Tình nguyện viên trẻ đến từ trời Âu
Từ trời Âu xa xôi, những tình nguyện viên trẻ người Đức đã vượt gần chục nghìn cây số để đến Việt Nam tham gia giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em tại một số trường học trong tỉnh.
Như mối lương duyên
Cô gái trẻ Mascha Renate Friedemann hiện là tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại Trường THCS thị trấn Bát Xát (Bát Xát). Với khuôn mặt dịu dàng, đôi mắt sáng và đặc biệt là nụ cười thường trực trên môi, Mascha khiến người đối diện cảm thấy thân thiện, ấm áp. Cùng Mascha đi qua mấy dãy lớp học để chuẩn bị vào giờ dạy mới, tôi thấy được sự yêu quý của các em học sinh nơi đây dành cho cô giáo trẻ. Các em luôn miệng chào: “Hello Mascha teacher” rồi vẫy tay rối rít. Cô giáo Mascha cũng đáp lại bằng những cử chỉ thân tình, gần gũi.
Hôm nay, lớp 7A2 sẽ học phần từ mới của bài. Cùng với cô giáo Hoàng Thùy Dương, giáo viên dạy tiếng Anh của trường trực tiếp đứng lớp, Mascha tham gia với vai trò là trợ giảng giúp giáo viên luyện kỹ năng nghe, nói cho học sinh. Tiết học diễn ra sôi nổi, đầy thú vị.
Mascha năm nay 20 tuổi. Cô sinh ra trong gia đình có truyền thống làm việc trong ngành giáo dục. Chị gái của Mascha là giáo viên đang giảng dạy tại Đức. Bố mẹ cô cách đây 3 năm cũng chuyển đến giảng dạy trong một trường học dạy tiếng Đức tại Singapore. Lớn lên trong một gia đình như vậy nên Mascha rất yêu trẻ con. Cô có thể nói chuyện, vui đùa với trẻ cả ngày không chán. Khi biết có chương trình tình nguyện dạy tiếng Anh tại một số quốc gia đang phát triển, Mascha đã tình nguyện tham gia.
Việt Nam khá thân thiết với Mascha bởi tại Berlin, nơi cô sinh sống cũng có cộng đồng người Việt (từ bé, cô đã được học với bạn bè gốc Việt, được ăn các món ăn Việt và đi chợ người Việt). Dù trong chương trình tình nguyện có rất nhiều địa chỉ được các nhà tổ chức gợi mở, nhưng Mascha vẫn chọn Việt Nam.
Cũng đến từ nước Đức xa xôi, chàng trai trẻ Ben Patzina hiện là tình nguyện viên tại Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai). Với mong muốn được trải nghiệm ở các quốc gia khác để có thêm những kinh nghiệm cho riêng mình, sau khi tốt nghiệp THPT, Ben đã đăng ký đi dạy học tình nguyện. Ban đầu, chàng trai chọn nơi dừng chân là Pê-ru, nhưng bố mẹ Ben không đồng ý vì cho rằng ở đó tình hình trị an chưa tốt. Khi Ben nói sẽ đến Việt Nam, bố mẹ của chàng trai 19 tuổi đồng ý ngay và không quên nói với con: Đó là một đất nước tươi đẹp. Nơi đó sẽ cho con những trải nghiệm đáng quý, con cần làm việc hết mình.
Ben bảo, quê hương anh cũng là một tỉnh miền núi, biên giới như Lào Cai nên khi được phân công đến Việt Nam, Ben đã chọn Lào Cai chứ không phải các tỉnh miền xuôi hay thành phố lớn. Khi giảng dạy tại Trường THCS Lý Tự Trọng, được các em học sinh thân thiện gọi “teacher Ben”, anh thấy rất hạnh phúc.
Được trải nghiệm và chung tay
Tan giờ hoạt động ở trường, cuối buổi chiều, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, “teacher Ben” lại đi chợ mua thức ăn về nấu bữa tối. Ben được bố trí ở tại Trung tâm GELL thuộc phường Bắc Cường nên từ đó vòng qua chợ Kim Tân cũng tiện. Mặc dù mới tập và thi bằng lái xe máy trước khi sang Việt Nam, nhưng Ben lái xe rất chắc chắn.
