Tình quân thắm mãi trong lòng dân

Tưởng rằng, hình ảnh đoàn quân trùng trùng ra trận chỉ có ở thời chiến. Nhưng giữa thời bình, trong mọi hoạt động kiến thiết đất nước, từ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn… đâu đâu cũng thấy bóng dáng của Bộ đội Cụ Hồ.

 Những cái nắm tay ấm tình quân dân

Những cái nắm tay ấm tình quân dân

Liên tiếp những năm gần đây, đất nước và Nhân dân ta đối diện và trải qua nhiều "biến cố" không thể nào quên: đại dịch Covid-19, siêu bão Rai (tháng 9/2021); rét đậm rét hại xuống đến độ âm ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (đầu năm 2022) gây thiệt hại kinh tế nông nghiệp; trên 1.145 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai xảy ra trên cả nước trong năm 2023 gây ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa phương Tây Nguyên, miền Trung và cả miền núi phía Bắc.

Gần đây nhất, đầu tháng 9 năm nay, bão số 3 (Yagi) và mưa lũ gây ra những thảm họa trên nhiều khu vực dân cư làm 323 người chết, thiệt hại trên 81.000 tỷ đồng…

Đương đầu với tang thương, mất mát, lòng người xót xa nhưng cũng ấm áp hơn, vững vàng hơn khi trên mọi nẻo đường quê hương, bản làng, thôn xóm của dải đất hình chữ S, mỗi khi Nhân dân gặp hoạn nạn, đất nước gian nguy, cùng với các cấp, chính quyền, lực lượng chức năng…, luôn có bóng dáng, sự chung tay, vào cuộc kịp thời của lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chính trong những thời khắc khó khăn ấy, chúng ta đã được chứng kiến những hình ảnh xúc động, sâu sắc, nghĩa cử cao đẹp và sự gắn bó máu thịt của Bộ đội Cụ Hồ với Nhân dân.

Chúng ta không thể quên, trong cơn bão Yagi, Lào Cai là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Cả nước bàng hoàng khi Làng Nủ đẹp như tranh, vốn bình yên là thế, bỗng chốc bị cuốn phăng bởi lũ quét. 33 gia đình mất tích, 40 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà con Làng Nủ bịn rịn chia tay bộ đội

Bà con Làng Nủ bịn rịn chia tay bộ đội

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, để khắc phục hậu quả, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã thành lập "Sở chỉ huy tiền phương" ngay tại địa điểm xảy ra thiên tai (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) do Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 đã hành quân trong đêm, phối hợp với lực lượng tại chỗ và tăng cường của Bộ đội Biên phòng, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân.

Chắc chắn, trong triệu triệu trái tim người Việt Nam, sẽ chẳng ai có thể quên được hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ dầm mình trong mưa lũ hỗ trợ người dân. Tiếp đó, gần tháng trời đằng đẵng sau bão lũ, những người lính vẫn kiên trì bám trụ, lần dò trong từng thớ đất, khe suối, hốc cây, hộc núi để tìm kiếm thi thể những nạn nhân làng Nủ bị mất tích.

Trong đợt bão Yagi, khi thấy lực lượng quân đội, người dân vùng bão lũ bình tĩnh hơn. Chúng tôi cùng lực lượng chức năng và bà con nhanh chóng chuyển người bị thương đi cấp cứu, vừa tìm kiếm nạn nhân mất tích, vừa lo hậu sự cho người đã mất. Những hình ảnh đau thương của đồng bào thôi thúc chúng tôi càng quyết tâm vượt thiên tai, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cấp bách khi ấy. hôm chia tay dân làng, đồng chí Bí thư huyện ủy Bảo Yên và bà con cứ rưng rưng nước mắt, lưu luyến, bịn rịn mãi khiến chúng tôi ai cũng nghẹn ngào. Những bông hoa rừng tự bó, những chiếc bánh chưng gói vội, những lời cảm ơn và tạm biệt của đồng bào các dân tộc vùng lũ tỉnh Lào Cai dành tặng cán bộ, chiến sĩ lúc chia tay đã nói lên tất cả rằng: càng trong gian khó, càng thấm đượm tình cảm đặc biệt của quân và dân”

Đại tá Đặng Hồng Hải, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai

Trong hàng ngàn chiến sĩ bám địa phương, sát cánh cùng Nhân dân vùng lũ, có những em mới chỉ mười tám, đôi mươi vừa bước vào quân ngũ song luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, gan dạ, quyết tâm cao cùng Nhân dân thắng thiên địch.

Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Việt Trung

Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Việt Trung

Thực sự cảm động trước những nụ cười chiến sĩ trẻ, dẫu cả ngày phơi mình dưới thời tiết khắc nghiệt, bữa cơm dã chiến lưng dạ, giấc ngủ lán tạm chập chờn nhưng luôn đặt sự an nguy của Nhân dân lên trên hết.

Vẫn biết, người lính xung trận để thực hiện mệnh lệnh. Nhưng chẳng có mệnh lệnh nào bằng mệnh lệnh của trái tim. Mệnh lệnh của cấp trên buộc người lính phải hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá, nhưng mệnh lệnh của trái tim đã thôi thúc họ sẵn sàng sống chết với Nhân dân, với bà con vùng lũ.

Như lời một chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu nạn mà tôi nhìn thấy trong một thước phim ngắn trên ti vi, anh ấy nói rằng, trái tim anh đau thắt khi nhìn bọn trẻ vùng lũ ngác ngơ trạc tuổi con mình; hình ảnh bà con dân làng khiến anh nhớ đến người thân, gia đình mình, bố mẹ, vợ con mình; cứ nghĩ rằng những nạn nhân bị mất tích, vùi lấp đâu đó dưới những lớp bùn đất kia là nguời thân của mình, trái tim lại thúc giục ý chí các anh cố gắng nhiều hơn nữa, tìm kiếm nạn nhân kĩ hơn nữa…

Và có lẽ vậy, nên ngoài ý chí của nguời chiến sĩ xông pha tuyến đầu, mệnh lệnh của trái tim, của tình nguời, tình đồng bào đã tạo cho những người lính Cụ Hồ một sức mạnh phi thường, coi nhẹ hiểm nguy, thiên tai, địch họa.

Có thể nói, trong thời bình, mỗi khi đất nước bị thiên tai, dịch bệnh, Quân đội luôn là điểm tựa vững chắc của Nhân dân. Hình ảnh những đoàn quân bộ đội, dân quân không quản hiểm nguy băng đèo, vượt suối, dầm mưa đội bão đến với bà con những lúc nguy nan nhất luôn là những hình ảnh đẹp đẽ, đáng tự hào, khắc sâu trong trái tim Nhân dân.

Chưa bao giờ lực lượng Quân đội được huy động đông đảo, kịp thời, khẩn trương như đợt ứng phó với trận bão Yagi lịch sử vừa qua. Ngay khi một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái Quảng Ninh, Hòa Bình..., bằng sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án, với công tác huấn luyện chặt chẽ, sự vào cuộc chủ động, đồng bộ, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy "4 tại chỗ", đồng thời điều động lực lượng khẩn trương cơ động giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Bộ tư lệnh Quân khu 1 cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 điều động gần chục nghìn bộ đội và dân quân, gần 200 phương tiện phối hợp với các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát (Lào Cai); Lục Yên (Yên Bái); Thanh Thủy, Tam Nông (Phú Thọ); đồng thời hỗ trợ Nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân đoàn 12 điều động hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ (bộ đội và dân quân), hàng trăm phương tiện giúp nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn khắc phục hậu quả.

Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển... cũng huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp kêu gọi tàu thuyền, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, cứu hộ cứu nạn đồng bào gặp nguy hiểm, ổn định đời sống nhân dân trên tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3.

Nhìn vào dặm dài lịch sử dân tộc, kể từ khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nghĩa tình quân dân luôn là mạch nguồn trong dòng chảy tạo nên tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa Nhân dân và Quân đội.

Tình quân dân như cá với nước chính là nguồn sức mạnh của "Bộ đội Cụ Hồ", là niềm tin tuyệt đối của Nhân dân vào Quân đội.

Thiên tai đi qua nhưng dư âm tình quân dân còn mãi. Những vòng ôm chặt, những cái bắt tay bịn rịn, ánh mắt ầng ậng nước dạt dào cảm xúc hôm 24/9/2024 (khi gần 400 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội tìm kiếm nạn nhân mất tích chia tay đồng bào thôn Làng Nủ để trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ), đủ để khắc họa và minh chứng cho tình quân dân thắm thiết, nghĩa đồng bào keo sơn.

Tất thảy những điều ấy, một lần nữa khẳng định bản chất và quy luật phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam ta là "Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu".

Song Nghi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tinh-quan-tham-mai-trong-long-dan-20241220122036768.htm