Tình quân dân ở tuyến biển Cần Giờ
Bằng nhiều hình thức, mô hình, cách làm khác nhau, các trạm, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng TPHCM cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần tích cực trong trợ giúp, hỗ trợ các hộ nghèo, nhất là tuyến biển Cần Giờ, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Việc gì khó cũng nhờ bộ đội”
Kết hợp công tác và thăm hỏi người dân, Trung tá Nguyễn Xuân Hội và Thiếu tá Lê Minh Toàn, cán bộ Phòng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Bộ đội Biên phòng TPHCM, dẫn chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Hồ Văn Sơ, bà Nguyễn Thị Voi. Gia đình ông bà đang sống trong căn nhà tình thương được thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, tại Khu phố Miễu Nhì (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ).
Ông bà có 2 người con, nhưng về già lại phải làm quần quật nuôi tiếp 2 đứa cháu nhỏ mà người con út đưa về sau khi lập gia đình mới. Bệnh khớp khiến đôi chân bà Voi sưng phù, phải thường xuyên đi bệnh viện. Nguồn thu nhập chính của gia đình dựa vào nghề đi biển của ông Sơ, dù năm nay ông đã gần 65 tuổi. Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã chăm lo cho các cháu của ông bà 10 năm nay, mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng, từ tiểu học đến hết cấp III.
Bà Voi xúc động bày tỏ tình cảm với những người lính biên phòng: “2 đứa nhỏ được ăn học đàng hoàng là nhờ địa phương, nhờ bộ đội thường xuyên giúp đỡ. Bộ đội ở gần dân và quan tâm chúng tôi.Chúng tôi coi bộ đội như anh em, con cháu trong nhà. Có việc gì khó là gọi cho mấy cháu, lúc bệnh đau ngặt nghèo quá cũng gọi…”.
Cách nhà bà Voi chừng 500 mét là gia đình có cùng hoàn cảnh khó khăn của chị Lê Thị Ngọc Ân (sinh năm 1987). Căn nhà cấp bốn được thuê từ năm 2008, nền gạch cũ sần sùi được trám lởm chởm bằng xi măng. Chị Ân đang giặt quần áo sau giếng. Nghe tin có khách, chị lật đật mang tấm chiếu cũ ra trải giữa nhà, rồi chạy vội vào bế con đặt lên chiếu. Mấy năm nay, chị không một phút giây rời mắt khỏi Long - đứa con trai không may bị bại liệt của mình.
Sinh ra ở Trà Vinh và bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, chị Ân được gia đình người cậu cưu mang, đón lên TPHCM sống. Năm 2006, chị Ân lấy chồng và đón con trai đầu lòng vào năm 2007. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, con trai chị sau một sự cố đã bị liệt dây thần kinh vận động, phải nằm một chỗ suốt đời. Chị cùng chồng ôm theo đứa con 4 tháng tuổi về huyện Cần Giờ lập nghiệp. Không có vốn liếng, chồng chị mưu sinh bằng công việc chở thuê hàng vật tư, mỗi chuyến lời 5.000-10.000 đồng, ngày nào chở nhiều thì được 100.000 đồng.
Do làm việc quá sức và không được chữa bệnh thường xuyên, sức khỏe chồng chị Ân ngày càng yếu. “Mấy lần giục đi khám, anh cứ nói giáp tết ráng làm thêm kiếm chút đỉnh. Ai ngờ bữa đó anh về nằm ngủ rồi mất luôn. Còn 23 ngày nữa là tròn 3 năm ảnh mất”, chị Ân khóc nghẹn. Con trai chị sau nỗi đau mất ba thì bị sốc, từ đó thường xuyên lên cơn co giật.
Trung tá Nguyễn Xuân Hội, người trực tiếp chăm lo cho gia đình chị Ân, cho biết, người con trai thứ hai của chị đã nhận kinh phí hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm lớp 3, nay đang học lớp 10. Lúc chào hỏi chị Ân để ra về, nhìn qua cửa sổ, chúng tôi xúc động khi thấy hình ảnh anh Hội, anh Toàn dúi vào tay Long ít tiền mua quà bánh. Thằng bé không nói được nhưng rất hiểu chuyện, cố rướn người lên để nở nụ cười, gật đầu cảm ơn các chú…
Gần dân, sát dân
Đồn Biên phòng Cần Thạnh nằm bên bờ biển Cần Giờ, như một cột mốc vững chãi bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc. Xung quanh đồn, những ngôi nhà dân giản dị, ấm cúng là nơi che chở, nuôi dưỡng những thế hệ cần cù lao động, gắn bó chặt chẽ với biển, với từng mùa vụ, từng con sóng. Giữa không gian ấy, màu áo xanh của những người lính biên phòng hòa cùng đời sống bình dị của cộng đồng, tạo nên một bức tranh sống động về tình yêu nước, sự gắn bó giữa quân và dân nơi biên giới biển.
Dẫn chúng tôi đi tham quan đồn, Trung tá Phan Huấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cần Thạnh nuối tiếc vì mấy bữa nay ngư dân hạn chế đi biển do thời tiết xấu: “Nếu đến đây từ mờ sáng sẽ thấy bà con đi biển, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có mặt tại cầu cảng thị trấn giúp bà con kiểm tra an toàn tàu thuyền và cấp giấy phép xuất bến cho ngư dân ra khơi, không khí nhộn nhịp tươi vui lắm”.
Anh Huấn kể cho chúng tôi nghe những dấu ấn đậm sâu nhất về người lính biên phòng với người dân Cần Giờ. Đó là cán bộ, chiến sĩ bao lần không quản hiểm nguy, dũng cảm lao mình vào cơn sóng dữ cứu tàu thuyền gặp nạn, bảo toàn tính mạng của bà con. Bao mùa bão tố khiến nhà dân bị sập, hư hỏng, những người lính lại trích quỹ, huy động lực lượng gầy dựng lại từng ngôi nhà, đưa bà con trở lại tổ ấm.
Đại tá Lâm Văn Huy, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng TPHCM bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn mỗi người dân Cần Giờ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, cùng với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng tích cực tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, biển đảo của Tổ quốc, góp phần xây dựng Cần Giờ giàu mạnh, TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-quan-dan-o-tuyen-bien-can-gio-post773586.html