Tình nguyện viên SEA Games 31: 'Có phải đi bao xa, chúng tôi cũng thấy tự hào chứ không hề mệt mỏi'
Những ngày SEA Games 31 diễn ra, luôn có các tình nguyện viên luôn xuất hiện. Trong lồng ngực những người trẻ luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp một phần sức trẻ của mình, cùng nước nhà tổ chức một kì đại hội thành công.
Xin ba mẹ vượt hơn 1000 km làm tình nguyện viên cho SEA Games
Lý Thường Kiệt (24 tuổi) - chàng sinh viên năm cuối, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM) đã vượt hàng nghìn km đến Hà Nội tham gia tình nguyện hỗ trợ. Tại Cung thể thao Quần Ngựa (quận Ba Đình, Hà Nội), Kiệt quản lý khoảng 200 sinh viên tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ cho SEA Games lần này.
Ra Hà Nội tham gia tình nguyện Festival thanh niên Đông Nam Á và SEA Games từ ngày 7/5 cho đến nay, suốt những ngày qua là chuỗi ngày đáng nhớ với Kiệt cũng như hơn 3.000 tình nguyện viên khác.
Trong những ngày diễn ra các môn thi đấu, mỗi khi có vận động viên bước vào tranh tài, nhóm sinh viên tình nguyện hòa mình trong dòng người cổ động khiến không khí nơi đây thêm náo nhiệt, sôi động. Kết thúc ngày thi đấu, tất cả nhóm thanh niên tình nguyện của Kiệt lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh.
"Được đồng hành cùng ban tổ chức, chứng kiến các nước cùng đến Việt Nam tham dự SEA Games điều đó khiến tôi cảm thấy rất tuyệt vời. Càng hạnh phúc hơn khi tôi là một trong những tình nguyện viên được ra Hà Nội hòa chung không khí SEA Games 31 lần này", Kiệt chia sẻ.
Chàng trai 24 tuổi cho biết, công việc mỗi ngày của các tình nguyện viên đó là hướng dẫn khán giả vào từng vị trí trong nhà thi đấu, sắp xếp ghế ngồi, dọn dẹp vệ sinh và cổ vũ cho các vận động viên. Để có mặt tại Hà Nội những ngày này, Kiệt cũng như mọi người đã cố gắng sắp xếp lịch thi, lịch học để nhiệt tình tham gia hoạt động tại các khu vực được Thành đoàn giao phó.
"Có được vinh dự tham gia tình nguyện lần này với tôi đó là một cảm xúc không bao giờ quên. Tại đây được xem các vận động viên thi đấu, được hòa nhịp vào dòng người cổ vũ mong sao đoàn thể thao Việt Nam đoạt được nhiều huy chương vàng là niềm hạnh phúc lớn.
Ấn tượng với tôi nữa là người nước ngoài họ cảm thấy rất yêu quý con người Việt Nam. Họ cảm nhận được tình yêu, sự mến khách của người Việt Nam khi họ được giúp đỡ nhiệt tình", Kiệt chia sẻ.
Kiệt chia sẻ, để có mặt tại Hà Nội, nam sinh này đã phải quyết tâm thuyết phục ba mẹ. Thay vì nhắc đến những khó khăn về khoảng cách địa lý, chàng trai 24 tuổi đã nhận được sự ủng hộ từ gia đình bằng chia sẻ chân thành "con đi để góp phần vào nhiệm vụ chung cũng như hòa mình vào không khí thể thao".
"Ngày nào ba mẹ cũng goi điện hỏi thăm ăn uống có đầy đủ không? làm việc như thế nào? Ba mẹ lúc nào cũng mong con sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về.
Lần này trải nghiệm tôi thấy người Hà Nội rất yêu thương, chan hòa. Khi biết mình là tình nguyện viên các bác giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Người hỗ trợ chi phí tiền phòng trọ, người tặng đồ nhu yếu phẩm còn không quên hỏi có thiếu gì không khiến tôi thêm ấm lòng", Kiệt xúc động.
