Tỉnh nghèo có nguy cơ trả lại hàng trăm tỷ vốn chương trình Mục tiêu Quốc gia
Tỉnh Bắc Kạn có nguy cơ phải 'trả' lại Trung ương hàng trăm tỉ đồng vốn sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi do không thể giải ngân trong năm nay. Nguyên nhân là do năng lực triển khai dự án của các địa phương còn nhiều hạn chế.
Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Bắc Kạn cần giải ngân trong năm nay là gần 300 tỉ đồng, bao gồm cả nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2022. Vậy nhưng đến thời điểm này, cơ quan điều phối nguồn vốn là Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, số tiền có nguy cơ phải trả lại Trung ương có thể lên đến gần 200 tỉ đồng.
Hạng mục có tỉ lệ giải ngân thấp và cũng chiếm số vốn lớn nhất thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân với tổng vốn chuyển tiếp từ 2022 và của 2023 là hơn 177 tỉ đồng. Ở các giai đoạn trước, dự án do lực lượng Kiểm lâm thực hiện, tuy nhiên theo quy định của Bộ NN&PTNT, ở giai đoạn này, Dự án phải giao cho cấp xã làm chủ đầu tư. Bất cập nảy sinh khi hầu hết các xã đều có diện tích rừng tự nhiên rất lớn, có khi lên đến vài nghìn ha do hàng trăm hộ dân quản lý, bảo vệ. Trong khi ở các xã, hiện chỉ có 1 công chức phụ trách nông lâm nghiệp nên không thể hoàn thành khối lượng công việc quá lớn, gồm lập hồ sơ dự án, đo vẽ thực địa, đánh giá hiện trạng, triển khai thủ tục giao khoán...
Ông Hoàng Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho hay: Theo chủ trương chung, các xã sẽ thuê đơn vị tư vấn thực hiện nhưng lại nảy sinh thêm các thủ tục về tổ chức đấu thầu qua mạng khiến nhiều xã còn lúng túng khi thực hiện.
“Các bước thủ tục, nội dung liên quan đến dự án thì địa phương chưa nắm rõ và khá mông lung. Cụ thể như lập hồ sơ thanh quyết toán liên quan đến dự án. Thứ hai là đấu thầu qua mạng, địa phương cũng chưa bao giờ thực hiện, rồi các thủ tục liên quan trên môi trường mạng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Nếu cứ phó mặc cho cơ quan tư vấn thì cũng rất lo có nhiều rủi ro liên quan đến quy định pháp luật về lĩnh vực đấu thầu”, ông Hoàng Văn Luận nói.
Hiện, cả tỉnh Bắc Kạn chỉ có 3 đơn vị tư vấn đủ điều kiện thực hiện đo đạc khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, trong khi các đơn vị ở tỉnh ngoài không mấy mặn mà bởi kinh phí dành cho công việc không nhiều mà khối lượng công việc lại rất lớn. Chính vì vậy, với hàng trăm nghìn ha rừng tự nhiên trên toàn tỉnh, các xã buộc phải chờ các đơn vị tư vấn triển khai lần lượt. Thêm vào đó, nhiều hộ dân không nhiệt tình tham gia với lý do mức chi trả khoán khoanh nuôi bảo vệ ở các xã khu vực 2, khu vực 3 quá thấp, trong khi trách nhiệm rất nặng nề. Đây cũng là lý do khiến đến hết tháng 9/2023, tỉ lệ giải ngân của Tiểu dự án này mới đạt chừng 2%.
Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm: “Vấn đề khó khăn nhất là hiện các xã không có đủ cán bộ chuyên môn. Lĩnh vực lâm nghiệp trước đây do lực lượng Kiểm lâm chủ trì triển khai và Kiểm lâm đã làm chủ đầu tư các dự án phát triển rừng giai đoạn trước. Nay theo Thông tư 12 của Bộ NN&PTNT giao cho xã làm chủ đầu tư dẫn tới nhiều vướng mắc phát sinh. Từ công tác lập kế hoạch, lấy nhu cầu từ cộng đồng, rồi rà soát thiết kế ngoại nghiệp, nội nghiệp… do không có chuyên môn nên rất khó khăn, nếu Kiểm lâm đảm nhận sẽ thuận lợi hơn. Mong cấp trên xem xét kiến nghị các bộ ngành nghiên cứu sửa Thông tư 12, giao lực lượng Kiểm lâm thực hiện sẽ hợp lý hơn”.
Với Tiểu dự án Hỗ trợ triển sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng hiện cũng khó thực hiện do vướng dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi vẫn có chiều hướng tiếp tục lan diện rộng. Do đó, 9 tháng đầu năm, Bắc Kạn mới chỉ giải ngân khoảng 5% trong số 120 tỉ đồng vốn của năm 2023. Ngoài ra, còn một số dự án vướng mắc trong thủ tục đầu tư, thiếu cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, nhất là tại các địa phương cấp xã.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã cơ bản hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương áp dụng, triển khai. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương có các giải pháp quyết liệt hơn trong đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
“Sau khi đã có hướng dẫn chi tiết của ngành tài chính và cơ quan chuyên môn, vướng ở đâu thì Văn phong điều phối Chương trình MTQG sẽ thành lập một đoàn nữa để đi kiểm tra, đôn đốc. Chúng tôi sẽ không đi kiểm tra đại trà, mà sẽ đến các đơn vị còn gặp khó khăn. Chỗ nào chưa gỡ được, chúng tôi tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các đơn vị chủ đầu tư dự án đôn đốc, hướng dẫn sát hơn nữa”, bà Triệu Thị Thu Phương cho hay.
Là một tỉnh nghèo, số thu ngân sách năm 2022 mới chỉ đạt hơn 800 tỉ đồng và tổng số vốn đầu tư hàng năm cho Bắc Kạn cũng không quá lớn, nên việc có hàng trăm tỉ đồng không thể giải ngân là điều đáng tiếc. Từ nay đến cuối năm, thời gian còn không nhiều nên Bắc Kạn cần có biện pháp thực sự quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để có thể giải ngân tối đa nguồn vốn được giao.