Tình mẹ ở phố Hội
Hằng ngày, cứ đến bữa ăn, bà lại xách lồng cơm đi tìm đứa con trai 60 tuổi vì sợ con bị đói. Suốt hơn 60 năm qua, đó là công việc thường nhật của người mẹ ấy.
Tiếng gọi thắt lòng người
Nhiều du khách cả trong và ngoài nước thi thoảng đi trên phố cổ Hội An lại bị thu hút bởi tiếng gọi khác thường của bà cụ tóc bạc trắng đang lụi hụi chạy theo người đàn ông điên vang lên giữa phố cổ: “Tùng ơi! Đừng chạy nữa con. Ngoan, lại đây mẹ đút cơm cho ăn kẻo đói...”.
Nghe tiếng gọi quen thuộc, người đàn ông đang đi ngơ ngẩn bỗng dừng lại. Khi thấy người mẹ lọ mọ lại gần, trên tay bưng bát cơm đôi khi chỉ là con cá nhỏ, vài cọng rau muống, ánh mắt của đứa con tóc bạc nhìn chằm chằm vào bát cơm, chờ được mẹ đút cho ăn như một thứ phản xạ có điều kiện duy nhất của mình.
Khoảnh khắc người mẹ già khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn nhoẻn miệng cười, bón từng thìa cơm cho con bên bờ sông Hoài lay động nhiều người. Giữa giây phút ấy, người ta cảm nhận được tình cảm, sự hy sinh cao quý từ người mẹ dành cho đứa con tâm trí không lành lặn của mình. Người con trai ấy tóc đã điểm bạc nhưng vẫn giống như đứa trẻ bé bỏng, ngây ngô nhận từng thìa cơm trong vòng tay yêu thương của mẹ mỗi ngày. Người mẹ già chăm chút cho người con đã không còn trẻ hết sức ân cần và đầy yêu thương, khiến nhiều người xúc động.
Người đàn ông ngây ngô ấy tên Tùng (63 tuổi) sống cùng mẹ ở con hẻm Nguyễn Phúc Chu, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam. Mang trong mình chất độc da cam từ nhỏ nên thần trí của ông Tùng không được bình thường. Dù năm nay đã bước sang tuổi 63 nhưng tính tình của ông như một đứa trẻ lên ba. Ông rất thích chơi đùa với tụi con nít nhưng với bộ dạng của mình thì nhiều đứa trẻ cảm thấy sợ.
Với cái đầu trần, chân đất, tay lều khều, hàm răng sún gần hết và miệng lúc nào cũng nở nụ cười ngây ngô, hằng ngày ông Tùng lang thang khắp các nẻo đường phố cổ để “vui chơi”.
Còn người mẹ là bà Nguyễn Thị Quý. Ở tuổi ngoài 80, lẽ ra bà cũng đã an nhàn bên con cháu nhưng bà vẫn còn nuôi người con ấy như đứa trẻ lên ba. Vẫn đút từng thìa cơm, cho uống từng ngụm nước, vẫn bồng vẫn chăm và vẫn dọn dẹp vệ sinh cho đứa con có cái tên rất đẹp: Trần Thanh Tùng.
Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt già nua đầy vết chân chim và mái tóc đã bạc lúc nào cũng như dáo dác tìm con. Và, mỗi buổi trưa hay chiều tà, bà Quý đều mang cơm, đi tìm cho con ăn. Bà bảo, bà sinh được 8 người con. Ông Tùng là con thứ 5 trong gia đình. 7 người khác đã có gia đình ổn định, chỉ còn lại Tùng không may mắc bệnh nên đến nay vẫn ở với mẹ.
“Nhìn nó rứa chớ biết nghe lời lắm. Lại không phá phách chi hết, chỉ thấy ai có chi vui là hắn ghé lại ngó chơi rồi cười. Ở Hội An này hắn đi cùng hết, biết hắn bệnh nên ai cũng thương”, bà Quý cười xuề xòa khi giãi bày về người con trai của mình.