Hạnh phúc vì chúng tôi được góp sức cho nước nhà
Cung thể thao Quần Ngựa những ngày này cũng là kỉ niệm khó quên đối với nữ sinh Nguyễn Thị Bích Trâm (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân). Được góp sức cho SEA Games diễn ra ở đất nước mình khiến Bích Trâm cảm thấy rất vinh dự bởi Trâm là một trong số ít những sinh viên may mắn được lựa chọn tham gia hỗ trợ công tác tình nguyện cho Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này.
"Được góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của SEA Games 31 là điều em vô cùng hạnh phúc. Công việc tình nguyện viên cũng giúp em có thêm nhiều trải nghiệm quý báu trong quá trình học tập và làm việc sau này.
Được tham gia lần này là kỷ niệm đẹp của sinh viên Việt Nam đến bạn bè thế giới. Vừa qua em vinh dự cầm biển cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Festival thanh niên Đông Nam Á. Sau đó, em tham gia điều phối làn ra vào SEA Games, dọn vệ sinh cùng mọi người.
Tuy tham gia công việc tình nguyện viên với em còn đôi chút khó khăn khi ban đầu chưa quen nhưng được mọi người hỗ trợ nhiệt tình nên em bắt nhịp nhanh", Trâm nói.
Theo Trâm, các tiết mục của vận động viên thi đấu mang lại cho mọi người như cô rất nhiều cảm xúc. Nữ sinh cho rằng thi đấu thể thao đỉnh cao rất khắc nghiệt, để có được những phần thi tốt, đoạt huy chương, các VĐV đã phải trải qua khoảng thời gian luyện tập rất nhiều, đánh đổi nhiều mồ hôi, công sức.
"Được tham gia tình nguyện viên lần này rất ý nghĩa với bản thân em. Được tiếp xúc với nhiều bạn bè, đóng góp vào thành công của SEA Games 31, em nghĩ ai cũng sẽ cảm thấy thế.
Gia đình em cũng rất ủng hộ công việc em đang làm vì đây là hoạt động ngoại khóa rất bổ ích cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt những người trẻ như em", Trâm nói thêm.
Cùng tâm trạng phấn khởi như vậy, Phạm Thị Hiền (21 tuổi, sinh viên năm 3, Trường Đại học Tài chính – Marketing TP.HCM) cho biết, kỳ SEA Games lần này là trải nghiệm không thể nào quên được với cô. Tại Hà Nội, Hiền được phân công nhiệm vụ tại phụ trách khoảng gần 200 tình nguyện viên tại nhà thi đấu quận Hà Đông.
"Khi em nhận được thông báo là một trong số rất ít sinh viên TP.HCM ra Hà Nội tình nguyện hỗ trợ cho SEA Games em đã rất vui và hào hứng.
Những ngày có mặt tại đây được tiếp xúc, hỗ trợ khách nước ngoài, điều phối các bạn tham gia nhiệm vụ, hướng dẫn người dân lên khán đài giúp em học hỏi thêm nhiều kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống đặc biệt kỹ năng về ngoại ngữ.
Ngày khai mạc SEA Games tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, em nhớ kỷ niệm có nam du khách nước ngoài điện thoại bị hết pin. Trong tình huống đó anh ấy cũng không biết phải làm thế nào, không thể liên hệ được với bạn đi cùng.
Em và mọi người nhanh chóng hỗ trợ mượn sạc dự phòng để anh ấy sạc pin. Sau đó, du khách đã rất xúc động gửi lời cảm ơn bởi sự mến khách, thân thiện của con người Việt Nam", Hiền nhớ lại.
Những ngày ở Hà Nội, tuy xa quê hơn 1.000 km nhưng Hiền cảm nhận rõ sự gần gũi và thân thiện của mọi người. Gia đình nữ sinh này cũng rất ủng hộ con gái tham gia tình nguyện viên trong đợt SEA Games lần này.
"Khi đặt chân đến Thủ đô em rất vui. Mọi người rất ngạc nhiên khi biết em ở trong TP.HCM ra ngoài này và rất thiện", Hiền chia sẻ.