Tình Người tỏa sáng đất quê

Tròn 75 năm trước, ngày 4/3/1947, trên đường lên Chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã dừng chân...

Một góc thị trấn Tam Nông.(baophutho.vn) - Tròn 75 năm trước, ngày 4/3/1947, trên đường lên Chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã dừng chân, ở và làm việc 15 ngày tại xóm Đồi, xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân), huyện Tam Nông. Được đón tiếp, bảo vệ an toàn cho Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ là niềm vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ nói chung, nhân dân Tam Nông nói riêng. Trải qua hơn 3/4 thế kỷ, khắc ghi tình cảm, những lời dạy bảo ân tình của Bác, niềm tự hào này vẫn vẹn nguyên, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tam Nông nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như tâm nguyện của Người lúc sinh thời…
Ngược dòng lịch sử, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Việt Nam hưởng độc lập, tự do chưa được bao lâu thì Thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cả dân tộc đã đoàn kết một lòng theo Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch bền gan kháng chiến. Sáng 4/3/1947, trên đường lên Chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến, xe đưa Bác cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây cũ) lên đồn điền Ba Triệu, xóm Ghềnh ở tại nhà cụ Nguyễn Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ, là bố đẻ của đồng chí Nguyễn Trung - Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Để giữ bí mật, gia đình cụ Liên đã đến ở nhờ nhà khác, nhường toàn bộ ngôi nhà cho khách. Bác ăn, nghỉ và làm việc ở gian trái nhà kho, kề bên nhà chính, còn các đồng chí cùng đi thì ăn, nghỉ và làm việc ở nhà trên. Tuy đi đường mệt nhưng Bác chỉ nghỉ một lúc rồi bắt tay vào làm việc ngay.Tối 4/3, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi cách xóm Ghềnh khoảng 2km. Xóm Đồi thưa nhà, vườn cây rậm, khuất nẻo. Chủ nhà là ông Hoàng Văn Nguyện, là bố vợ của đồng chí Đỗ Văn Mô - Bí thư Huyện ủy kiêm Phó Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Ngôi nhà lợp lá cọ 5 gian, nền cao, vườn rộng, có nhiều cây cổ thụ và lối vào kín đáo.Trong thời gian ở đây, với bí danh là “Xuân”, Bác đã nghiên cứu, họp bàn, giải quyết rất nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Ngoài những lúc trao đổi công việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng,… Người còn dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam, nghiên cứu phương pháp chống giặc ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc và hoàn thiện bản dịch cuốn “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” của Mác, Ăng Ghen. Bác tự mình sửa chữa, hoàn chỉnh nhiều văn bản được chuẩn bị trên đường đi, tự soạn thảo đánh máy nhiều tài liệu. Cũng tại nơi đây, Bác đã cho công bố một số tài liệu như: 10 vấn đề cần thiết cho kháng chiến; một số bức thư gửi đồng bào hậu phương nhắc mọi người giúp đỡ đồng bào tản cư, thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp nêu rõ lập trường kháng chiến của nhân dân ta, thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, thư gửi đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công Hà Nội, ký Sắc lệnh số 298 về việc lập Ngoại thương cục...Do phải giữ bí mật nên không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ và nhân dân địa phương, nhưng thông qua báo cáo của đội vũ trang tuyên truyền, Bác hiểu rất rõ tình hình mọi mặt trong xã. Bác đã cử các đồng chí cán bộ Văn phòng Trung ương vừa giúp việc, vừa làm công tác dân vận, đến từng xóm gặp các đoàn thể nói chuyện, giải thích đường lối kháng chiến của Đảng, mở lớp dạy học cho một số bà con chưa biết chữ… Đặc biệt, tại nơi đây, Bác đã đặt tên cho các đồng chí giúp việc cho Bác là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Những tên gọi khẳng định niềm tin, đường lối kháng chiến của Đảng ta và nhân dân ta chống Thực dân Pháp xâm lược.Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác và các cơ quan Trung ương, Ban bảo vệ đã bố trí một Trung đội bộ đội chủ lực do Anh hùng Nguyễn Quốc Trị làm Trung đội trưởng. Trung đội này vừa làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài vừa phối hợp với dân quân địa phương phòng gian bảo mật. Tối 18/3/1947, sau khi họp Hội đồng Chính phủ, Bác và một số cán bộ cùng đoàn di chuyển đến địa điểm mới thuộc xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao (nay là thành phố Việt Trì). Địa điểm nơi Bác Hồ về ở và làm việc tại xóm Đồi, xã Vạn Xuân, hiện nay đã được huyện và xã quy hoạch thành khu di tích rộng gần 2ha, được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1995.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.Truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, yêu nước, kiên cường bất khuất trước các thế lực ngoại xâm hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của người dân Tam Nông cộng hưởng cùng niềm vinh dự, tự hào được Hồ Chủ tịch tin tưởng chọn làm điểm dừng chân làm việc đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ với những việc làm cụ thể, thiết thực bảo vệ, xây dựng quê hương. Trong các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, các địa phương trong huyện đã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; hàng vạn thanh niên ưu tú đã xung phong lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại khắp các mặt trận, nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại một phần xương máu nơi chiến trường, góp sức cùng dân tộc làm nên những chiến thắng vẻ vang, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền dân tộc. Quyết tâm xây dựng quê hương Tam Nông giàu đẹp, xứng đáng với tình cảm, niềm tin của Bác, trong suốt 75 năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy cao độ truyền thống Anh hùng cách mạng, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, đổi mới, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ một huyện nghèo, thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay, Tam Nông đã vươn mình trong diện mạo mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp đầu của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhiều năm liền, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong huyện được tỉnh Phú Thọ công nhận là Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. Đảng bộ huyện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019 và được Ban Tuyên giáo Trung ương vinh danh nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt năm 2019, Đảng bộ huyện Tam Nông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất”…

Chế biến gỗ bóc, một trong những hoạt động phát triển kinh tế hiệu quả của người dân xã Vạn Xuân hiện nay. Ảnh: Đức HoàngNăm vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Tam Nông vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, 13/13 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu đạt cao như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 2.530 tỉ đồng, vượt 10% so với kế hoạch, tăng 32% so với năm 2020; toàn huyện có thêm 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, vượt 5 xã so với kế hoạch, đến nay 11/11 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng cao; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%; các hoạt động văn hóa xã hội có nhiều đổi mới; quốc phòng, an ninh được giữ vững; nhiều tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ được đầu tư nâng cấp; các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, vùng sản xuất quy mô lớn được khởi công, đã và đang đi vào hoạt động góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn. Những thành tựu này là tiền đề vững chắc, động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Nông vững bước trên hành trình xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vào năm 2024.

Vương Đức Thủy - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Nông

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202203/tinh-nguoi-toa-sang-dat-que-183051