Tuổi già, mắt kém, tai nặng nhưng suốt mấy chục năm nay, bà Quý vẫn chăm sóc chu đáo cho đứa con tâm thần của mình. Và cứ thế, gần 60 năm qua, hình ảnh bà Quý tay xách làn cơm đi tìm con cho ăn đã quá quen thuộc với người dân phố cổ Hội An. “Có lần nó đi lạc xuống bãi biển Cửa Đại khiến tui phải đi kiếm cả đêm mới thấy nó đang nằm dưới đất vì đói. Hằng ngày, tôi đều nấu cơm rồi đi kiếm để đút cho con ăn kẻo sợ nó đói rồi nằm ở đâu đó thì đau lòng lắm!”, bà vừa đút cơm, vừa ôm con trai đã mấy chục tuổi vào lòng vỗ về.
Đôi mắt bà mờ đục bởi tháng năm chẳng còn nước mắt. Bà bảo, lâu rồi bà không còn khóc cho đứa con này nữa. Hình như trong tâm trí bà, mọi lúc và mọi điều chỉ luôn hướng đến đứa con ấy. Nhìn cảnh bà lão lầm lũi bên đứa con, ai cũng xót xa. Vậy mà hỏi bà nghĩ gì, lo gì nhất, bà thều thào trong nước mắt, bảo chỉ lo cho đứa con: “Sợ không có chi cho con ăn, rồi nó bỏ đi lung tung thì sẽ không ai đủ kiên nhẫn tìm nó về, ngoài tôi!”.
Những hôm bà đau ốm thì người con trai chẳng ai đút ăn, vệ sinh chẳng ai dọn dẹp, cứ lăn lê bên hiên nhà như cây cỏ. Bà thương con, thương hơn cả bản thân mình. Đó không chỉ là tình thương đơn thuần của một người mẹ, mà đó là sự hy sinh lớn lao không thể nào tả nổi với một đứa con không bình thường. Mà điều ấy, bà đã làm hơn nửa thế kỷ qua.
Cánh cò cõng nắng cùng mưa
Ngày trước, bà Quý làm nghề chèo đò trên sông Hoài, mỗi ngày cũng được vài chuyến đò đưa khách du lịch xuôi ngược dòng sông. Tiền công cũng được một vài trăm ngàn vào mùa nắng. Mùa mưa thì nghỉ hẳn. Nhưng rồi thời gian đổ lên lưng bà, sức khỏe bà yếu hẳn. Giờ ngày ngày bà mang đèn hoa đăng đi bán tại phố cổ Hội An. Tối, bà chọn một góc nhỏ bên gần trại bài chòi để bán. Bởi nơi đó buổi tối có hô hát bài chòi là con trai bà ra đứng ngóng để xem. Và bà có thể vừa bán vừa trông con.
Có những buổi trưa nắng gắt, người con vì mải chơi, nghe mẹ gọi nhưng không đứng lại. Bà thất thểu chạy theo bước con. Con vẫn còn khỏe, bà thì đã già. Có những lúc bà đuổi theo không kịp. Thế nhưng bà không bỏ đi, vẫn cứ lầm lũi bước theo con, quanh quẩn trên những con đường phố cổ.
Múa đôi tay chệnh choạng, ông Tùng vừa cười với mẹ, còn bà Quý vừa cười lại vừa ngơ ngác lắng nghe tiếng ú ớ của người con. Chốc chốc, hai mẹ con lại phá lên cười và người con ngây dại lại bi bô từng tiếng như trẻ lên ba. Cho con ăn xong, bà bảo con nằm xuống bên mình ngủ ngay dưới gốc cây bên hiên nhà giữa đường. Cái nắng gay gắt của trưa hè miền trung cứ hực lên quay quắt.
Và những lúc vắng người như thế, hai mẹ con lại ngồi thủ thỉ bên nhau. Có lẽ, vào những khoảng khắc ấy, tình mẫu tử khiến người con tâm thần thức dậy. Người mẹ già lại chăm con, xoa đầu con, vuốt ve đứa con bà rứt ruột sinh ra như hàng tỷ bà mẹ khác trong cuộc đời này.
