Tính năng trên đồng hồ giúp tôi biết lúc nào mình bị 'cạn pin'

Không chỉ theo dõi những hoạt động và tập luyện trong ngày, tôi dần quen với việc đeo đồng hồ đi ngủ để biết được những thói quen không tốt đang ảnh hưởng tới sức khỏe.

 Samsung Galaxy Watch Ultra là một lựa chọn khá cân bằng về cả khả năng theo dõi tập luyện, chỉ số sức khỏe lẫn tính năng thông minh.

Samsung Galaxy Watch Ultra là một lựa chọn khá cân bằng về cả khả năng theo dõi tập luyện, chỉ số sức khỏe lẫn tính năng thông minh.

Vài năm qua, những chiếc smartwatch dần chiếm phần lớn thời gian trên cổ tay của tôi. Bên cạnh việc nhận thông báo hay điều khiển cơ bản với smartphone, các hãng sản xuất ngày càng nhấn mạnh vào các tính năng theo dõi thể thao. Ngoài các tính năng theo dõi được tối ưu riêng cho từng môn, các hãng cũng nghĩ ra những cách "cho điểm" để người dùng có thêm động lực tập luyện.

Tuy nhiên, khi sử dụng chiếc Galaxy Watch Ultra, tôi nhận thấy nỗ lực "đóng vòng tròn" mỗi ngày tập luyện, đi lại đầy đủ với chiếc smartwatch không phải là điểm số duy nhất mà tôi quan tâm. "Điểm năng lượng", hay Energy Score, mới là con số đầy đủ để khiến tôi biết đôi lúc mình đã bỏ bê sức khỏe trong ngày như thế nào.

"Huấn luyện viên giấc ngủ" trên cổ tay

Khi mới nhìn chiếc Samsung Galaxy Watch Ultra qua ảnh, tôi đã có ấn tượng về độ to của chiếc đồng hồ này. Dù đã từng dùng qua nhiều mẫu smartwatch đầu bảng của Samsung, Garmin, chiếc smartwatch cao cấp nhất của Samsung vẫn gây ấn tượng về kích thước và thiết kế.

Vẫn giữ phần mặt tròn như nhiều mẫu Galaxy Watch trước đây, Ultra được bổ sung thêm một phần viền hình vuông bên ngoài. Kết hợp giữa kích thước và cách phối màu đen và da cam, chiếc đồng hồ có vẻ ngoài hầm hố và nổi bật.

 Chiếc đồng hồ khá lớn nên không phải lúc nào cũng đem lại cảm giác thoải mái khi ngủ. Bù lại, những dữ liệu thu thập khá chi tiết, cho tôi biết những điểm mình cần cải thiện.

Chiếc đồng hồ khá lớn nên không phải lúc nào cũng đem lại cảm giác thoải mái khi ngủ. Bù lại, những dữ liệu thu thập khá chi tiết, cho tôi biết những điểm mình cần cải thiện.

Vẻ ngoài quá to khiến Watch Ultra dường như không phù hợp để đeo cả ngày, nhất là khi đi ngủ. Tuy vậy, tôi khá tò mò khi Samsung nói chiếc đồng hồ có thể phát hiện được chứng ngừng thở khi ngủ. Sau đó, khi xem ứng dụng Health trên điện thoại, tôi nhận thấy tính năng "huấn luyện giấc ngủ". Cả hai đều yêu cầu người dùng phải đeo đồng hồ khi ngủ đủ thời gian, ít nhất một tuần. Do đó, tôi quyết định "thử xem sao".

Ấn tượng ban đầu của tôi vẫn đúng phần nào. Chiếc đồng hồ to có thể gây vướng khi ngủ, nhất là khi nằm xoay sang trái, là bên đeo đồng hồ. Điểm cộng là trọng lượng, kể cả dây đeo, khoảng 92 gram, đủ để đeo thời gian dài mà không cảm thấy "nặng tay".

Một chút vướng, thiếu thoải mái khi đeo đồng hồ đi ngủ được bù đắp bằng lượng thông số khá chi tiết, hiển thị trên đồng hồ mỗi khi tôi thức dậy. Một trong những điểm tôi thấy khá thú vị là đồng hồ nhận ra được khi tôi cố "ngủ nướng", và sẽ điều chỉnh dựa theo thực tế. Ngoài thời gian ngủ, đồng hồ cũng có thể nhận biết các giai đoạn trong giấc ngủ, từ đó cho ra mức điểm đánh giá chung.

Bên cạnh đó, chiếc đồng hồ này cũng đo được nồng độ oxy trong máu, nhiệt độ trên da, nhịp tim và nhịp thở khi ngủ. Các chỉ số này đều được tính vào điểm giấc ngủ. Tôi đã giật mình khi nhận thấy trong thời gian đầu, giấc ngủ chỉ đạt mức điểm 60-70, tức là chất lượng kém.

 Không chỉ theo dõi tập luyện, chiếc đồng hồ còn thường xuyên nhắc nhở mỗi khi tôi ngồi và không vận động quá một giờ.

Không chỉ theo dõi tập luyện, chiếc đồng hồ còn thường xuyên nhắc nhở mỗi khi tôi ngồi và không vận động quá một giờ.