Chiếc xe máy của Ben đỗ xịch trước cửa hàng rau, mấy chị bán hàng đon đả mời chào. Ben chào họ bằng tiếng Việt, rồi nhanh chóng lấy điện thoại, nói vào phần mềm dịch mấy câu bằng tiếng Anh, sau đó đưa cho chị bán hàng. Chị bán hàng xem chừng đã rất quen với những vị khách đến từ phương xa, nên khi nhìn thấy dòng chữ tiếng Việt trên máy điện thoại, dù ở cửa hàng không có cũng gọi với qua mấy hàng bên cạnh để tìm đồ mà Ben cần. Ben chia sẻ: Ở Đức, tôi rất ít khi đi chợ và làm việc nhà, bởi có mẹ và chị gái. Sang Việt Nam, được tự phục vụ, thấy rất vui, có thêm nhiều kỹ năng. Đặc biệt, đi chợ ở đây rất thú vị, mọi người thân thiện và yêu quý những người đến từ nước ngoài như tôi.
Cùng với mong muốn tự rèn kỹ năng phục vụ bản thân, Ben còn muốn qua hoạt động tình nguyện sẽ được đến quốc gia mới, được tìm hiểu về đất nước và con người nơi mình làm việc. Chàng trai đề ra mục tiêu, vào những dịp nghỉ lễ, cuối tuần hay khi nào có điều kiện, anh sẽ đi nhiều nơi của Lào Cai và Việt Nam để tìm hiểu về phong tục, bản sắc văn hóa các cộng đồng dân tộc. Biết được mong muốn của thầy giáo trẻ, cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai) trao đổi với các thầy cô trong trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm; hỗ trợ trong nhiều hoạt động để tình nguyện viên thuận lợi hơn trong công việc.
Ngoài mong muốn được tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân, cô gái trẻ Mascha còn mong được nối rộng vòng tay đoàn kết của bạn bè quốc tế, được chung tay “phủ sóng” tiếng Anh (ngôn ngữ quốc tế) đến khắp mọi nơi. Cô giáo Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Bát Xát cho biết: Mascha luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm và cầu thị cao. Việc học tiếng Anh với người nước ngoài giúp các em học sinh tăng cường khả năng nghe, nói, vốn từ vựng, ngữ pháp, cũng như phong cách giao tiếp. Ngoài việc lên lớp trợ giảng cho học sinh, Mascha còn hỗ trợ rèn kỹ năng nói tiếng Anh cho các thầy cô của trường và học tiếng Việt từ các thầy cô. Đây là mối giao lưu, học hỏi rất hữu ích.
Không chỉ có Ben Patzina và Mascha Renate Friedemann, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn có 18 tình nguyện viên khác đến từ Đức hiện đang làm công tác hỗ trợ dạy tiếng Anh tại các trường học. Chương trình này được thực hiện theo khoản viện trợ phi dự án về giáo dục do Tổ chức Volunteers For Peace (viết tắt là VFP) cung cấp. Với tinh thần quốc tế, Tổ chức Volunteers For Peace mong muốn thông qua chương trình sẽ góp sức chung tay thúc đẩy việc học ngôn ngữ quốc tế tại các nước đang phát triển.
Tổ chức Volunteers For Peace đã thực hiện dự án giáo dục tại Lào Cai nhiều năm nay. Gần đây nhất, cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức đã tiếp tục triển khai khoản viện trợ phi dự án mang tên Tình nguyện viên quốc tế hỗ trợ học sinh học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục tỉnh Lào Cai năm học 2022 - 2023. Tham gia dự án, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ học sinh học ngoại ngữ tại 17 trường học thuộc địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng và thị xã Sa Pa. Thời gian thực hiện là 1 năm, từ ngày 30/9/2022 đến tháng 9/2023.
Chịu trách nhiệm chung trong công tác quản lý và điều phối hoạt động của các tình nguyện viên tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, nơi được tiếp nhận tình nguyện viên chủ động bố trí nơi ở, sắp xếp thời gian làm việc và phương tiện đi lại cũng như cân đối vốn đối ứng để hỗ trợ tình nguyện viên...
Vượt ra ngoài khuôn khổ một quốc gia, dân tộc khắc phục mọi khó khăn về thói quen sinh hoạt, điều kiện thời tiết, điều kiện sống và cả nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, các tình nguyện viên người nước ngoài đến Việt Nam với tinh thần quốc tế, sự chung tay, trách nhiệm vì một thế giới ngày càng phát triển.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362555-tinh-nguyen-vien-tre-den-tu-troi-au