Vì tình mẫu tử, dù nghèo khổ nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn sát bên con. Những đêm trời mưa rét, những lúc nắng cháy da, những vết thương khi đứa con trai không nhận thức được tự hành hạ, tự gây cho mình, bà vẫn nuốt nước mắt vào để xoa dịu cho con. Và cứ thế năm dài tháng rộng, sự chịu đựng chung sống với người con như vậy suốt gần 60 năm trời đều đặn từng ngày như thế. Hơn sáu mươi năm chăm con, bà vẫn như người mẹ chăm từng chút một như hồi con còn bé.
Những chiếc đèn hoa đăng giúp bà kiếm sống, nuôi con qua ngày và chưa hôm nào để người con bị đói. Phần lớn hàng xóm đều biết, thương, thường xuyên giúp đỡ hai mẹ con bà Quý. Bà chỉ lo, một ngày nào đó, sức bà yếu chẳng còn đi tìm con được nữa, chẳng còn đút cơm cho con ăn như bây giờ thì đứa con của bà sẽ đói. Bà cả đời chỉ biết làm được vậy cho con.
Chiều về, bà lão lại đi tìm con, lại nghẹn ngào nhìn người con mà mình vừa dỗ dành đút cơm ăn đang tiếp tục chạy lang thang khuất dần trong khu phố cổ. Ánh mắt của người mẹ cứ khắc khoải mỗi lần hướng ra phía người con đã ngoài 60 mà vẫn như đứa trẻ kia. Nếu có lúc nào đó bà thả đèn hoa đăng để gửi lời ước nguyện, người mẹ ấy nguyện ước điều gì? Chẳng ai biết!
Hơn 60 năm, một chặng đường của bà mẹ cùng đứa con điên. Vậy mà, bà chưa một ngày bỏ con, chưa một ngày thôi lo lắng cho đứa con trai tội nghiệp của mình. Và cũng chẳng biết người mẹ ấy còn gì để mà nguyện ước cho mình và đứa con trai ngây ngô như cỏ dại sau chừng ấy năm vẫn nói cười hệt như đứa trẻ.
Bà bảo giờ đứa con trai ngờ nghệch kia chỉ có bà để dựa thôi, mà bà thì không sống mãi để nuôi được. “Nó khùng điên chứ có biết gì đâu mà mình hông thương. Con có điên, có dại cũng là con mình, sao mà bà bỏ được”, bà bảo thế rồi lại lặng yên, bất lực dưới gốc cây lá đang rơi vàng với cái dáng ngồi bó gối.
Nhìn bà lúc ấy, mọi người cũng chẳng biết nói sao, chỉ thấy cảm giác nghèn nghẹn và nước mắt cũng bắt đầu chảy xuống. Bà đã ngoài 80 tuổi rồi, chỉ mong bà được một phút giây ngơi nghỉ để biết tuổi già thật sự đã đến. Nhưng, điều đó với bà khó lắm, bởi đứa con trai ngây ngô đang dạo bước thơ thẩn ngoài kia ngày ngày vẫn chờ bà đút cơm cho ăn.
Giờ bà đã ngoài 80 tuổi. Mai này, bà nằm xuống, biết làm sao?...
Ông Tạ Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Minh An (TP Hội An) cho biết: “Gia đình bà Quý là trường hợp đặc biệt tại địa phương. Con trai bà Quý là anh Tùng bị bệnh tâm thần. Trước đây địa phương cũng đã phối hợp cho đi điều trị. Nhưng gia đình xin về vì hoàn cảnh cũng khá khó khăn. Nhiều người dân và khách du lịch nhìn thấy hoàn cảnh của hai mẹ con nên ngỏ ý muốn giúp đỡ. Nhưng cho tiền thì hai mẹ con không lấy. Cứ mua bánh, mua sữa hay mua hoa đăng ủng hộ bà Quý là được”.
Được biết, hai mẹ con bà Quý vẫn được nhận những phần quà dành cho hộ nghèo. Hằng tháng, ông Tùng cũng nhận được trợ cấp 180.000đ dành cho người khuyết tật. Chừng ấy tiền không nhiều nhặn gì nhưng cũng giúp người mẹ bớt đi gánh lo cho đứa con trai mình.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/tinh-me-o-pho-hoi-600373/