Sau một tuần đeo đồng hồ khi ngủ, ứng dụng của Samsung chọn ra con hươu để nhận xét về cách ngủ của tôi, với các đặc điểm là di chuyển nhiều và hay bị thức giấc khi ngủ, thiếu ngủ. Ứng dụng cũng chỉ ra tôi có thời gian ngủ khá ổn định, kể cả trong ngày làm việc hay cuối tuần. Từ các đặc điểm này, app cũng đưa ra những phương án để tôi dần cải thiện giấc ngủ.

Đây không phải lần đầu tôi sử dụng một chiếc đồng hồ thông minh để theo dõi giấc ngủ. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Samsung, từ việc nói nhiều đến tính năng theo dõi giấc ngủ khi ra mắt, tới sử dụng các con vật và đưa ra lời khuyên để "huấn luyện giấc ngủ" khiến tôi thích thú.

Nhắc nhở khi "cạn pin"

Giấc ngủ dù sao cũng chỉ là một phần trong số các chỉ số sức khỏe cần quan tâm. Khi đeo đồng hồ cả ngày, tôi cũng thường xuyên được nhắc nhở về Energy Score, như một cách để biết cơ thể còn bao nhiêu "pin".

Thiếu ngủ hay tập luyện quá sức không phải là những yếu tố duy nhất khiến cơ thể mệt mỏi. Dù làm văn phòng, đôi lúc tôi cũng thấy "đuối" khi không ngủ đủ giấc, ăn trưa không đủ, hay đơn giản là công việc quá căng thẳng. Các chỉ số cơ thể cũng có thể phản ánh tình trạng này.

 Điểm số năng lượng giúp người dùng nắm bắt nhanh về tình hình sức khỏe của mình.

Điểm số năng lượng giúp người dùng nắm bắt nhanh về tình hình sức khỏe của mình.

Với mẫu Watch Ultra, đồng hồ thu thập thông tin từ tập luyện, chất lượng giấc ngủ, nhịp tim và dao động nhịp tim khi ngủ để tính toán điểm số này. Giống như huấn luyện giấc ngủ, tôi cũng phải đeo đồng hồ trên 7 ngày để chiếc đồng hồ thu thập đủ dữ liệu, từ đó đưa ra điểm chính xác hơn.

Trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy mức Energy Score khá gần với những gì mình đang cảm nhận được. Nếu có một giấc ngủ đêm ngon và sáng dậy tỉnh táo, tôi có thể bắt đầu ngày mới với điểm số trên 80. Con số này cạn dần trong ngày, và một bài tập vào buổi chiều tối, khi điểm xuống còn dưới 40 thường khiến tôi không đạt được hiệu quả tối ưu.

Chiếc Watch Ultra cũng có nhiều điểm thiết kế tối ưu cho thể thao. Nút bấm Quick Button màu cam được chỉnh thành mở nhanh bài tập, giúp tôi tiết kiệm thời gian mỗi khi bước vào một trận tennis hoặc trước buổi chạy. Màn hình OLED lớn, hiển thị rõ cũng là ưu điểm nếu tôi muốn nhìn nhanh thông số khi đang tập.

 Nút bấm màu cam giúp tôi tiết kiệm thời gian khi cần theo dõi luyện tập. Tuy nhiên, việc thao tác chủ yếu vẫn ở màn hình cảm ứng có thể là điểm trừ khi luyện tập thời gian dài.

Nút bấm màu cam giúp tôi tiết kiệm thời gian khi cần theo dõi luyện tập. Tuy nhiên, việc thao tác chủ yếu vẫn ở màn hình cảm ứng có thể là điểm trừ khi luyện tập thời gian dài.

Việc được trang bị hệ thống Dual GPS cũng giúp đồng hồ thu thập vị trí rất nhanh, chỉ trong khoảng 10 giây, kể cả khi tôi chạy ở máy trong nhà. Samsung cũng tích hợp tính năng hướng dẫn tập luyện trong ứng dụng của mình, nhưng theo cảm nhận của tôi thì lịch chưa có phần hỏi chi tiết về tình trạng người tập, cũng như ít chương trình lựa chọn hơn so với ứng dụng của Garmin.

Nếu sử dụng cả ngày và khi đi ngủ, tập khoảng 30 phút mỗi ngày, Watch Ultra thường trụ được đến tối ngày thứ hai. Thời lượng sử dụng vẫn khá ngắn nếu so với những mẫu chuyên về thể thao, nhưng vẫn nổi bật so với các smartwatch chạy Android Wear, hoặc so với chính mẫu Galaxy Watch7, được Samsung ra mắt cùng thời điểm.

Với mức pin như vậy, Galaxy Watch Ultra có thể không phải sản phẩm tốt nhất cho người đam mê thể thao hoặc hoạt động ngoài trời. Dù vậy, ở tầm giá 17 triệu, có sẵn kết nối 4G và nhiều tính năng mới, tôi nhận thấy mẫu smartwatch này cân bằng khá tốt giữa theo dõi sức khỏe, luyện tập và các tính năng thông minh. Với người dùng điện thoại Samsung, sử dụng tính năng Samsung Wallet, đây cũng là lựa chọn tốt hơn hẳn.

Minh Khôi

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-nang-tren-dong-ho-giup-toi-biet-luc-nao-minh-bi-can-pin-post1492827.html