi trường Thượng Hải được giao nhiệm vụ quản lý các nền tảng kỹ thuật và thực hiện giám sát giao dịch theo thời gian thực.

Để kiểm soát rủi ro, đảm bảo tính minh bạch, thị trường ETS Trung Quốc áp dụng loạt biện pháp quản lý rủi ro như giới hạn biên độ giá hàng ngày, giới hạn khối lượng giao dịch, cơ chế báo cáo vị thế doanh nghiệp, hệ thống cảnh báo rủi ro và quỹ dự phòng rủi ro. Các hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội gián đều bị giám sát, xử lý nghiêm minh và cập nhật vào hệ thống tín dụng xã hội quốc gia.

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu công khai đầy đủ thông tin liên quan đến tuân thủ, kết quả thanh tra và tình trạng phát thải của các doanh nghiệp. Điều này giúp củng cố niềm tin thị trường và nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên tham gia.

Công tác tập huấn cho cán bộ chính quyền địa phương, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Ảnh: UNOP/ETP/Bộ NN&MT tập huấn cho doanh nghiệp điện và xi măng trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính

Công tác tập huấn cho cán bộ chính quyền địa phương, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Ảnh: UNOP/ETP/Bộ NN&MT tập huấn cho doanh nghiệp điện và xi măng trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính

Xác định rằng thể chế mạnh phải đi đôi với năng lực thực thi, Trung Quốc đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức giám sát và kiểm định. Tỷ lệ tuân thủ trong chu kỳ đầu đạt 99,5% – cho thấy hiệu quả của công tác đào tạo và nâng cao nhận thức.

Bài học quản trị cho Việt Nam

Theo ông Michael Mehling từ kinh nghiệm của Anh và Hoa Kỳ để có thị trường các-bon minh bạch và bền vững, Việt Nam cần có cơ quan đầu mối rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể và phản ứng kịp thời trước các biến động.

Sàn giao dịch phải được kết nối đồng bộ giữa hệ thống đăng ký, sàn giao dịch và trung tâm thanh toán, bảo đảm tính minh bạch cho thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Ngoài ra, cơ chế giá trần- giá sàn phải theo quy tắc định sẵn nhằm giúp kiểm soát biến động và tạo sự ổn định cho nhà đầu tư. Đi cùng với đó là quy trình thanh toán tập trung và ký quỹ bắt buộc, góp phần phân tán rủi ro vỡ nợ và hạn chế đổ vỡ hệ thống…

Ông Mehling cảnh báo, nếu không phân định rõ ràng vai trò giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quá trình vận hành thị trường các-bon tại Việt Nam có thể gặp vướng mắc, đặc biệt trong khai thác và chia sẻ dữ liệu.

Ông khuyến nghị Việt Nam nên hợp nhất hệ thống đăng ký và lưu ký để tránh sai lệch dữ liệu; Thiết lập giới hạn nắm giữ tổng hợp, bao gồm cả các công ty liên quan.

Đồng thời, áp dụng sổ lệnh công khai theo thời gian thực, tăng tính minh bạch trong hình thành giá. Đặc biệt, cơ chế đấu giá nên có giá sàn gắn chỉ số giá trung bình và phát hành theo ngưỡng, thay vì giao dịch đàm phán riêng lẻ.

Ông khẳng định: “Phòng ngừa rủi ro bao giờ cũng ít tốn kém hơn xử lý khủng hoảng. Kinh nghiệm từ châu Âu cho thấy việc khắc phục sai lầm trong thiết kế ban đầu có thể kéo dài hàng thập kỷ. Việt Nam cần hành động từ đầu với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn”.

Bà Đặng Hồng Hạnh-Trưởng nhóm Tư vấn, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC)

Bà Đặng Hồng Hạnh-Trưởng nhóm Tư vấn, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC)

Chia sẻ kết quả đánh giá tác động ban đầu của mô hình vận hành đề xuất cho sàn giao dịch các-bon tại Việt Nam, bà Đặng Hồng Hạnh-Trưởng nhóm Tư vấn, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết: Hiện còn một số ‘khoảng trống pháp lý” trong dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các – bon trong nước cần tiếp tục hoàn thiện như quy trình phối hợp ra quyết định chung giữa các bộ, ngành, đặc biệt trong tình huống sự cố, xung đột dữ liệu hoặc rủi ro an ninh mạng; chưa có quy định rõ ràng liệu hạn ngạch được xem là tài sản tài chính, giấy phép hành chính hay công cụ môi trường.

Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hạch toán kế toán, kê khai thuế, xác định quyền sở hữu hay sử dụng hạn ngạch làm tài sản thế chấp”- bà Hạnh cho hay.

Về thanh khoản thị trường, hiện dự thảo chưa có cơ chế giao dịch khớp lệnh tự động, các quy định về đấu giá, giao dịch liên tục, hoặc công bố thông tin giá theo thời gian thực, đây là những yếu tố tối quan trọng để hình thành tín hiệu giá minh bạch.

Theo bà, nếu giao dịch chủ yếu qua hình thức OTC cùng với việc phân bổ hạn ngạch miễn phí, cho phép vay mượn của năm sau hay cho phép chuyển giao hạn ngạch sang năm sau có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng có sàn nhưng không có giao dịch như bài học từ Hàn Quốc.

Ngoài ra, dự thảo chưa quy định nghĩa vụ báo cáo sở hữu lớn, hay kiểm soát giao dịch bất thường, chưa yêu cầu công bố dữ liệu thị trường như xu hướng giá, khối lượng giao dịch, mức độ tuân thủ...

"Bài học từ California và EU cho thấy nguồn thu từ phí giao dịch và đấu giá có thể bù chi phí vận hành của sàn CTX giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời tái đầu tư tạo ra sự đồng thuận xã hội đối với chính sách khí hậu”- bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo bà Hạnh, dù nhiều đề xuất vượt ngoài khuôn khổ của dự thảo Nghị định hiện tại, nhưng nếu muốn thị trường các - bon Việt Nam vận hành hiệu quả, minh bạch, có thanh khoản và tính bền vững cao, chúng ta cần chủ động thiết kế nền tảng ngay từ bây giờ, không chỉ cho giai đoạn thí điểm mà hướng tới một thị trường thực sự phát triển sau năm 2028.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-liem-chinh-va-minh-bach-nen-tang-cho-thi-truong-cac-bon-hieu-qua-410988.html