Tính năng cảnh báo tài khoản nghi ngờ lừa đảo hoạt động ra sao?

Khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận trên ứng dụng, trước khi thực hiện giao dịch chuyển khoản, ngân hàng sẽ tự động đối chiếu với cơ sở dữ liệu do cơ quan chức năng cung cấp và cơ sở dữ liệu nội bộ.

Trước thực trạng các hình thức lừa đảo qua tài khoản ngân hàng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, việc chủ động kiểm tra, xác thực thông tin khi thực hiện giao dịch đang trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho người sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản ngân hàng có dấu hiệu bất thường trong hệ thống tài chính, một số ngân hàng lớn đã chính thức triển khai tính năng cảnh báo các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo nhằm góp phần phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đồng thời, dịch vụ cũng góp phần thực hiện mục tiêu làm sạch dữ liệu, nâng cao tính an toàn, minh bạch trong hoạt động thanh toán.

Agribank là ngân hàng mới nhất công bố triển khai tính năng phát hiện, cảnh báo tài khoản nghi ngờ, lừa đảo kể từ ngày 21/7.

Theo đó, khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận, trước khi thực hiện giao dịch chuyển khoản trong hệ thống Agribank hoặc dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 24/7, dịch vụ sẽ tự động đối chiếu với cơ sở dữ liệu do cơ quan chức năng cung cấp (Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước...) và cơ sở dữ liệu nội bộ.

Nếu hệ thống phát hiện tài khoản người nhận nằm trong danh sách nghi ngờ gian lận, lừa đảo, hệ thống lập tức hiển thị thông báo rằng tài khoản nhận có thể thuộc danh sách nghi ngờ rủi ro và cảnh báo khách hàng cân nhắc khi thực hiện giao dịch.

Dịch vụ được cung cấp miễn phí, thao tác đơn giản, nhanh chóng, giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra và chủ động đưa ra quyết định an toàn trong từng giao dịch.

Ảnh minh họa: Nam Khánh

Ảnh minh họa: Nam Khánh

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng nhận diện tài khoản lừa đảo khi chuyển tiền kể từ cuối tháng 6/2024.

Theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT MB, chỉ riêng trong tháng 7/2024, ngay khi tính năng này vừa đi vào triển khai, MB đã cảnh báo cho 2.700 khách hàng và sau khi nhận tin, có 1.500 khách chủ động dừng giao dịch.

BIDV là ngân hàng tiếp theo sau MB áp dụng hệ thống cảnh báo giao dịch nghi ngờ từ ngày 1/4/2025. Khi khách hàng nhập tài khoản người nhận trên ứng dụng, hệ thống sẽ dò quét và cảnh báo nếu đó là tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ. Trong một tháng thử nghiệm, đã có 40.000 giao dịch bị dừng lại, với tổng giá trị lên tới 160 tỷ đồng.

Vietcombank, VietinBank cũng triển khai thử nghiệm tính năng này từ 1/7/2025.

Như vậy, đến nay có 5 ngân hàng gồm MB, Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã triển khai hệ thống cảnh báo tự động.

Qua đó, khách hàng được cung cấp thông tin về mức độ an toàn của tài khoản thụ hưởng, từ đó có thể chủ động đưa ra quyết định có tiếp tục thực hiện giao dịch hay không.

Theo Vietcombank, khi khách hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền trên Mobile Banking, hệ thống sẽ tự động nhận diện và cảnh báo cho khách hàng nếu số tài khoản của người nhận tiền có các dấu hiệu sau: Thông tin người nhận không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tài khoản người nhận thuộc danh sách cảnh báo của cơ quan thẩm quyền; tài khoản người nhận thuộc danh sách nghi ngờ rủi ro (giao dịch lớn bất thường, nhận tiền từ nhiều tài khoản...).

Tương tự nhóm 5 ngân hàng lớn nêu trên, kể từ 1/7/2025, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng chính thức triển khai giải pháp bảo mật ứng dụng, tích hợp trực tiếp trên app TPBank.

Theo đó, trường hợp điện thoại của khách hàng có chứa phần mềm được cấp quyền trợ năng có thể bị kẻ gian lợi dụng, khách hàng sẽ nhận được thông báo yêu cầu tắt quyền trợ năng trong cài đặt chung.

Khi đó, khách hàng có thể lựa chọn xóa ứng dụng để đảm bảo an toàn hoặc tắt quyền trợ năng trong ứng dụng Cài đặt.

Trong trường hợp môi trường hoạt động của thiết bị không đảm bảo an toàn, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trên app với nội dung yêu cầu kiểm tra hoặc đăng nhập lại trên thiết bị an toàn, hoặc cảnh báo về việc ứng dụng đang chạy trong môi trường không an toàn.

Những giải pháp trên cho thấy nỗ lực của các ngân hàng và cơ quan chức năng trong việc tăng cường bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hình thức lừa đảo diễn ra ngày càng tinh vi phức tạp, ngân hàng khuyến cáo khách hàng hãy luôn nâng cao cảnh giác.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nang-canh-bao-tai-khoan-nghi-ngo-lua-dao-hoat-dong-ra-sao-2424536.html