Tình người trong nguy khó
Bão số 3 đi qua để lại 22 người chết và mất tích, 229 người bị thương - tính đến khuya 8-9 - cùng những thiệt hại khó đong đếm, trong khi lũ quét, sạt lở đang tiếp diễn, khó khăn chồng chất…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến khuya 8-9, bão số 3 và lũ cuốn, sạt lở đất đã khiến 22 người chết và mất tích, 229 người bị thương. Trong 22 người chết và mất tích, nhiều nhất là tỉnh Lào Cai (6 người), Quảng Ninh (5 người), Hòa Bình (4 người)... 229 người bị thương tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh (157 người) và Hải Phòng (40 người).
Quảng Ninh tan hoang
Thời gian hoàn lưu bão kéo dài với gió giật rất mạnh đã làm hàng ngàn nhà ở, công trình, trường học bị sập, tốc mái, hư hỏng; hàng chục ngàn cây xanh trên các tuyến phố bật gốc, gãy đổ. Nhiều trụ điện, đường dây điện bị bão quật ngã, đứt đã làm mất điện trên diện rộng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội.
Bão số 3 cũng khiến hơn 110.000 ha lúa, rau màu, cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, thiệt hại nặng nề, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Quảng Ninh là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong cơn bão số 3. Ngoài thiệt hại về người, tỉnh này thống kê sơ bộ bước đầu từ các địa phương thì có 2.083 nhà bị tốc mái, vỡ kính; hàng chục tàu du lịch, tàu cá, tàu vận tải bị chìm; 70% cây xanh ở Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên bị gãy, đổ…
Ngày 8-9, ghi nhận tại cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cho thấy có 23 tàu du lịch bị chìm.
Là một trong những chủ tàu thiệt hại nhiều nhất, ông Nguyễn Đình Trọng cho biết mặc dù trước đó đã chằng néo các tàu với nhau rất cẩn thận để giảm thiệt hại nhưng cơn bão số 3 quá mạnh. "Tôi có 6 tàu bị chìm, ước tính thiệt hại mỗi chiếc khoảng 2 tỉ đồng. Riêng việc trục vớt đã phải chi mỗi chiếc 100 triệu đồng, chưa tính tiền sửa chữa. Để tàu hoạt động lại được cũng phải mất một tháng" - ông xót xa. Theo ông, việc khó khăn nhất lúc này là tìm vớt các loại giấy tờ quan trọng của tàu và thuyền viên.
Trước những thiệt hại nặng nề của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã yêu cầu cả hệ thống chính trị dốc toàn lực nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và khắc phục hậu quả bão số 3. Trong, đó ưu tiên các lĩnh vực: giao thông, điện nước, viễn thông, môi trường.
Hà Nội ngổn ngang
Tại Hà Nội, bão số 3 đi qua đã để lại hiện trường ngổn ngang chưa từng thấy. Sáng 8-9, khắp thành phố hầu như đường phố nào cũng có cây xanh đổ, gãy. Theo thống kê sơ bộ, hơn 14.600 cây xanh ở thủ đô bị bão quật ngã, đổ; trong đó có rất nhiều cổ thụ ở các quận nội thành. Hà Nội có 3 người chết, 8 người bị thương do ảnh hưởng của bão số 3.
Cùng ngày, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão số 3. Bà Hoài yêu cầu các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị nắm bắt tình hình từng địa bàn dân cư; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do bão; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm khi cần thiết, không để ai bị đói, thiếu thốn thuốc men…
Hành động đẹp trong bão dữ
Bão số 3 đổ bộ khu vực Bắc Bộ với gió giật kinh hoàng đã khiến hàng chục ngàn cây xanh bị giật đổ, nhiều căn nhà bị tốc mái, nhiều gia đình không nơi trú ẩn. Nhiều hành động đẹp, ấm tình người đã xuất hiện...
Nhiều người dân thủ đô đã đăng lên mạng xã hội bày tỏ sẵn lòng hỗ trợ, cung cấp chỗ ở cho người gặp khó khăn. Điển hình, gia đình chị Phương Anh (ngụ quận Thanh Xuân) thông tin đã sẵn sàng cung cấp chỗ trú cho khoảng 40 người lao động và vô gia cư tại số 47 Nguyễn Tuân.
Ngoài chỗ ở, các nhà hảo tâm - bao gồm cá nhân và các cơ sở kinh doanh - còn chuẩn bị sẵn đồ ăn và các phương tiện sinh hoạt cơ bản cho những người bị ảnh hưởng sau bão.
Ngay sau khi bão số 3 vừa đi qua, lực lượng đoàn viên thanh niên thủ đô Hà Nội đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường; thăm hỏi người già neo đơn; hỗ trợ người dân sửa sang nhà cửa, ruộng đồng; hỗ trợ và bảo đảm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.
Tại đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, khách sạn CoTo View cũng mở rộng cửa mời người dân vào ở miễn phí với 13 phòng nghỉ. Đó là các hộ dân, người lao động có nhà không kiên cố hoặc thuê phòng trọ sinh sống trên đảo. Với một số người sức khỏe kém, chủ khách sạn này cùng nhân viên còn phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi để đón...
Báo Người Lao Động kêu gọi quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiên tai
Bão số 3 (Yagi) với sức gió mạnh chưa từng thấy đã tàn phá nhiều tỉnh, thành ở Bắc Bộ. Tính đến khuya 8-9, ít nhất 22 người đã thiệt mạng và mất tích; thiệt hại về tài sản cực lớn, hiện chưa thống kê hết.
Sau bão, mưa lớn và sạt lở đất tiếp tục uy hiếp đời sống người dân nơi đây. Có rất nhiều trường hợp lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay sau bão; nhiều hoàn cảnh hết sức thương tâm khi người thân gặp nạn...
Với tinh thần tương thân tương ái, Báo Người Lao Động kêu gọi bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chung tay giúp đỡ nhằm tiếp sức đồng bào các tỉnh, thành phía Bắc gượng dậy sau thiên tai. Báo Người Lao Động sẵn sàng làm cầu nối tiếp nhận tiền và vật phẩm ủng hộ người dân chịu thiệt hại bởi bão số 3, qua các kênh sau:
- Báo Người Lao Động, số tài khoản: 117000004884, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM. Nội dung: Ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiên tai.
- Trụ sở Báo Người Lao Động tại số 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Điện thoại đường dây nóng: 0903.343439.
- Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Bắc, tại số 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.9274484.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tinh-nguoi-trong-nguy-kho-196240908215116741.htm